18 NĂM GÓP PHẦN BẢO VỆ PHÁP CHẾ, TRẬT TỰ AN TOÀN XÃ HỘI
I. Quá trình hình thành và phát triển
Năm 2004, cùng với việc thành lập đơn vị hành chính tỉnh Hậu Giang theo Nghị quyết số 22/2003/QH11 ngày 26/11/2003 của Quốc hội khóa XI về việc chia tách và điều chỉnh địa giới hành chính, Viện kiểm sát nhân dân (gọi tắt là VKSND) tỉnh Hậu Giang được thành lập theo Quyết định số 18/QĐ-VKSTC ngày 12/01/2004 của Viện trưởng VKSND tối cao, trong bối cảnh có sự điều chỉnh quan trọng về chức năng, hoạt động của Viện kiểm sát nhân dân theo yêu cầu cải cách tư pháp – Luật Tổ chức Viện Kiểm sát năm 2002. Đội ngũ công chức VKSND hai cấp khi mới thành lập chỉ được phân bổ 45 biên chế, trong đó có 16 Kiểm sát viên trung cấp, 18 Kiểm sát viên sơ cấp, thực hiện công tác tại 06 phòng thuộc VKSND tỉnh, 06 VKSND cấp huyện; phần lớn công chức được chia tách từ VKSND tỉnh Cần Thơ, nơi làm việc bố trí bằng nhà tạm, chung với VKSND thị xã Vị Thanh, cơ sở vật chất, phương tiện hoạt động chưa được bố trí đầy đủ. Nhưng với sự quyết tâm cao của tập thể và cá nhân VKSND hai cấp đã vượt qua khó khăn, thử thách, đoàn kết một lòng, sớm ổn định được bộ máy làm việc, tổ chức cán bộ; thực hiện có hiệu quả chức năng, nhiệm vụ công tác kiểm sát, phục vụ tốt nhiệm vụ chính trị của địa phương, của Ngành.
Từ năm 2004 – đến năm 2010, Toàn ngành Kiểm sát nhân dân mở rộng tổ chức, tăng cường kiện toàn bộ máy, biên chế công chức của các đơn vị, nhất là các đơn vị mới thành lập do điều chỉnh địa giới hành chính. Theo đó, VKSND tỉnh Hậu Giang được bố trí 08 phòng và 07 VKSND cấp huyện. Ngày 30/8/2004, VKSND tỉnh Hậu Giang được phân bổ 103 biên chế theo Quyết định số 205/2004/QĐ-TCCB của Viện trưởng VKS tối cao; đến ngày 01/12/2009, biên chế được giao cho VKSND tỉnh Hậu Giang là 124 người theo Quyết định số 258/QĐ-VKSTC-V9 của Viên trưởng VKSND tối cao. Công tác đào tạo, bồi dưỡng công chức được chú trọng thực hiện, đảm bảo rà soát, cử công chức tham gia đầy đủ các lớp đào tạo, bồi dưỡng về nghiệp vụ kiểm sát; kịp thời bổ nhiệm công chức có đủ điều kiện vào các chức danh Kiểm sát viên trung cấp, Kiểm sát viên sơ cấp, Kiểm tra viên.
Ngành Kiểm sát nhân dân khẩn trương đổi mới hệ thống tổ chức theo Nghị quyết số 49-NQ/TW của Trung ương, Kết luận số 79-KL/TW của Bộ Chính trị về cải cách tư pháp. Theo đó, VKSND tỉnh Hậu Giang tiếp tục được kiện toàn về tổ chức bộ máy, biên chế công chức được tăng cường, đến năm 2015 VKSND tỉnh Hậu Giang được tổ chức với 129 biên chế được giao, phân bổ công tác tại 10 Phòng thuộc VKSND tỉnh và 08 VKSND cấp huyện, trụ sở VKSND tỉnh được xây dựng, đưa vào hoạt động tạo điều kiện thuận lợi hơn về cơ sở vật chất cho công chức, từ đó nâng cao hiệu suất, hiệu quả thực hiện nhiệm vụ, đáp ứng ngày càng cao hơn yêu cầu của Ngành.
Năm 2015 đến nay, thực hiện Nghị quyết số 39-NQ/TW ngày 17/4/2015 của Bộ Chính trị về tinh giản biên chế và cơ cấu lại đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức; Luật Tổ chức VKSND năm 2014, ngành Kiểm sát nhân dân tiếp tục kiện toàn, sắp xếp lại bộ máy tổ chức và tinh giản biên chế theo chủ trương của Đảng, Nhà nước. Trên cơ sở quy định về tổ chức bộ máy, phân bổ biên chế của VKSND tối cao, VKSND tỉnh Hậu Giang đã thực hiện sáp nhập giảm 03 phòng, tinh giản và giảm tự nhiên 11 biên chế. Đến nay, VKSND tỉnh Hậu Giang được tổ chức với 125 biên chế được giao, phân bổ công tác tại 07 Phòng thuộc VKSND tỉnh và 08 VKSND cấp huyện.
VKSND tỉnh Hậu Giang tự hào về sự trưởng thành và phát triển trong tổ chức bộ máy và đội ngũ công chức, Kiểm sát viên trong 18 năm xây dựng. Tập thể VKSND hai cấp đã đoàn kết, kiên định, vững vàng, dũng cảm đấu tranh bảo vệ pháp luật, giữ vững phẩm chất và đạo đức cách mạng, được Đảng, Nhà nước và nhân dân tin cậy, tô thắm thêm truyền thống vẻ vang của Ngành, đồng hành trong phát triển kinh tế xã hội, đảm bảo an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội tại địa phương.
II. Thành tích đạt được
Trong 18 năm qua, quán triệt thực hiện quan điểm đổi mới của Đảng về nhiệm vụ cải cách tư pháp, chỉ đạo thực hiện nhiệm vụ của VKSND tối cao. VKSND tỉnh Hậu Giang đã thực hiện có chất lượng, hiệu quả công tác thực hành quyền công tố, kiểm sát hoạt động tư pháp; xây dựng ngành Kiểm sát Hậu Giang trong sạch, vững mạnh; công chức, Kiểm sát viên đảm bảo thực hiện tốt nguyên tắc ứng xử trong công tác thực hành quyền công tố tại phiên tòa, quy tắc ứng xử trong thực thi nhiệm vụ, công vụ, nội bộ cơ quan và quan hệ xã hội đáp ứng yêu cầu xây dựng văn hóa công sở.
Công tác thực hành quyền công tố và kiểm sát hoạt động tư pháp trong lĩnh vực hình sự đã có nhiều chuyển biến tích cực. Viện kiểm sát Hậu Giang tăng cường phối hợp với các cơ quan bảo vệ pháp luật trong công tác phòng, chống tội phạm, vi phạm, kịp thời phát hiện và xử lý nghiêm minh các loại tội phạm theo thẩm quyền. VKSND hai cấp đã thực hiện tốt chủ trương của Đảng và của ngành Kiểm sát nhân dân về “Tăng cường trách nhiệm công tố trong hoạt động điều tra, gắn công tố với hoạt động điều tra”. Chủ động đề ra các biện pháp nhằm chống oan, sai, bỏ lọt tội phạm; công tác kiểm sát được tiến hành ngay từ khi thụ lý giải quyết tố giác, tin báo về tội phạm, kiến nghị khởi tố và trong suốt quá trình khởi tố điều tra, truy tố, xét xử vụ án hình sự, đề ra các yêu cầu xác minh, yêu cầu điều tra sát với thực tế sự việc nên thời gian qua không để xảy ra trường hợp oan sai, bỏ lọt tội phạm, tiến độ giải quyết án được đảm bảo thực hiên nhanh chóng, đúng thời hạn. Tỷ lệ số vụ án Viện kiểm sát giải quyết, truy tố trên tổng số thụ lý giải quyết hàng năm đều đạt cao trên 95%, bình quân đạt trên 99%; nhiều vụ trọng án, án phức tạp, án được dư luận quan tâm đã được điều tra, truy tố, xét xử kịp thời đáp ứng yêu cầu cuộc đấu tranh phòng, chống tội phạm và góp phần phục vụ tốt nhiệm vụ chính trị của địa phương. Kiểm sát chặt chẽ chế độ đối với người bị tạm giữ, tạm giam, không để xảy ra các trường hợp quá hạn luật định hoặc tạm giữ, tạm giam không có căn cứ pháp luật.
Thực hiện chủ trương “Đổi mới, chất lượng, kỷ cương, hướng về cơ sở” và phương châm “Đoàn kết, đổi mới - Trách nhiệm, kỷ cương – Thực chất, hiệu quả” của ngành Kiểm sát nhân dân. Hàng năm, trên cơ sở Chỉ thị công tác của VKSND tối cao và tình hình thực tiễn địa phương, VKSND tỉnh Hậu Giang đã xây dựng Kế hoạch công tác kiểm sát, trong đó đề ra nhiều giải pháp, nhiệm vụ, khâu công tác trọng tâm, đột phá để thực hiện; tăng cường kiểm tra, thanh tra, tập huấn, hội thảo, sơ kết các chuyên đề, các khâu công tác nghiệp vụ, thường xuyên thông báo rút kinh nghiệm chung nhằm nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác kiểm sát.
Với những kết quả đã đạt được, Viện kiểm sát Hậu Giang được Chủ tịch nước tặng Huân chương Lao động hạng Nhì cho 01 tập thể và 01 cá nhân; hạng Ba cho 03 tập thể, 05 cá nhân; Thủ tướng Chính phủ tặng Bằng khen cho 08 tập thể, 13 cá nhân; Uỷ ban nhân dân tỉnh tặng 07 Cờ hạng Nhất, Nhì, Ba trong phong trào thi đua yêu nước; 08 năm liền được VKSND tối cao xét tặng Cờ thi đua hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ cho VKSND tỉnh Hậu Giang (2014-2021), đặc biệt năm 2022, được VKSND tối cao chọn là 01 trong 22 đơn vị trong toàn ngành Kiểm sát nhân dân đề xuất khen thưởng Cờ thi đua Chính phủ. Viện kiểm sát tối cao tặng 59 Cờ thi đua đơn vị xuất sắc phong trào thi đua cho 59 lượt tập thể cấp phòng và Viện kiểm sát huyện, 01 lượt cá nhân đạt danh hiệu Chiến sĩ thi đua toàn quốc, 55 lượt cá nhân đạt danh hiệu Chiến sĩ thi đua ngành Kiểm sát nhân dân,...
Một số hình ảnh hoạt động của đơn vị:
Ảnh: Đồng chí Trần Quốc Vượng, Ủy viên Trung ương Đảng, Viện trưởng VKSND tối cao đến thăm và làm việc tại VKSND tỉnh Hậu Giang |
|
|
Ảnh: VKSND tỉnh Hậu Giang tổ chức lễ đón nhận Huân chương lao động hạng III |
|
Ảnh: Trang tin điện tử VKSND tỉnh Hậu Giang |