Chi tiết tin tức - UBND Hiệp Hưng - Phụng Hiệp

 

Huyện Phụng Hiệp: triển khai nhiều giải pháp hỗ trợ cho nông dân phát triển

Ngày 10:11:42 11-10-2022 - Lượt xem: 224

Để vực dậy thế mạnh nông nghiệp của địa phương, thời gian qua huyện Phụng Hiệp đã ban hành nhiều nghị quyết, đề án về phát triển nông nghiệp nông dân và nông thôn. Đi kèm với những đề án đó là chính sách hỗ trợ về vốn, cây con giống, quy trình sản xuất để nông dân từng bước xây dựng được mô hình sản xuất đáp ứng được yêu cầu của thị trường.

Theo ngành nông nghiệp huyện Phụng Hiệp để từng bước giúp nông sản của huyện xuất khẩu sang thị trường Trung Quốc, thời gian qua huyện Phụng Hiệp đã tích cực hỗ trợ các nông dân xây dựng được 15 mã số vùng trồng trên 4 loại trái cây như: Mít thái (6 mã số), Nhãn Ido (3 mã số), Xoài ( 2 mã số, Dưa Hấu ( 2 mã số) và Sương sáo ( 2 mã số). Tổng diện tích xây dựng 198ha, có 277 hộ tham gia, tổng sản lượng hàng năm đạt hơn 4.000 tấn. 
Canh tác hơn 2ha nhãn Ido, nhưng chủ yếu chỉ bán nội địa giá trị mang lại không cao, cách đây 4 năm, được sự hỗ trợ của ngành nông nghiệp huyện, anh Hồ Văn Tâm ở xã Thạnh Hòa, huyện Phụng Hiệp đã mạnh dạn liên kết với 24 hộ dân trồng nhãn Ido trong vùng được 14ha để xin đăng ký mã số vùng trồng cho cây nhãn Ido Thạnh Hòa và tuân thủ các quy trình sản xuất nhãn sạch, chuẩn bị các bước cần thiết để sản xuất nhãn Ido xuất khẩu. Anh Tâm cho biết: “khi đăng ký  xây dựng thành công mã số vùng trồng, sau đó sẽ vận động bà con chuyển sang sài hữu cơ và tuân thủ việc ghi chép sổ sách, tuân thủ loại thuốc bảo vệ thực vật nào được sài, cái nào không. Để thời gian tới mình có cơ hội xuất khẩu để cho giá trị kinh tế cao hơn.” 
Ngoài việc xây dựng mã số vùng trồng, thông qua chương trình Ocop, huyện Phụng Hiệp còn hỗ trợ bà con các bước như: xây dựng nhãn hiệu, bao bì và cách thức bảo quản sản phẩm để nâng cao sức cạnh tranh trên thị trường. Tính đến nay huyện Phụng Hiệp đã có 21 sản phẩm đạt Ocop cấp tỉnh từ 3-4 sao, với sản lượng ra tăng từ 50% đến 60% so với thời điểm chưa công nhận. 
Điển hình như cơ sở sản xuất rượu truyền thống Út Tây, khởi nghiệp cách đây 4 năm, nhờ tham gia chương trình Ocop, cơ sở được hỗ trợ một dây truyền triết xuất rượu theo hướng hiện đại, từ 1 sản phẩm đạt 3 sao đến nay cơ sở đã có thêm 3 sản phẩm đạt 4 sao, giá trị các sản phẩm tăng gần 30% so với thời điểm mới khởi nghiệp. Bà Võ Thị Phương Trang, Chủ cơ sở sản xuất rượu truyền thống Út Tây, xã Tân Bình, huyện Phụng Hiệp: “Chương trình Ocop đã giúp cho các chủ thể tự tin giới thiệu sản phẩm của mình đến với người tiêu dùng. Để từ đó mở rộng quy mô sản xuất và Út Tây cũng vậy, năm qua cũng nhờ Ocop mà sản phẩm đã có chỗ đứng trên thị trường và người tiêu dùng ngày càng biết đến nhiều hơn.”
    Để vực dậy thế mạnh nông nghiệp của địa phương, 5 năm qua huyện Phụng Hiệp đã ban hành 2 nghị quyết, 1 đề án và 3 chương trình đột phá về chuyển đổi cây trồng và phát triển nông nghiệp gắn với du lịch. Qua đó, huyện đã tranh thủ nguồn vốn hơn 35 tỷ đồng hỗ trợ hơn 320 tấn lúa giống, 300 ngàn cây con giống, mở hơn 100 lớp chuyển giao KHKT, quy trình sản xuất theo hướng Viet Gap, Globa-Gap và nhiều trang thiết bị như: nhà xưởng, nhà lưới, hệ thống tưới thông minh để nông dân sản xuất. 
Vườn nhãn Ido của Anh Tâm ở xã Thạnh Hòa, huyện Phụng Hiệp
Ông Trần Văn Tuấn, Trưởng phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Phụng Hiệp cho biết: “Để từng bước thực hiện nghị quyết về phát triển nông nghiệp bền vững gắn với du lịch. Theo kế hoạch giai đoạn 2021-2025 huyện Phụng Hiệp sẽ tiếp tục hỗ trợ cho nông dân khoảng 12 tỷ đồng để xây dựng và nhân rộng các mô hình sản xuất. Theo đó, trung bình mỗi năm huyện sẽ hỗ trợ 3-4 tỷ đồng để triển giao cho nông hộ về khoa học kỷ thuật, quy trình sản xuất và chăn nuôi theo hướng công nghệ cao và 50% giống, vật tư nông nghiệp, trang thiết bị phục vụ sản xuất. Từng bước hình thành mô hình sản xuất, chăn nuôi với diện tích lớn tạo ra sản phẩm chất lượng để phục vụ cho khách tham quan du lịch và xuất khẩu.”
Với những chính sách hỗ trợ kịp thời đã giúp nông dân ở huyện Phụng Hiệp tự tin xây dựng mô hình và mở rộng quy mô sản xuất. Tính đến nay toàn huyện có 1.018 mô hình tập trung và làm ăn có hiệu quả, trong đó có 109 mô hình sản xuất theo hướng công nghệ cao. Ông Lê Như Lê, Phó Chủ tịch UBND huyện Phụng Hiệp cho biết: “Chính nhờ sự hỗ trợ kịp thời của các đề án, các chương trình hỗ trợ đã góp phần giúp cho huyện nâng chất và xây dựng mới mỗi năm từ 50-70 mô hình sản xuất hiệu quả. Hiện tại huyện đang tập trung quy hoạch lại vùng sản xuất, song song đó sẽ phối hợp với các công ty, doanh nghiệp vận động nhân dân chuyển đổi sang các loại cây trồng đã được liên kết phát triển như: Khóm MD2, Xoài Cát Lộc hay Lúa an toàn…v.v.”
Cũng theo ông Lê, một điểm khá thuận lợi đối với lĩnh vực sản xuất ở huyện Phụng Hiệp là huyện vừa ký kết giao ước hợp tác với trường đại học Cần Thơ. Theo đó tới đây nông dân trong huyện sẽ được tập huấn, triển giao các tiến bộ khoa học - kỹ thuật vào sản xuất, từng bước nâng cao chất lượng hàng hóa nông sản làm ra để tăng sức cạnh tranh trên thị trường. 
Với địa thế là vùng sản xuất nông nghiệp, nông dân thì đang từng bước thay đổi phương thức sản xuất cùng với các chương trình đề án hỗ trợ. Phụng Hiệp đang hội đủ những yếu tố “cần và đủ” để thúc đẩy cho lĩnh vực nông nghiệp và du lịch phát triển trong tương lai gần, góp phần nâng cao thu nhập của bà con trong huyện. 
 
 
 
Duy Khánh

Bạn chưa có đủ quyền truy nhập portlet này.
Đang online: 1
Hôm nay: 125
Đã truy cập: 186760