Thực hiện Chương trình xây dựng Luật, Pháp lệnh năm 2021 của Quốc hội. Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Hậu Giang tổ chức lấy ý kiến đóng góp đối với dự thảo Luật Cảnh sát cơ động, có 07 lượt ý kiến đóng góp. Đa số ý kiến tán thành với nội dung quy định của dự thảo Luật; đánh giá cao tiếp thu chỉnh lý, giải trình của Ủy ban Thường vụ Quốc hội. Xin tổng hợp báo cáo một số nội dung chính như sau:
1. Vị trí, chức năng của Cảnh sát cơ động (Điều 3)
Quy định “Cảnh sát cơ động là lực lượng vũ trang nhân dân” đề nghị viết hoa từ “Nhân dân” cho phù hợp với quy định của Hiến pháp 2013.
2. Hợp tác quốc tế của Cảnh sát cơ động (Điều 7)
Đề nghị Luật cần có quy định việc thực hiện các thỏa thuận quốc tế của lực lượng Cảnh sát cơ động, nhằm bảo đảm thống nhất với Luật Thỏa thuận quốc tế năm 2020.
3. Nhiệm vụ của Cảnh sát cơ động (Điều 9); Quyền hạn của Cảnh sát cơ động (Điều 10)
Điểm d, khoản 2 Điều 9 và điểm b, khoản 2 Điều 10 quy định “Cảnh sát cơ động có nhiệm vụ và quyền hạn trong việc bảo vệ việc vận chuyển hàng đặc biệt” vận chuyển hàng đặc biệt là loại hàng hoá gì? đề nghị Luật cần quy định rõ. Hàng hoá đó có thuộc danh mục hàng hoá cấm lưu hành tại Việt Nam hay không, việc quy định cụ thể sẽ gặp thuận lợi khi triển khai thực hiện khi Luật có hiệu lực thi hành.
4. Quyền hạn của Cảnh sát cơ động (Điều 10)
Tại khoản 3, quy định quyền hạn của Cảnh sát cơ động “Ngăn chặn, vô hiệu hóa phương tiện bay không người lái và các phương tiện khác trực tiếp tấn công, xâm phạm hoặc đe dọa tấn công, xâm phạm mục tiêu bảo vệ của Cảnh sát cơ động”. Tuy nhiên, việc ngăn chặn, vô hiệu hóa đối với các phương tiện máy bay đòi hỏi công nghệ phải hết sức hiện đại, phức tạp và tốn kém. Bên cạnh đó, tại Nghị định số 36/2008/NĐ-CP ngày 28 tháng 3 năm 2008 của Chính phủ về quản lý tàu bay không người lái và các phương tiện siêu nhẹ, qua đó, việc quản lý điều hành và giám sát hoạt động bay thuộc Bộ Quốc phòng quản lý và Bộ Công an phối hợp trong một số trường hợp cần thiết. Vì vậy, khi sử dụng hình thức ngăn chặn, vô hiệu hóa đối với các phương tiện máy bay đa phần vũ khí sử dụng là quân đội phụ trách. Ngoài ra, tại khoản 1 Điều 16 Luật quy định “Khi thực hiện nhiệm vụ độc lập, cán bộ, chiến sĩ Cảnh sát cơ động được sử dụng vũ khí, vật liệu nổ, công cụ hỗ trợ và được nổ súng quân dụng theo quy định của Luật Quản lý, sử dụng vũ khí, vật liệu nổ và công cụ hỗ trợ” nhưng tại Điều 23 Luật Quản lý, sử dụng vũ khí, vật liệu nổ và công cụ hỗ trợ không quy định việc được nổ súng vào phương tiện máy bay không người lái mà chỉ quy định “Được nổ súng vào phương tiện giao thông cơ giới đường bộ, phương tiện giao thông đường thủy nội địa, trừ phương tiện giao thông của cơ quan đại diện ngoại giao, cơ quan lãnh sự nước ngoài, cơ quan đại diện tổ chức quốc tế để dừng phương tiện đó trong trường hợp đối tượng điều khiển phương tiện đó tấn công hoặc đe dọa trực tiếp đến tính mạng người thi hành công vụ hoặc người khác….” do vậy, cần xem xét có nên giao quyền trên cho lực lượng Cảnh sát cơ động như quy định của Luật không.
5. Hệ thống tổ chức của Cảnh sát cơ động (Điều 13)
Dự thảo Luật đưa ra 02 phương án, đề nghị chọn phương án 2. Vì thể hiện rõ hệ thống tổ chức và cơ cấu của lực lượng của Cảnh sát cơ động, làm cơ sở để xây dựng, phát triển lực lượng Cảnh sát cơ động cách mạng, chính quy, tinh nhuệ, hiện đại, thật sự là lực lượng nòng cốt thực hiện biện pháp vũ trang bảo vệ an ninh quốc gia, bảo đảm trật tự, an toàn xã hội.
6. Trách nhiệm của Tư lệnh Cảnh sát cơ động và Giám đốc Công an tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương (Điều 15)
Đề nghị cần làm rõ hơn về trách nhiệm của Tư lệnh Cảnh sát cơ động, Giám đốc Công an cấp tỉnh, cần quy định cụ thể hơn về thẩm quyền, trách nhiệm trong quản lý, chỉ huy, điều động, sử dụng Cảnh sát cơ động; cần phân định rõ tính chất sự việc cấp bách để trao quyền cho Tư lệnh Cảnh sát cơ động và Giám đốc Công an cấp tỉnh được quy định tại khoản 2 Điều 15.
7. Tuyển chọn công dân vào Cảnh sát cơ động (Điều 24)
Việc tuyển chọn công dân vào lực lượng Cảnh sát cơ động, đây là lực lượng thuộc Công an nhân dân. Do đó, việc tuyển chọn và những tiêu chuẩn để tuyển vào Cảnh sát cơ động phải đảm bảo và phù hợp với tiêu chuẩn chọn vào Công an nhân dân. Nếu xét đây là lực lượng đặc biệt, cần phải có những tiêu chuẩn cao hơn thì phải tuân thủ các tiêu chuẩn tuyển chọn theo Công an nhân dân được quy định tại Điều 7 Luật Công an nhân dân 2018 thì tuyển chọn Cảnh sát cơ động phải có những quy định riêng phù hợp với đặc thù của lực lượng này.
8. Trách nhiệm của Hội đồng nhân dân, Ủy ban nhân dân cấp tỉnh (Điều 28)
Quy định giao cho Hội đồng nhân dân và Ủy ban nhân dân các cấp bố trí quỹ đất xây dựng trụ sở đóng quân, thao trường huấn luyện, sân bay, kho tàng, bến bãi, nhất là xây dựng sân bay cần nghiên cứu kỹ về tính khả thi để bảo đảm phù hợp với thực tiễn; kết hợp khai thác, sử dụng cơ sở vật chất như: Sân bay, bến bãi hiện có của lực lượng Quân đội và Công an hoặc các lực lượng khác, tránh lãng phí nguồn lực; đồng thời, việc bố trí địa điểm, đầu tư xây dựng cần bảo đảm tính khả thi, vừa thực hiện nhiệm vụ quốc phòng - an ninh, vừa phục vụ phát triển kinh tế - xã hội.
Trách nhiệm của Hội đồng nhân dân và Ủy ban nhân dân các cấp, đề nghị không quy định chi tiết mà cần ghi chung là "trong phạm vi nhiệm vụ, quyền hạn của mình quan tâm, hỗ trợ lực lượng Cảnh sát cơ động về cơ sở vật chất, tinh thần, trang thiết bị phục vụ công tác nghiệp vụ…" và cần có quy định về giám sát của cơ quan dân cử là Hội đồng nhân dân đối với hoạt động của lực lượng Cảnh sát cơ động.
9. Trách nhiệm của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các tổ chức chính trị - xã hội (Điều 29 )
Đề nghị quy định về giám sát hoạt động của Cảnh sát cơ động được thực hiện như quy định tại Điều 10 Luật Công an nhân dân.
10. Một số nội dung khác
Luật cần quy định về các chính sách, phụ cấp, định mức dinh dưỡng cho cán bộ, chiến sĩ Cảnh sát cơ động; quy định cụ thể việc tuyển quân, đào tạo, bồi dưỡng nâng cao nghiệp vụ, kỹ, chiến thuật cho lực lượng Cảnh sát cơ động; đề nghị có văn bản hướng dẫn, quy định về việc phối hợp giữa lực lượng Cảnh sát cơ động với các đơn vị nghiệp vụ, công an các địa phương trong công tác bảo đảm an ninh trật tự, an toàn xã hội.
Trên đây là tổng hợp ý kiến đóng góp dự thảo Luật Cảnh sát cơ động của Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Hậu Giang./.