Ngày 31 tháng 12 năm 2023 Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải đã ban hành các Thông tư số 54/2023/TT-BGTVT của Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải Sửa đổi, bổ sung một số điều của Thông tư số 27/2016/TT-BGTVT ngày 12 tháng 10 năm 2016 của Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải quy định về đào tạo, cấp, thu hồi Giấy chứng nhận khả năng chuyên môn hoa tiêu hàng hải và Giấy chứng nhận vùng hoạt động hoa tiêu hàng hải; Thông tư 56/2023/TT-BGTVT của Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải Sửa đổi, bổ sung một số Điều của Thông tư số 23/2017/TT-BGTVT ngày 28 tháng 07 năm 2017 của Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải quy định chức danh, nhiệm vụ theo chức danh của thuyền viên và đăng ký thuyền viên làm việc trên tàu biển Việt Nam; Thông tư số 57/2023/TT-BGTVT của Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải Quy định về Chương trình đào tạo, huấn luyện thuyền viên, hoa tiêu hàng hải.
Theo đó, Thông tư số 54/2023/TT-BGTVT của Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải quy định giấy chứng nhận khả năng chuyên môn cấp cho hoa tiêu hàng hải có thời hạn sử dụng là 5 năm, kể từ ngày cấp; giấy chứng nhận này cấp cho thuyền trưởng tự dẫn tàu có thời hạn sử dụng là 2 năm; giấy chứng nhận khả năng chuyên môn hoa tiêu hàng hải cấp cho hoa tiêu hàng hải có thời hạn sử dụng 5 năm kể từ ngày cấp. Trường hợp giấy chứng nhận được cấp lại do bị mất, hỏng hoặc thay đổi thông tin thì thời hạn sử dụng của giấy tương ứng với thời hạn còn lại của giấy đề nghị cấp lại.
Thông tư cũng quy định, hoa tiêu được cấp giấy chứng nhận khả năng chuyên môn hoa tiêu hàng hải hạng ba được phép dẫn các loại tàu biển có tổng dung tích đến 5.000 GT và có chiều dài tối đa đến 115m.
Công dân Việt Nam có giấy chứng nhận khả năng chuyên môn hoa tiêu hàng hải do cơ quan, tổ chức nước ngoài cấp được miễn giảm những nội dung đã được đào tạo tại nước ngoài tương ứng với nội dung chương trình đào tạo hoa tiêu hàng hải do Bộ trưởng Bộ GT-VT quy định. Tổng số nội dung được miễn giảm không vượt quá 50% tổng khối lượng chương trình đào tạo hoa tiêu hàng hải…
Thông tư cũng bổ sung nhiều quy định nhằm đáp ứng xu hướng đào tạo hoa tiêu của các tổ chức nước ngoài, cũng như xu hướng số hóa thủ tục hành chính.
Thông tư 56/2023/TT-BGTVT của Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải quy định chức danh, nhiệm vụ theo chức danh của thuyền viên và đăng ký thuyền viên làm việc trên tàu biển Việt Nam
Qua đó làm rõ trách nhiệm của tổ chức cung ứng thuyền viên khi bố trí thuyền viên làm việc trên tàu biển nước ngoài cho rõ ràng, phù hợp với thực tế. Đồng thời bổ sung quy định về thành phần hồ sơ để đáp ứng việc thực hiện thủ tục hành chính trên môi trường điện tử.
Cụ thể, các tổ chức phải xác nhận đầy đủ, chính xác việc bố trí chức danh thuyền viên trong sổ thuyền viên và chịu trách nhiệm về việc xác nhận trong trường hợp chủ tàu có trụ sở ở ngoài lãnh thổ Việt Nam.
Đồng thời, khai báo ngày xuống, rời tàu và chức danh thuyền viên do mình cung ứng làm việc trên tàu biển nước ngoài bằng phương thức điện tử vào Cơ sở dữ liệu quản lý thuyền viên của Cục Hàng hải Việt Nam và chịu trách nhiệm về việc khai báo.
Theo quy định hiện hành, trách nhiệm của tổ chức cung ứng thuyền viên khi bố trí thuyền viên làm việc trên tàu biển nước ngoài chỉ bao gồm việc khai báo ngày xuống, rời tàu và chức danh thuyền viên do mình quản lý làm việc trên tàu biển nước ngoài bằng phương thức điện tử vào Cơ sở dữ liệu quản lý thuyền viên của Cục Hàng hải VN và chịu trách nhiệm về việc khai báo.
Ngoài ra, dự thảo Thông tư mới cũng đề xuất sửa đổi, rà soát, cắt giảm một số thành phần hồ sơ nhằm cải cách thủ tục hành chính, đáp ứng quy định của Luật Cư trú nhằm giảm thiểu giấy tờ, tạo điều kiện cho người dân, doanh nghiệp khi thực hiện thủ tục hành chính.
Đồng thời, đề xuất bổ sung các trường hợp thực hiện thủ tục hành chính trên môi trường mạng, thông qua hệ thống dịch vụ công trực tuyến.
Thông tư số 57/2023/TT-BGTVT của Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải quy định cập nhật, bổ sung một số chương trình đào tạo, huấn luyện thuyền viên, hoa tiêu hàng hải để phù hợp với Chương trình mẫu của Tổ chức hàng hải quốc tế (IMO Model Course) quy định, cũng như pháp luật của Việt Nam.
Một trong những chương trình được bổ sung tại Thông tư mới là chương trình bổ túc ngành điều khiển tàu biển trình độ đại học; khai thác máy tàu biển trình độ đại học; kỹ thuật điện tàu biển trình độ đại học.
Ngoài ra, bổ sung chương trình huấn luyện cơ bản và huấn luyện nâng cao thuyền viên làm việc trên tàu cao tốc, nhằm đáp ứng các yêu cầu của Bộ luật Quốc tế về tàu cao tốc (Bộ luật HSC 2000).
Bên cạnh đó, bổ sung chương trình huấn luyện cơ bản và huấn luyện nâng cao thuyền viên làm việc trên tàu hoạt động tại các vùng nước cực; chương trình huấn luyện cơ bản và huấn luyện nâng cao thuyền viên làm việc trên tàu sử dụng nhiên liệu có điểm cháy thấp theo Bộ luật IGF. Các chương trình này đều được xây dựng theo chương trình mẫu của IMO Model Course.
Đối với các chương trình đào tạo nâng cao, Thông tư mới bổ sung chương trình đào tạo nâng cao trình độ sơ cấp ngành điều khiển tàu biển để cấp Giấy chứng nhận khả năng chuyên môn thủy thủ trực ca; Chương trình đào tạo nâng cao trình độ sơ cấp ngành khai thác máy tàu biển để cấp Giấy chứng nhận khả năng chuyên môn thợ máy trực ca và chương trình đào tạo nâng cao trình độ sơ cấp để cấp Giấy chứng nhận khả năng chuyên môn thợ kỹ thuật điện.
Ngoài ra, còn có chương trình huấn luyện sỹ quan an toàn tàu biển và huấn luyện bếp trưởng, cấp dưỡng.
Thông tư 54/2023/TT-BGTVT; Thông tư 56/2023/TT-BGTVT; Thông tư 57/2023/TT-BGTVT có hiệu lực thi hành từ ngày 01 tháng 4 năm 2024.
Sở Giao thông vận tải triển khai đến các tổ chức, cá nhân và các đơn vị liên quan trên địa bàn tỉnh Hậu Giang được biết và thực hiện.