1. Quá trình hình thành và phát triển
- Sở Y tế được thành lập theo Quyết định số 24/2008/QĐ-UBND ngày 18 tháng 4 năm 2008 của UBND tỉnh Hậu Giang.
- Cơ cấu tổ chức Sở Y tế hiện có 05 phòng chuyên môn nghiệp vụ và tham mưu tổng hợp (gồm: Phòng Tổ chức - Hành chính; Thanh tra; Phòng Kế hoạch - Tài chính; Phòng Nghiệp vụ Y - Bảo hiểm Y tế; Phòng Nghiệp vụ Dược). Các cơ quan, đơn vị trực thuộc hiện có 19 đơn vị (02 cơ quan quản lý hành chính; 17 đơn vị sự nghiệp y tế). Trong đó:
+ Cơ quan quản lý hành chính gồm: Chi cục Dân số - Kế hoạch hóa gia đình tỉnh; Chi cục An toàn vệ sinh thực phẩm tỉnh;
+ Đơn vị sự nghiệp y tế bao gồm:
Cấp tỉnh 08 đơn vị gồm: Bệnh viện đa khoa tỉnh, Bệnh viện Phổi, Bệnh viện chuyên khoa Tâm thần & da liễu; Bệnh viện Sản Nhi; Trung tâm Kiểm soát bệnh tật, Trung tâm Giám định Y khoa, Trung tâm Pháp Y, Trung tâm Kiểm nghiệm Dược phẩm - Mỹ phẩm - Thực phẩm - Thiết bị y tế).
Cấp huyện 09 đơn vị gồm: Bệnh viện đa khoa thành phố Ngã Bảy; 08 Trung tâm Y tế huyện/thị xã/thành phố.
Ngoài ra, còn có 71 Trạm Y tế xã, phường, thị trấn và 04 PKĐKKV thuộc Trung tâm Y tế huyện, thị xã.
- Sở Y tế tỉnh Hậu Giang là cơ quan chuyên môn thuộc Ủy ban nhân dân tỉnh, có chức năng tham mưu, giúp Ủy ban nhân dân tỉnh thực hiện chức năng quản lý nhà nước về chăm sóc và bảo vệ sức khỏe nhân dân, bao gồm: Y tế dự phòng; khám bệnh, chữa bệnh; phục hồi chức năng; giám định y khoa, pháp y, pháp y tâm thần; y dược cổ truyền; trang thiết bị y tế; dược; mỹ phẩm; an toàn thực phẩm; bảo hiểm y tế; dân số - kế hoạch hóa gia đình; sức khỏe sinh sản và công tác y tế khác trên địa bàn tỉnh theo quy định của pháp luật.
2. Các thành tích về KTXH-ANQP và các sự kiện nổi bật từ năm 2004 đến nay:
Hiện nay, Hậu Giang đã có 04 cơ sở khám chữa bệnh hạng II, gồm BVĐK tỉnh (có qui mô 600 giường), Bệnh viện Sản nhi tỉnh (có qui mô 240 giường) Bệnh viện đa khoa thành phố Ngã Bảy (qui mô 450 giường), Trung tâm Y tế thị xã Long Mỹ (qui mô 290 giường), có 02 Bệnh viện chuyên khoa (Tâm thần - Da liễu, Lao & Bệnh phổi) và 07 Trung tâm Y tế tuyến huyện; tất cả các Trung tâm Y tế tuyến huyện đều được củng cố, sắp sếp lại đảm bảo thực hiện 02 chức năng theo Thông tư số 37/2021/TT-BYT là y tế dự phòng và khám chữa bệnh. Việc đầu tư cho xây dựng và mua sắm trang thiết bị của Ngành tăng đáng kể, với nhiều trang thiết bị cơ bản, hiện đại, đáp ứng yêu cầu triển khai kỹ thuật phục vụ công tác khám, chẩn đoán và điều trị cho nhân dân (trung bình kinh phí đầu tư vào năm 2004 chỉ khoảng 5 tỉ đồng/năm đến nay đã lên vài chục tỷ đồng/năm).
Song song với việc đầu tư cho công tác khám chữa bệnh, Hậu Giang còn đặc biệt chú trọng công tác phòng chống dịch bệnh. Từ khi chia tách đến nay, mặc dù Khối Y tế Dự phòng phải đối mặt với nhiều khó khăn như: tình hình dịch bệnh cũng như các mô hình bệnh tật luôn diễn biến phức tạp đặc biệt là đại dịch COVID-19, nhưng với những nỗ lực tích cực, chủ động phòng chống dịch bệnh, tình hình dịch bệnh tại Hậu Giang luôn nằm trong tầm kiểm soát của ngành Y tế, không để lây lan, bùng phát dịch lớn so với các tỉnh khác trong khu vực.
Năm 2005 đại dịch cúm A /H5N1 bùng phát trên khắp thế giới và nhiều tỉnh thành trong cả nước, nhưng ngành Y tế Hậu Giang đã chủ động phòng chống dịch từ sớm kip thời khống chế thành công dịch cúm A/H5N1.
Không dừng lại ở đó, năm 2011 bệnh Tay chân miệng (TCM) xuất hiện khắp các tỉnh, thành trong cả nước, tuy Hậu Giang có số cas mắc muộn hơn các tỉnh khác nhưng số trường hợp mắc rất cao đỉnh điểm có số cas mắc lên đến 1.829 cas vào cuối năm 2011 và có 06 trường hợp tử vong. Trước tình hình đó, được sự chỉ đạo và đầu tư kinh phí từ UBND tỉnh, Ngành Y tế cùng cấp ủy, chính quyền các cấp đã vào cuộc quyết liệt, nhiều biện pháp phòng, chống dịch bệnh TCM được triển khai đồng bộ, triệt để. Kết quả là dịch Tay chân miêng đã bị khống chế và số cas mắc cũng giảm dần, năm 2012 là 1.771 cas, năm 2013 là 735 cas, giảm hơn 60% so với năm 2011 và không có trường hợp tử vong. Trong nhiều năm qua và đến năm 2022, tỉnh Hậu Giang cơ bản kiểm soát hiệu quả dịch bệnh SXH và TCM, so với các tỉnh, thành phía Nam, Hậu Giang là một trong các địa phương có số cas mắc và chết thấp nhất.
Năm 2020, đại dịch COVID-19 bùng phát và xâm nhập vào nước ta. Tỉnh Hậu Giang, đã thực hiện mọi biện pháp để giám sát, ngăn chặn dịch xâm nhập vào tỉnh. Đến ngày 08/7/2021, tỉnh Hậu Giang ghi nhận ca nhiễm COVID-19 đầu tiên (là tỉnh đứng thứ 62/63 tỉnh, thành và là tỉnh cuối cùng của khu vực ĐBSCL ghi nhận ca nhiễm COVID-19 xâm nhập vào tỉnh). Từ đó, toàn tỉnh đã chuyển trạng thái sẵn sàng ứng phó với dịch bệnh, chủ động triển khai các cơ sở cách ly, các chốt kiểm soát, giám sát dịch, các cơ sở thu dung, điều trị người nhiễm COVID-19, giảm thiểu số ca mắc, khống chế kịp thời các ổ dịch, thực hiện xét nghiệm cộng đồng để kiểm soát dịch hiệu quả. Đến đầu tháng 01/2022, khi tình hình dịch bệnh dần kiểm soát, tỉnh triển khai Kế hoạch điều trị F0 tại nhà, từ đó giảm tải cho cơ sở y tế các tuyến, giảm lây nhiễm chéo và giảm thiểu số ca mắc tử vong. Tính từ đầu đợt dịch đến thời điểm hiện tại là 53.055 ca được ghi nhận, tổng số ca được điều trị khỏi là 52.728 ca và tử vong là 311 ca. Toàn tỉnh đã tiêm vắc xin COVID-19 đạt 2.193.530 liều/2.157.594 liều được Bộ Y tế phân bổ, đạt tỷ lệ 101,7%. Từ tháng 4/2022 toàn tỉnh đã kiểm soát hiệu quả dịch COVID-19, số ca mắc giảm sâu, chủ yếu là bệnh nhẹ, được điều trị tại nhà, không ghi nhận thêm ca tử vong vì COVID-19.
Một trong những chương trình góp phần thành công rất lớn cho lĩnh vực y tế dự phòng là Chương trình tiêm chủng mở rộng. Tỷ lệ trẻ em dưới 1 tuổi được miễn dịch đầy đủ hàng năm đạt trên 95%. Tỷ lệ thai phụ được tiêm đủ 2 muỗi vắc xin ngừa uốn ván sơ sinh trên 93%. Các loại vắc xin không nằm trong chương trình như: quai bị, rubella, thủy đậu… cũng được đưa vào tiêm phòng dịch vụ. Năm 2012, tỉnh Hậu Giang được công nhận loại trừ bệnh phong theo 4 tiêu chuẩn của Việt Nam quy mô cấp tỉnh; năm 2015 tỉnh Hậu Giang được công nhận loại trừ bệnh sởi. Năm 2022, tỉnh Hậu Giang đã hoàn thành công nhận loại trừ bệnh phong tuyến huyện đạt 08/08 đơn vị huyện, thị xã, thành phố (năm 2019 được công nhận 04 đơn vị; năm 2022 được công nhận 04 đơn vị).
Công tác DS-KHHGĐ trong những năm qua đạt các chỉ tiêu cơ bản, phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao, đáp ứng yêu cầu công nghiệp hóa, hiện đại hóa, góp phần vào sự phát triển nhanh và bền vững của tỉnh; số người áp dụng các BPTT lâm sàng và phi lâm sàng đạt kế hoạch. Công tác chăm sóc sức khỏe bà mẹ cũng đạt được những thành tựu to lớn, biểu hiện: Số phụ nữ đẻ được khám thai, phụ nữ đẻ được tiêm VAT2 đạt kế hoạch đề ra; 100% sản phụ sanh tại cơ sở y tế; tỷ lệ trẻ sơ sinh sống được cân đạt 100%.
Bên cạnh đó, trong suốt 18 năm qua, ngành Y tế Hậu Giang luôn tăng cường đào tạo và phát triển nguồn nhân lực, nâng cao y đức và trách nhiệm của người làm công tác y tế. Hàng năm số lượng người làm công tác y tế được đào tạo ngày càng tăng. Trong đó, mở rộng các loại hình đào tạo, chú trọng đào tạo chuyên sâu, đào tạo để đáp ứng yêu cầu kỹ thuật cao, chuyển giao công nghệ, nâng cao trình độ chuyên môn và quản lý. Đến nay, toàn ngành đã có 02 PGS - Tiến sĩ, 45 Thạc sĩ, 52 Chuyên khoa cấp II, 282 chuyên khoa cấp I; Tổng số Bác sĩ toàn tỉnh hiện có 385 người; Tỷ lệ bác sĩ/10.000 dân hiện đạt 6,5; Số bác sĩ có trình độ sau đại học chuyên khoa sâu chiếm trên 80%; tỷ lệ trạm y tế xã có bác sĩ công tác thường xuyên hiện đạt 100%; Tổng biên chế, lao động của toàn Ngành hiện có 3.949 người. Trong 18 năm qua, toàn ngành có 57 cá nhân vinh dự được Nhà nước phong tặng danh hiệu TTND, TTƯT (trong đó có 02 TTND), nhiều tập thể, cá nhân được khen thưởng cấp Nhà nước, cấp Bộ và tỉnh.
3. Sở Y tế được thành lập theo Quyết định số 24/2008/QĐ-UBND ngày 18 tháng 4 năm 2008 của UBND tỉnh Hậu Giang.