I. Quá trình hình thành và phát triển
Sở Giao thông vận tải Hậu Giang được thành lập tại Quyết định số 05/2004/QĐ-UBND ngày 01/01/2004 của Ủy ban nhân dân lâm thời tỉnh Hậu Giang. Thực hiện Nghị định số 13/2008/NĐ-CP ngày 04 tháng 02 năm 2008 của Chính phủ; Thông tư liên tịch số 12/2008/TTLT-BGTVT-BNV ngày 05 tháng 12 năm 2008 của Bộ Giao thông vận tải và Bộ Nội vụ; Sở Giao thông vận tải được Ủy ban nhân dân tỉnh Hậu Giang tổ chức, sắp xếp theo Quyết định số 16/2008/QĐ-UBND ngày 18 tháng 4 năm 2008; kiện toàn chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức bộ máy tại Quyết định số 12/2009/QĐ-UBND ngày 25 tháng 03 năm 2009. Đến ngày 25/12/2015, Sở Giao thông vận tải tỉnh Hậu Giang tiếp tục được kiện toàn, sắp xếp lại theo Quyết định số 37/2015/QĐ-
UBND của Ủy ban nhân dân tỉnh Hậu Giang.
Thực hiện Đề án sắp xếp cơ cấu tổ chức bộ máy của Sở Giao thông vận tải theo tinh thần Nghị quyết số 18-NQ/TW và Nghị quyết số 19-NQ/TW ngày 25 tháng 10 năm 2017 của Hội nghị lần thứ sáu Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XII. Sở Giao thông vận tải được UBND tỉnh Hậu Giang phê duyệt Quyết định số 12/2020/QĐ-UBND ngày 27 tháng 5 năm 2020 của UBND tỉnh Hậu Giang sửa đổi, bổ sung một số điều của Quyết định số 37/2015/QĐ-UBND ngày ngày 25 tháng 12 năm 2015 của UBND tỉnh Hậu Giang quy định về chức năng, nhiệm vụ quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Sở Giao thông vận tải tỉnh Hậu Giang.
Sở đã tiến hành sắp xếp lại cơ cấu tổ chức bộ máy theo Đề án được phê duyệt với 05 đơn vị tham mưu tổng hợp chuyên môn, nghiệp vụ và 01 đơn vị sự nghiệp công lập trực thuộc. Số lượng biên chế công chức, biên chế viên chức được giao là 45 biên chế công chức, 22 biên chế sự nghiệp và 07 hợp đồng lao động theo Nghị định số 68/2000/NĐ-CP, cụ thể như sau:
+ Các đơn vị tham mưu tổng hợp chuyên môn, nghiệp vụ: Văn phòng Sở, Thanh tra Giao thông vận tải, Phòng Quản lý vận tải, phương tiện và người lái, Phòng Quản lý Hạ tầng giao thông và Phòng Kế hoạch Kỹ thuật.
+ Đơn vị sự nghiệp trực thuộc: Đoạn Quản lý giao thông thủy bộ.
+ Các tổ chức Đảng và Đoàn thể: Đảng bộ Sở Giao thông vận tải Hậu Giang có 04 chi bộ trực thuộc với 71 đảng viên; có 01 tổ chức Công đoàn cơ sở với 81 công đoàn viên.
II. Các thành tích về KTXH - QPAN từ năm 2004 đến nay
Sau khi chia tách tỉnh, Hậu Giang là vùng trũng về hạ tầng giao thông. Toàn tỉnh có 02 tuyến Quốc lộ đi qua (đó là Quốc lộ 1 và Quốc lộ 61), đặc biệt Quốc lộ 61 là tuyến đường độc đạo nối trung tâm tỉnh lỵ Hậu Giang với Quốc lộ 1 đi Cần Thơ và các tỉnh đồng bằng sông Cửu Long, với mặt đường hẹp, việc đi lại gặp rất nhiều khó khăn. Mạng lưới đường tỉnh gồm 9 tuyến dài 153,6 Km và trải đều khắp địa bàn tỉnh, khả năng đáp ứng nhu cầu rất hạn chế, chỉ đảm bảo lưu thông đi lại bằng xe 2 bánh và xe con, chưa tham gia vận chuyển được các loại hàng hóa có khối lượng lớn. Mạng lưới đường xã, đường giao thông nông thôn hầu như chưa hình thành mà chủ yếu là đường đất. Tại trung tâm các huyện, thị xã đều có bến xe nhưng chưa được quy hoạch, đầu tư và phân cấp quản lý rõ ràng. Các tuyến vận tải thủy do địa phương quản lý vẫn còn nhiều chướng ngại vật như: chà, nò, đăng, đáy..làm cản trở tàu thuyền qua lại. Chính điều này đã kiềm hãm khả năng phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh. Trước tình hình đó, Tỉnh ủy, UBND tỉnh đã chỉ đạo ngành giao thông vận tải nhanh chóng khắc phục những hạn chế, yếu kém để trở thành động lực phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh nhà với phương châm “Giao thông đi trước một bước, là mũi nhọn đột phát để phát triển”.
Thực hiện chỉ đạo của Tỉnh ủy, UBND tỉnh, ngành giao thông vận tải đã bắt tay ngay vào việc triển khai xây dựng đồ án Quy hoạch giao thông vận tải tỉnh Hậu Giang tầm nhìn đến năm 2030 với những định hướng mang tính đột phá như: Phá thế độc đạo bằng cách mở tuyến đường mới nối thành phố Vị Thanh với Quốc lộ 1 đi thành phố Hồ Chí Minh, quy hoạch thêm bốn tuyến Quốc lộ là: Quốc lộ 61B, Quốc lộ Nam Sông Hậu, Quốc lộ Quản Lộ - Phụng Hiệp và Tuyến nối Vị Thanh - Cần Thơ (nay là Quốc lộ 61C). Về giao thông đối nội, quy hoạch hệ thống đường tỉnh đạt cấp IV đồng bằng. Hệ thống đường huyện đáp ứng tiêu chí đường cấp V đồng bằng, chiều rộng mặt đường 5,5m trải đều trên khắp địa bàn, tạo thành mạng lưới giao thông đồng bộ. Theo đó, về quốc lộ trước quy hoạch có 2 tuyến với chiều dài là 79,4 km, sau quy hoạch có 6 tuyến với tổng chiểu dài 168,5 Km. Về đường tỉnh, trước quy hoạch có 11 tuyến với chiều dài 244 Km, sau quy hoạch có 16 tuyến với tổng chiều dài 352 Km. Hệ thống huyện có 46 tuyến với tổng chiều dài 534 Km được phân bố hợp lý, phù hợp với định hướng phát triển của từng địa phương.
Trong gần 20 năm qua, hệ thống giao thông đường bộ trên địa bàn tỉnh đã được cải tạo, nâng cấp xây dựng mới tổng cộng trên 800 km (kể cả đường Quốc lộ, đường tỉnh và đường huyện). Riêng khối lượng giải ngân các công trình trên 6.000 tỷ đồng. Đến nay, nhiều công trình đã xây dựng hoàn thành và đưa vào sử dụng như: QL61, tuyến giao thông Bốn Tổng - Một Ngàn, đường Trần Hưng Đạo nối dài, Võ Văn Kiệt, đại lộ Hậu Giang, đường 3/2, cầu 2/9, bến xe Vị Thanh,...Hệ thống đường tỉnh được quan tâm xây dựng ngày càng hoàn thiện theo quy hoạch và đã hoàn thành đưa vào khai thác các công trình: Đường tỉnh 925, 926, 927, 928, 928B (đoạn thị xã Ngã Bảy đến xã Tân Phước Hưng), 929, 931B và đường ô tô về trung tâm các xã: Tân Thuận, Tân Hòa, Vị Bình, Nhơn Nghĩa A, Trường Long Tây, Trường Long A, Phú An , Đông Phú, Phú Hữu, Phú Hữu A, Đông Phước, Phương Phú. Đồng thời, đã khởi công ĐT 927C đây là tuyến đường ngang quan trọng kết nối QL1 và QL Nam Sông Hậu, cặp theo sông Cái Côn có ý nghĩa chiến lược đối với phát triển kinh tế - xã hội tỉnh Hậu Giang và làm tiền đề để thị xã Ngã Bảy trở thành đô thị loại III; ĐT 930, tạo điều kiện thuận lợi cho việc kêu gọi đầu tư vào Khu Nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao; chuẩn bị khởi công ĐT 931 để kết nối trung tâm huyện Long Mỹ với TP.Vị Thanh, tạo thành hệ thống giao thông liên vùng rút ngắn khoảng cách giữa các vùng, tạo động lực liên kết phát triển kinh tế - xã hội của các vùng kinh tế. Đặc biệt hoàn thành các hạng mục còn lại giai đoạn 1 của đường nối Vị Thanh với Cần Thơ (QL61C), phá thế độc đạo cho TP.Vị Thanh. Bên cạnh đó QL1, QL 61B đoạn qua địa bàn tỉnh Hậu Giang cũng được Bộ GTVT đầu tư nâng cấp mở rộng.
Cùng với hệ thống giao thông đối ngoại, tỉnh hiện có hơn 328Km đường giao thông đô thị, từng bước được nâng cấp chỉnh trang ngày càng hoàn thiện như: Trục đường Cách mạng tháng tám và cầu Trà Ban khánh thành đưa vào sử dụng đã tạo điều kiện cho TX.Long Mỹ phấn đấu trở thành đô thị loại III; Đường 19 tháng 8, TP.Vị Thanh tạo điều kiện mở rộng thành phố về phía Tây Bắc; Cải tạo trục đường 37m, TT. Một Ngàn, nâng cấp ĐT 925 đoạn qua trung tâm thị trấn Ngã Sáu với quy mô theo quy hoạch, hoàn thành và đưa vào sử dụng trục đường trung tâm TT. Cây Dương đã khơi dậy tiềm năng thương mại của TT. Một Ngàn, TT. Ngã Sáu và TT. Cây Dương từ đó tạo điều kiện phát triển các khu dân cư thương mại - dịch vụ, các công trình công cộng phúc lợi xã hội phục vụ phát triển kinh tế - văn hoá – xã hội của địa phương.
Đối với công tác xây dựng giao thông nông thôn hiện nay, toàn tỉnh có hơn 2.700 km đường giao thông nông thôn, các tuyến đường nối ấp liền ấp, xã liền xã đã tạo điều kiện thuận lợi phát văn hóa, xã hội và thu hút các lĩnh vực đầu tư về khu vực nông thôn, tạo công ăn việc làm, xóa đói, giảm nghèo, đảm bảo an sinh xã hội, góp phần thực hiện chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng nông thôn mới.
Ghi nhận những đóng góp, ngành Giao thông vận tải Hậu Giang đã được Chủ tịch nước, Thủ tướng Chính phủ, Bộ GTVT, tặng thưởng nhiều danh hiệu cao quý, cụ thể:
+ Năm 2019 Quyết định số 2008/QĐ-TTg ngày 08/12/2020 của Thủ tướng Chính phủ về việc tặng cờ thi đua cho tập thể hoàn thành xuất sắc, toàn diện nhiệm vụ công tác, dẫn đầu phong trào thi đua yêu nước năm 2019 của tỉnh Hậu Giang.
+ Năm 2009 Quyết định số 1227-QĐ/CTN, ngày 24/8/2009 của Chủ tịch nước Cộng hòa xã hội chủ Nghĩa Việt Nam về việc tặng Huân Chương lao động Hạng Ba (Giai đoạn 2004 – 2008).
+ Năm 2012 Quyết định số 489-QĐ/CTN, ngày 20/4/2012 của Chủ tịch nước Cộng hòa xã hội chủ Nghĩa Việt Nam về việc tặng Huân Chương lao động Hạng Nhì cho Đảng bộ và Nhân dân tỉnh Hậu Giang trong phong trào thi đua phát triển giao thông nông thôn - miền núi từ năm 2001 – 2010.
+ Năm 2022 Quyết định số 210-QĐ/CTN, ngày 11/2/2022 của Chủ tịch nước Cộng hòa xã hội chủ Nghĩa Việt Nam về việc tặng Huân Chương lao động Hạng Nhì (Giai đoạn 2016 – 2020).
III. Các sự kiện nổi bật của đơn vị từ năm 2004 đến nay
- Khánh thành cầu Cái Tư nối liền Hậu Giang và Kiên Giang năm 2006.
- Khánh thành QL61 đoạn Cái Tắc - cầu Thủy Lợi năm 2006
- Khánh thành đường Vị Thanh - Cần Thơ (QL61C)
- Khánh thành cầu Trà Ban (QL61B) nối liền Hậu Giang và Sóc Trăng
- Khánh thành cầu Xà No năm 2011
- Công bố tên đường Đại lộ Võ Nguyên Giáp (ngày 01/01/2014)
- Tổ chức khởi công Dự án thành phần 3 thuộc Dự án đầu tư xây dựng đường bộ cao tốc Châu Đốc - Cần Thơ - Sóc Trăng giai đoạn 1 vào ngày 17/6/2023.
IV. Văn bản về việc thành lập đơn vị
Quyết định số 05/2004/QĐ-UBND ngày 01/01/2004 của Ủy ban nhân dân lâm thời tỉnh Hậu Giang về việc thành lập Sở Giao thông Vận tải thuộc Ủy ban nhân dân tỉnh Hậu Giang; Quyết định số 16/2008/QĐ-UBND ngày 18/4/2008 của UBND tỉnh Hậu Giang về việc về việc thành lập Sở Giao thông Vận tải tỉnh Hậu Giang.