Thực hiện Kế hoạch số 01/KH-ĐĐBQH ngày 01/10/2021 của Đoàn đại biểu Quốc hội (ĐBQH) tỉnh Hậu Giang về giám sát “Việc thực hiện chính sách, pháp luật về chính sách hỗ trợ người lao động và người sử dụng lao động gặp khó khăn do đại dịch COVID-19 theo Nghị quyết số 68/NQ-CP ngày 01/7/2021 của Chính phủ” trên địa bàn tỉnh Hậu Giang.
Đoàn giám sát tiến hành giám sát thông qua báo cáo số 151/BC-UBND ngày 19/10/2021của Ủy ban nhân dân (UBND) tỉnh,kết quả như sau:
I. ĐẶC ĐIỂM TÌNH HÌNH
1. Khái quát về tình hình dịch bệnh COVID-19 trên địa bàn tỉnh
Đoàn giám sát nhận thấy UBND tỉnh Hậu Giang cùng các cấp, các ngành, địa phương và Nhân dân trong Tỉnh đã chung sức, đồng lòng, nỗ lực triển khai khẩn trương, kịp thời các biện pháp phòng, chống dịch COVID-19; quán triệt tinh thần “chống dịch như chống giặc”; thực hiện nghiêm giãn cách xã hội trên toàn tỉnh theo Chỉ thị 16/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ, kể từ ngày 19/7/2021 đến ngày 16/8/2021. Huy động lực lượng tại chỗ, chỉ huy tại chỗ để phòng, chống dịch, phát huy vai trò các Tổ COVID-19 cộng đồng, Tổ an toàn COVID-19 trong doanh nghiệp đúng thực chất. Nơi nào không đủ điều kiện thực hiện mô hình “03 tại chỗ” hoặc “01 cung đường, 02 điểm đến” được yêu cầu dừng hoạt động. Đoàn kiểm tra các cấp được thành lập nhằm tăng cường giám sát, kiểm tra nơi nào người đứng đầu không chấp hành, lơ là trong công tác phòng, chống dịch phải kịp thời xử lý. Ngoài quản lý các vùng giáp ranh, lực lượng chức năng tăng cường quản lý giữa nhà với nhà, khu phố với khu phố, ấp với ấp, vùng nguy cơ thấp và vùng nguy cơ cao.
Xét thấy tình hình dịch COVID-19 trên địa bàn Tỉnh cơ bản đã được kiểm soát. Chủ tịch UBND tỉnh quyết định áp dụng các biện pháp phòng, chống dịch COVID-19 theo Chỉ thị số 19/CT-TTg ngày 24/4/2020 của Thủ tướng Chính phủ, có điều chỉnh, bổ sung phù hợp với tình hình thực tế của Tỉnh.
Hiện có 73/75 xã, phường, thị trấn “Bình thường mới” được UBND huyện, thị xã, thành phố công nhận xã “vùng xanh”. Thực hiện theo Hướng dẫn số 02/HD-UBND ngày 06/9/2021 của UBND tỉnh, các địa phương đã ban hành, niêm yết Nội quy; huy động lực lượng tham gia bảo vệ, tuần tra kiểm soát, đảm bảo an ninh trật tự; thiết lập các điểm cung ứng lương thực, thực phẩm đến cho người dân.
Ngày 08 tháng 10 năm 2021, UBND tỉnh Hậu Giang đã ban hành Công văn số 1940/UBND-NCTH về việc áp dụng các biện pháp phòng, chống dịch trên địa bàn tỉnh Hậu Giang, nội dung công văn đã điều chỉnh, bổ sung một số biện pháp phòng, chống dịch trên địa bàn Tỉnh, trong đó đã điều chỉnh hướng dẫn việc cách ly, xét nghiệm đối với từng nhóm người về từ ngoài tỉnh và bổ sung hướng dẫn việc di chuyển ra ngoài tỉnh đối với người dân tỉnh Hậu Giang.
Hiện tại tình hình dịch bệnh COVID-19 trên địa bàn Tỉnh đã từng bước được kiểm soát và cơ bản được đẩy lùi; người lao động, doanh nghiệp đang bắt tay vào việc phục hồi sản xuất kinh doanh. Tỉnh hiện có 35.476 doanh nghiệp và hộ kinh doanh. Trong đó, có 375 nhà thầu, doanh nghiệp, hộ kinh doanh đã đăng ký và được phê duyệt phương án “1 cung đường, 2 điểm đến” và 3 tại chỗ, với 16.277 lao động.
Từ khi dịch bệnh COVID-19 bùng phát trên cả nước nói chung và tỉnh Hậu Giang nói riêng, tổng số ca mắc bệnh COVID-19 tại Tỉnh tính ngày 17/10/2021 là 982 ca (số ca được điều trị khỏi là 612 ca; tử vong là 02 ca; chuyển tuyến điều trị lũy kế 03 ca (01 ca đã tử vong; 02 ca đã điều trị khỏi, được xuất viện trở về địa phương, số ca đang được cách ly điều trị là 365 ca).
2. Một số tác động của dịch bệnh COVID-19 đối với doanh nghiệp, lao động, việc làm trên địa bàn và những nhân tố tác động đến việc hỗ trợ người lao động và người sử dụng lao động gặp khó khăn do đại dịch COVID-19 theo Nghị quyết số 68/NQ-CP ngày ngày 01 tháng 7 năm 2021 của Chính phủ (gọi tắt là Nghị quyết số 68/NQ-CP)
Qua giám sát xem xét, đánh giá báo cáo của UBND tỉnh thì tình hình dịch bệnh COVID-19 ảnh hưởng rất lớnđến doanh nghiệptrong hoạt động sản xuất, kinh doanh, nhiều doanh nghiệp phải giảm quy mô hoặc thu hẹp sản xuất, phải tạm thời đóng cửa, ngừng sản xuất, nguồn cung ứng nguyên liệu gặp rất nhiều khó khăn, chuỗi sản xuất cung ứng hàng hóa bị đứt gãy, các đơn hàng bị đình trệ hoặc bị hủy cả đầu vào và đầu ra; người lao động bị ảnh hưởng đến sinh kế do bị mất việc, ngừng việc, giảm thu nhập, mất thu nhập,…
3. Đánh giá chung về việc thực hiện chính sách, pháp luật trong công tác hỗ trợ người lao động và người sử dụng lao động gặp khó khăn do đại dịch COVID-19 theo Nghị quyết số 68/NQ-CP
Trước diễn biến phức tạp của đại dịch COVID-19 đã và đang tác động, ảnh hưởng lớn đến sản xuất, kinh doanh và đời sống Nhân dân, Chính phủ quyết nghị thực hiện 12 chính sách hỗ trợ người lao động và người sử dụng lao động gặp khó khăn do đại dịch COVID-19, với mục tiêu nhằm hỗ trợ cho người lao động và người sử dụng lao động gặp khó khăn do ảnh hưởng của đại dịch COVID-19, góp phần phục hồi sản xuất, kinh doanh, giảm thiểu những tác động tiêu cực của đại dịch, ổn định sản xuất, kinh doanh, đảm bảo đời sống và an toàn cho người lao động.
Qua giám sát nhận thấy, UBND tỉnh đã làm tốt và kịp thời chỉ đạo các ngành và các địa phương nhanh chóng phối hợp thực hiện chính sách hỗ trợ cho các đối tượng theo Nghị quyết số 68/NQ-CP, bảo đảm hỗ trợ kịp thời, đúng đối tượng, công khai, minh bạch, không để lợi dụng, trục lợi chính sách; bảo đảm tính khả thi, hiệu quả của các chính sách và nguồn lực để thực hiện. Phát huy tính chủ động của các cấp, các ngành, địa phương, căn cứ vào điều kiện cụ thể để linh hoạt triển khai, đảm bảo mục tiêu, nguyên tắc và hoàn thành kịp thời các mục tiêu của chính sách hỗ trợ.
II. CÔNG TÁC LÃNH ĐẠO, CHỈ ĐẠO TRIỂN KHAI THỰC HIỆN NGHỊ QUYẾT SỐ 68/NQ-CP VỀ CÁC BIỆN PHÁP HỖ TRỢ NGƯỜI LAO ĐỘNG VÀ NGƯỜI SỬ DỤNG LAO ĐỘNG GẶP KHÓ KHĂN DO ĐẠI DỊCH COVID-19 TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH
1. Công tác lãnh đạo, chỉ đạo, điều hành nhằm bảo đảm thực hiện nguồn lực trong việc thực hiện chính sách, pháp luật trong công tác hỗ trợ người lao động và người sử dụng lao động gặp khó khăn do đại dịch COVID-19 theo Nghị quyết số 68/NQ-CP
1.1.Công tác tuyên truyền, phổ biến chính sách, pháp luật về hỗ trợ người lao động và người sử dụng lao động gặp khó khăn do đại dịch COVID-19 theo Nghị quyết số 68/NQ-CP
Đoàn giám sát nhận thấy, UBND tỉnh đã làm tốt công tác tuyên truyền, phổ biến chính sách, pháp luật về hỗ trợ người lao động và người sử dụng lao động gặp khó khăn do đại dịch COVID-19 theo Nghị quyết số 68/NQ-CP, đã chỉ đạo các sở, ngành có liên quan và UBND cấp huyện thường xuyên tuyên truyền các chính sách với các hình thức đa dạng, phong phú (thông tin trên Báo, Đài, phát trên loa truyền thanh, Cổng điện tử của Tỉnh, Website của các sở, ban, ngành, các trang mạng xã hội của đơn vị như qua zalo, facebook, youtube,..). Đến nay, đã có khoảng 100 lượt tin, bài, phóng sự, tọa đàm được đăng tải và phát sóng; trên 8.000 cuộc điện thoại qua đường dây nóng, hướng dẫn, tiếp nhận những phản ánh, trả lời những vướng mắc của người lao động và người sử dụng lao động đã góp phần giúp cho các tổ chức, cá nhân và người dân nắm, hiểu rõ, thực hiện hồ sơ, thủ tục thụ hưởng các chính sách hỗ trợ theo đúng quy định.
Ngoài ra, Sở Lao động - Thương binh và Xã hội, Bảo hiểm xã hội tỉnh, Chi nhánh Ngân hàng Chính sách xã hội tỉnh đã có nhiều giải pháp liên hệ hướng dẫn doanh nghiệp thực hiện các chính sách hỗ trợ như thông qua phiếu thông tin, gọi điện thoại trực tiếp đến doanh nghiệp để thông báo chính sách hỗ trợ theo Nghị quyết số 68/NQ-CP để doanh nghiệp nắm, thực hiện.
1.2.Công tác lãnh đạo, chỉ đạo, triển khai, quán triệt việc tổ chức thực hiện chính sách, pháp luật và các văn bản của cơ quan cấp trên về hỗ trợngười lao động và người sử dụng lao động gặp khó khăn do đại dịch COVID-19 theo Nghị quyết số 68/NQ-CP
Nhìn chung, UBND tỉnh đã kịp thời ban hành nhiều văn bản chỉ đạo tương đối đồng bộ, tạo điều kiện thuận lợichỉ đạo triển khai, thực hiện Nghị quyết số 68/NQ-CP và Quyết định số 23/2021/QĐ-TTg:Giao cho Giám đốc Sở, Thủ trưởng các Sở, ban, ngành tỉnh theo chức năng, nhiệm vụ, chủ động phối hợp với UBND các huyện, thị xã, thành phố triển khai thực hiện hiệu quả các chính sách (tại các Công văn:Công văn số 939/UBND-NCTH ngày 08/7/2021, Công văn số 984/UBND-NCTH ngày 16/7/2021; Công văn số 1371/UBND-NCTH ngày 21/7/2021 và Công văn số 1689/UBND-NCTH ngày 13/9/2021); đồng thời, đã chỉ đạo các Sở, ban, ngành, đơn vị liên quan tổ chức thực hiện nghiêm các quy định, chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, Tỉnh ủy, UBND tỉnh trong công tác phòng, chống dịch, đảm bảo vừa chống dịch hiệu quả vừa hoàn thành các nhiệm vụ được giao, nhất là việc giải quyết kịp thời các chế độ, chính sách cho người dân, người lao động. Trên cơ sở các văn bản chỉ đạo của Trung ương, của Tỉnh, các sở, ban ngành, 8/8 huyện, thị xã, thành phố ban hành nhiều văn bản triển khai, hướng dẫn thực hiện[1].
1.3. Việc ban hành văn bản quy phạm pháp luật, văn bản hướng dẫn nhằm thể chế hóa các văn bản của cấp trên để triển khai thực hiện chính sách, pháp luật về hỗ trợ người lao động và người sử dụng lao động gặp khó khăn do đại dịch COVID-19 theo Nghị quyết số 68/NQ-CP
Theo quy định tại Nghị quyết số 68/NQ-CP, căn cứ điều kiện cụ thể và khả năng ngân sách, Tỉnh đã xây dựng tiêu chí, xác định đối tượng, mức hỗ trợ cho người lao động không có giao kết hợp đồng lao động và một số đối tượng đặc thù khác. Ngày 18 tháng 7 năm 2021, UBND tỉnh ban hành Quyết định số 16/2021/QĐ-UBND và Kế hoạch số 136/KH-UBND về triển khai thực hiện hỗ trợ người lao động không có giao kết hợp đồng lao động gặp khó khăn do đại dịch COVID-19trên địa bàn tỉnh. Theo đó, quyết định hỗ trợ đối với các nhóm người lao động không có giao kết hợp đồng lao động gặp khó khăn do đại dịch COVID-19 làm các công việc: Bán hàng rong, buôn bán nhỏ lẻ không có địa điểm cố định; mua bán phế liệu lưu động; bốc vác; vận chuyển hàng hóa bằng xe thô sơ; lái xe honda ôm; bán lẻ vé số lưu động; tự làm hoặc làm việc tại các cơ sở kinh doanh trong lĩnh vực ăn uống; cắt tóc, uốn tóc; với mức hỗ trợ: 1.500.000 đồng/người (hỗ trợ một lần).
Các Sở, ban, ngành, đoàn thể, UBND huyện, thị xã, thành phố theo chức năng, nhiệm vụ được giao đã có nhiều văn bản hướng dẫn triển khai thực hiện hỗ trợ đúng theo quy định.
(Đính kèmPhụ lục 1).
2. Kết quả thực hiện chính sách, pháp luật về hỗ trợ người lao động và người sử dụng lao động gặp khó khăn do đại dịch COVID-19theo Nghị quyết số 68/NQ-CP
2.1. Kết quả đạt được trong việc thực hiện chính sách, pháp luật về hỗ trợ người lao động và người sử dụng lao động gặp khó khăn do đại dịch COVID-19 theo Nghị quyết số 68/NQ-CP
Qua giám sát, tính đến ngày 14/10/2021, tỉnh Hậu Giang đã giải quyết hồ sơ hỗ trợ cho 10/12 nhóm chính sách theo Nghị quyết số 68/NQ-CP, gồm: Chính sách (1) Chính sách giảm mức đóng bảo hiểm tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp; chính sách (2) Chính sách tạm dừng đóng vào quỹ hưu trí và tử tuất; chính sách (4) Chính sách hỗ trợ người lao động tạm hoãn hợp đồng lao động, nghỉ việc không hưởng lương; chính sách (5) Chính sách hỗ trợ người lao động ngừng việc; chính sách (7) Chính sách hỗ trợ đối với người đang điều trị Covid-19, cách ly y tế;chính sách (8) Chính sách hỗ trợ bổ sung cho Trẻ em (người đang điều trị COVID-19, cách ly y tế);chính sách(9) Chính sách hỗ trợ viên chức hoạt động nghệ thuật và người lao động là hướng dẫn viên du lịch;chính sách(10) Chính sách hỗ trợ hộ kinh doanh; chính sách (11) Chính sách cho vay trả lương ngừng việc, trả lương phục hồi sản xuất; chính sách (12) Chính sách hỗ trợ người lao động không có giao kết hợp đồng lao động và một số đối tượng đặc thù khác,đã thực hiện hỗ trợ với 2.474 doanh nghiệp/hộ kinh doanh và 87.953 người, số tiền 92.761.076.914 đồng.
Còn lại 02 chính sách chưa thực hiện được là: Chính sách (3) Chính sách hỗ trợ đào tạo duy trì việc làm cho người lao động: Sở Lao động - Thương binh và Xã hội phối hợp với Liên đoàn Lao động tỉnh, Hiệp hội Các doanh nghiệp tỉnh, Ban Quản lý các khu công nghiệp tỉnh, doanh nghiệp, cơ sở Giáo dục nghề nghiệp, UBND huyện, thị xã, thành phố triển khai, tuyên truyền, nắm nhu cầu, hướng dẫn các đơn vị thực hiện; tuy nhiên, hiện nay các doanh nghiệp đang lập các phương án làm việc trở lại nên đang triển khai rà soát, chưacó đề nghị hỗ trợ; chính sách (6) Chính sách hỗ trợ người lao động chấm dứt hợp đồng lao động nhưng không đủ điều kiện hưởng trợ cấp thất nghiệp: Tỉnh đã thực hiện các hình thức tuyên truyền sâu, rộng nhằm thông tin kịp thời đến người lao động nắm và thực hiện chính sách hỗ trợ người lao động chấm dứt hợp đồng lao động nhưng không đủ điều kiện hưởng trợ cấp thất nghiệp. Đồng thời, UBND tỉnh đã chỉ đạo Sở Lao động - Thương binh và Xã hội, phối hợp với Liên đoàn lao động tỉnh triển khai trong hệ thống công đoàn để thông tin đến người lao động; đã có phát sinh hồ sơ đề nghị hỗ trợ của người lao động; tuy nhiên, qua thẩm định hồ sơ và đối chiếu với các điều kiện theo quy định thì người lao động chưa đủ điều kiện để được hỗ trợ.
Nhận thấy, Tỉnh đã chi và phê duyệt hỗ trợ đối tượng đặc thù của tỉnh (ngoài lao động tự do theo Quyết định số 16/2021/QĐ-UBND): Hỗ trợ tiền ăn cho hộ nghèo, cận nghèo, bảo trợ xã hội và người có công và thân nhân người có công với cách mạng theo Pháp lệnh ưu đãi người có công với cách mạng trongvùng cách ly y tế để phòng, chống dịch COVID-19 (Khu phong tỏa)theo Nghị quyếtsố 13/2021/NQ-HĐND ngày 14 tháng 7 năm 2021 của HĐND tỉnh Hậu Giang quy định một số nội dung, mức chi hỗ trợ trong công tác phòng, chống dịch COVID-19 trên địa bàn tỉnh Hậu Giang là 2.248 người, với số tiền là 1.851.150.000đồng.
Ngoài ra, Tỉnh đã hỗ trợ hộ nghèo gặp khó khăn do ảnh hưởng dịch COVID-19: 6.330 hộ, với số tiền là 6.330.000.000 đồng từ nguồn quỹ phòng, chống dịch bệnh COVID-19 của Trung ương và Tỉnh hỗ trợ.
(Đính kèm Phụ lục 2)
2.2.Thống kê số lượng những đối tượng lao động tự do bị mất việc do ảnh hưởng của đại dịch COVID-19 mà không thuộc đối tượng được hỗ trợ theo quy định tại Nghị quyết số 68/NQ-CP cần đề xuất xem xét bổ sung để hỗ trợ cho phù hợp
Tỉnh đã thực hiện tốt công tác an sinh xã hội, đối với người lao động không có giao kết hợp đồng lao động được hỗ trợ theo Quyết định số 16/2021/QĐ-UBND ngày 18/7/2021 của UBND tỉnh đã được thực hiện xong. Các đối tượng còn lại qua rà soát, nắm thông tin từ các địa phương, một số nhóm công việc người lao động không có giao kết hợp đồng lao động mong muốn đề nghị được hỗ trợ khá lớn; riêng một số ngành nghề như: Làm thuê, may gia công, sửa xe, tài xế, thợ hồ, phụ hồ,... khoảng 35.000 người (số liệu này được thu thập trên cơ sở thống kê từ các địa phương, qua đường dây nóng,...) (đến thời điểm hiện tại ngày 29/10/2021 là hơn 40.000 người).
3. Công tác kiểm tra, giám sát trong việc thực hiện chính sách, pháp luật về hỗ trợ người lao động và người sử dụng lao động gặp khó khăn do đại dịch COVID-19theo Nghị quyết số 68/NQ-CP
3.1.Công tác thanh tra, kiểm tra, giám sát, xử lý vi phạm và giải quyết khiếu nại, tố cáo về công tác thực hiện chính sách, pháp luật về hỗ trợ người lao động và người sử dụng lao động gặp khó khăn do đại dịch COVID-19 theo Nghị quyết số 68/NQ-CP
Qua xem xét báo cáo của UBND tỉnh cho thấy UBND tỉnh thường xuyên kiểm tra việc triển khai thực hiện Nghị quyết số 68/NQ-CP, quan tâm chỉ đạo các cơ quan, đơn vị liên quan thực hiện tốt; thường xuyên tổ chức cuộc họp với các sở, ban, ngành, đơn vị liên quan đôn đốc thực hiện Nghị quyết số 68/NQ-CP;chỉ đạo các cơ quan chuyên môn phối hợp với địa phương thực hiện công tác kiểm tra đối với việc thực hiện các chính sách theo Nghị quyết số 68/NQ-CP, nhất là chính sách hỗ trợ người lao động không có giao kết hợp đồng lao động. Nhìn chung, đã kịp thời phát hiện, chấn chỉnh những trường hợp đề nghị hỗ trợ chưa đúng quy định.
Các địa phương đã phân công trách nhiệm đến từng cơ quan chuyên môn cấp huyện thực hiện cácchính sách theo thẩm quyền; Ủy ban Mặt trận Tổ quốc các cấp tăng cường giám sát việc triển khai thực hiện Nghị quyết số 68/NQ-CP và Quyết định số 23/2021/QĐ-TTg đảm bảo chặt chẽ, công khai, dân chủ ngay từ khi rà soát, thẩm định lập danh sách đề nghị hỗ trợ cho đến khi cấp phát, hỗ trợđúng đối tượng, đầy đủ, kịp thời, công khai, tránh trùng lấp, bỏ sót đối tượng hỗ trợ.
3.2. Kết quả giải quyết khiếu nại, tố cáo liên quan đến công tác hỗ trợ
Theo báo cáo, công tác giải quyết khiếu nại, tố cáo liên quan đến công tác hỗ trợ được quan tâm chỉ đạo thường xuyên, các ngành chuyên môn chủ động phối hợp trong việc kiểm tra việc thực hiện các chính sách hỗ trợ đối với người lao động. Từ khi thực hiện chính sách đến nay, các cấp, các ngành đã tiếp nhận 07 đơn phản ánh, kiến nghị,43 phản ánh trên Cổng thông tin điện tử Chính phủ nội dung liên quan đến chính sách hỗ trợ theo Nghị quyết số 68/NQ-CP của Chính phủ và Quyết định số 23/2021/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ.Kết quả: UBND tỉnh đã chỉ đạo cơ quan chuyên môn phối hợp với các địa phương kiểm tra, rà soát, giải quyết và trả lời cho công dân một cách cụ thể, rõ ràng theo đúng quy định đối với từng trường hợp, đến nay đã giải quyết hoàn thành 100% các đơn thư, phản ánh và kiến nghị của công dân. Đến nay, chưa phát hiện sai phạm liên quan đến chính sách hỗ trợ.
III. ĐÁNH GIÁ
- Những kết quả đạt được
Qua giám sát cho thấy, UBND tỉnh đã chỉ đạo quyết liệt triển khai Nghị quyết số 68/NQ-CP và Quyết định số 23/2021/QĐ-TTg trên địa bàn tỉnh một cách nhanh chóng, kịp thời, hiệu quả theo đúng quy định; ban hành các văn bản hướng dẫn triển khai thực hiện, có phân công cụ thể trách nhiệm của các Sở, ban, ngành và đơn vị liên quan trong việc thực hiện; các sở, ban, ngành cấp tỉnh, cấp ủy, chính quyền các địa phương đã có nhiều văn bản hướng dẫn, trong đótập trung lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện chính sách hỗ trợ tích cực, linh hoạt, khẩn trương, trách nhiệm, công khai, minh bạch, dân chủ, theo quy định; chi hỗ trợ kịp thời, đúng đối tượng, không bỏ sót, đến người lao động, không để xảy ra tiêu cực. Mặt khác, Tỉnh đã vận động xã hội hóa hỗ trợ mở rộng một số đối tượng, giúp người dân giảm bớt phần nào khó khăn trong bối cảnh dịch bệnh COVID-19 vẫn còn đang diễn ra.
Công tác tuyên truyền được chú trọng, với nhiều hình thức tuyên truyền đa dạng, phong phú, đã truyền tải được đầy đủ thông tin đến tổ chức, cá nhân trên địa bàn tỉnh biết, nắm vững và thực hiện.
Việc cải cách hành chính và ứng dụng công nghệ thông tin được
quan tâm chỉ đạo thực hiện, giúp rút ngắn thời gian giải quyết các thủ tục theo
Nghị quyết số 68/NQ-CP, tạo điều kiện thuận lợi cho người lao động và người sử dụng lao động sớm tiếp cận và được thụ hưởng chính sách.
Đặc biệt, các thủ tục để triển khai Nghị quyết số 68/NQ-CP và Quyết định số 23/2021/QĐ-TTg đã được đơn giản hóa rất nhiều, thông thoáng hết mức có thể: giảm tối đa yêu cầu về thủ tục, hồ sơ, rút ngắn thời gian phê duyệt (giảm 2/3 thủ tục và rút ngắn 2/3 thời gian so với Nghị quyết 42/NQ-CP ngày 09 tháng 4 năm 2020 về các biện pháp hỗ trợ người dân do đại dịch COVID-19). Có những chính sách không cần yêu cầu người lao động, người sử dụng lao động cung cấp hồ sơ bởi trên cơ sở dữ liệu sẵn có[2].Ngành Bảo hiểm xã hội đã chủ động, nỗ lực vào cuộc triển khai thực hiện, với phương châm “đưa các chính sách hỗ trợ về bảo hiểm xã hội, bảo hiểm thất nghiệp đến doanh nghiệp và người lao động nhanh nhất, thuận tiện nhất”, như: Thực hiện rút ngắn thời gian giải quyết các thủ tục theo Quyết định số 23/2021/QĐ-TTg từ 02 - 05 ngày xuống còn không quá 01 ngày làm việc; thực hiện ngay việc cung cấp các dịch vụ công giải quyết chính sách hỗ trợ. Điển hình như tiến độ thực hiện chính sách giảm mức đóng bảo hiểm tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp, chính sách tạm dừng đóng vào quỹ hưu trí và tử tuất và chính sách cho người lao động không có giao kết hợp đồng lao động đã được thực hiện nhanh chóng, kịp thời, hoàn thành kế hoạch trong tháng 9/2021 đúng lộ trình đã đề ra.
Đến thời điểm hiện tại chưa phát hiện các trường hợp trục lợi, tiêu cực trong thực hiện chính sách cho người lao động và doanh nghiệp.
2. Những tồn tại, hạn chế, khó khăn
Trên địa bàn Tỉnhcòn 01 chính sách chưa có hồ sơđề nghị, chính sáchhỗ trợ người sử dụng lao động đào tạo, bồi dưỡng, nâng cao trình độ kỹ năng nghề để duy trì việc làm cho người lao động.
Một số chính sách liên quan đến người sử dụng lao động, người lao động, số lượng đề nghị hỗ trợ còn chưa nhiều (Chính sách hỗ trợ người lao động tạm hoãn hợp đồng lao động, nghỉ việc không hưởng lương; chính sách hỗ trợ người lao động ngừng việc).
Số lượng được hỗ trợ cho người lao động, người sử dụng lao động khá lớn, công tác kiểm tra, giám sát các đơn vị đã thực hiện nhưng chưa nhiều, cần đòi hỏi có thời gian.
Việc hỗ trợ cho người lao động không có giao kết hợp đồng lao động đã được thực hiện cơ bản hoàn thành trong tháng 9/2021; tuy nhiên, vẫn còn nhiều người lao động làm những công việc không có trong danh mục hỗ trợ mong muốn được xem xét, hỗ trợ nhưng do ngân sách của Tỉnh có hạn nên không thể xem xét, thực hiện được.
3. Nguyên nhân của những tồn tại, hạn chế, khó khăn
Một số chính sách hỗ trợ theo Nghị quyết số 68/NQ-CP và Quyết định số 23/2021/QĐ-TTg có thời gian thực hiện kéo dài đến cuối năm và sang năm 2022, doanh nghiệp chưa chủ động thực hiện chính sách hỗ trợ người sử dụng lao động đào tạo, bồi dưỡng, nâng cao trình độ kỹ năng nghề để duy trì việc làm cho người lao động.Do thời gian thực hiện chính sách còn dài, một số chính sách vẫn đang tiếp tục thực hiện nên số lượng hỗ trợ còn ít.
Trong bối cảnh dịch bệnh COVID-19 đã diễn ra kéo dài ảnh hưởng đến việc đi lại của người dân, công tác tuyên truyền cũng phần nào ảnh hưởng.
Do dịch bệnh COVID-19 diễn biến phức tạp phần nào đã ảnh hưởng đến công tác tuyên truyền còn gặp nhiều khó khăn, chưa lan tỏa đến được hết người dân. Người lao động trong thời gian thực hiện giãn cách xã hội, việc đi lại phải thực hiện theo quy định nên không thuận lợi trong việc nộp hồ sơ đề nghị hỗ trợ.
Bên cạnh đó, còn rất nhiều người lao động không có giao kết hợp đồng lao động trên địa bàn Tỉnh, làm ở nhiều ngành, nghề, lĩnh vực gặp nhiều khó khăn do ảnh hưởng của dịch bệnh cần được hỗ trợ, nhưng ngân sách của Tỉnh hạn hẹp (phải tập trung bố trí kinh phí cho công tác phòng, chống dịch bệnh), nên chưa được hỗ trợ. Đối tượng đã được hỗ trợ có giới hạn, chỉ ưu tiên nhóm ngành nghề bị ảnh hưởng sâu, rộng.
IV. ĐỀ XUẤT, KIẾN NGHỊ
Qua giám sát Đoàn ĐBQH tỉnh Hậu Giang có một số kiến nghị đối với Trung ương và địa phương cụ thể như sau:
1. Đối với Chính phủ
Kiến nghị Chính phủ nghiên cứu hỗ trợ kinh phí Trung ương cho các nhóm người lao động không có giao kết hợp đồng lao động(lao động tự do) gặp khó khăn chưa được hỗ trợ, vì ngân sách tỉnh dành nhiều cho công tác phòng, chống dịch Covid-19.
2. Đối với Ủy ban nhân dân tỉnh
Đề nghị UBND tỉnh chỉ đạo Sở Lao động - Thương binh và Xã hội phối hợp với Liên đoàn Lao động tỉnh, Hiệp hội Các doanh nghiệp tỉnh, Ban Quản lý các khu công nghiệp tỉnh, doanh nghiệp, các cơ sở Giáo dục nghề nghiệp, UBND huyện, thị xã, thành phố triển khai thực hiện hướng dẫn các doanh nghiệp, rà soát, thẩm định, đôn đốc thực hiện chính sách hỗ trợ người sử dụng lao động đào tạo, bồi dưỡng, nâng cao trình độ kỹ năng nghề để duy trì việc làm cho người lao động và Chính sách hỗ trợ người lao động chấm dứt hợp đồng lao động nhưng không đủ điều kiện hưởng trợ cấp thất nghiệp đến nay chưa thực hiện (vì thời gian qua người lao động không nắm được thông tin kịp thời).
Rà soát, xem xét bổ sung vào danh mục hỗ trợ các đối tượng là lao động tự do, đặc biệt là những đối tượng làm những ngành nghề có thu nhập thấp, khó khăn như: Giúp việc nhà, phụ hồ,… bị ảnh hưởng do đại dịch Covid-19 để kịp thời hỗ trợ thông qua nguồn kinh phí phòng, chống dịch của Tỉnh và các nguồn vận động hợp pháp khác.
Chỉ đạo rà soát số lượng trẻ em mồ côi cha lẫn mẹ, các đối tượng yếu thế do ảnh hưởng của đại dịch Covid-19 để trình Hội đồng nhân dân tỉnhxem xét ban hành các chính sách đặc thù hỗ trợ cho các đối tượng.
Đánh giá cụ thể về kinh phí đã thực hiện hỗ trợ cho các đối tượng đến thời điểm báo cáo. Trong đó, Ngân sách tỉnh, ngân sách Trung ương đã thực hiện; rà soát, tổng hợp số kinh phí cần kiến nghị Trung ương hỗ trợ để đảm bảo hỗ trợ kịp thời cho người lao động và người sử dụng lao động.
Đánh giá mức độ hiệu quả của chính sách hỗ trợ theo Nghị quyết số 68/NQ-CP và Quyết định số 16/2021/QĐ-UBND.
Chỉ đạo các ngành liên quan, UBND các huyện, thị xã, thành phố tăng cường công tác kiểm tra, giám sát trong việc lập, rà soát các đối tượng lao động được hỗ trợ theo Nghị quyết số 68/NQ-CP đặc biệt là đối tượng lao động tự do theo Quyết định số 16/2021/QĐ-UBND cũng như trong việc cấp hỗ trợ cho người lao động tránh bỏ sót đối tượng, không đúng đối tượng và cấp phát không đến tay người được hỗ trợ.
Trên đây là Báo cáo kết quả giám sát chuyên đề “Việc thực hiện chính sách, pháp luật về chính sách hỗ trợ người lao động và người sử dụng lao động gặp khó khăn do đại dịch COVID-19 theo Nghị quyết số 68/NQ-CP ngày 01/7/2021 của Chính phủ”trên địa bàn tỉnh Hậu Giang./.
[1] Công văn số 832/BHXH-QLT ngày 16/7/2021 của Bảo hiểm xã hội tỉnh về việc hỗ trợ cho người sử dụng lao động và người sử dụng lao động gặp khó khăn do đại dịch Covid-19, gửi đến các đơn vị sử dụng lao động trên địa bàn tỉnh Hậu Giang; Công văn số 1037/SLĐTBXH-LĐVLGDNN ngày 21/7/2021của Sở Lao động - Thương binh và Xã hội về việc triển khai Quyết định số 16/2021/QĐ-UBND ngày 18/7/2021 của UBND tỉnh Hậu Giang triển khai đến UBND huyện, thị xã, thành phố thực hiện và Công văn số 225/NHCS-KHTD ngày 15/7/2021 của Ngân hàng Chính sách xã hội chi nhánh tỉnh Hậu Giang về việc tuyên truyền, phổ biến chính sách hỗ trợ người sử dụng lao động vay vốn để trả lương ngừng việc, trả lương phục hồi sản xuất đến các doanh nghiệp.
[2]Chính sách giảm mức đóng bảo hiểm tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp được cơ quan bảo hiểm xã hội tự triển khai trong toàn hệ thống. Trên cơ sở đăng ký đóng bảo hiểm tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp hàng tháng theo quy định của pháp luật về bảo hiểm của người sử dụng lao động, cơ quan bảo hiểm xã hội sẽ tự động giảm mức đóng bằng 0% cho người sử dụng lao động. Do đó, về cơ bản đã hoàn thành chính sách này.