xem chi tiết - UBND huyện Phụng Hiệp

 

Để lao động đi làm ăn xa trở về địa phương.

Ngày 29-12-2023

Phụng Hiệp là một huyện thuần nông, 80% người dân sống bằng nghề nông. Những năm qua, sản xuất nông nghiệp liên tục gặp cảnh trúng mùa rớt giá từ đó người dân nông thôn bỏ quê đi làm ăn xa ngày một gia tăng. Tuy nhiên thời gian gần đây Hậu Giang đẩy mạnh việc kêu gọi các doanh nghiệp xây dựng các cơ sở, nhà máy trên địa bàn, qua đó đã góp phần giải quyết phần nào tình trạng lao động đi làm ăn xa.

Ảnh Lao động có việc làm tại nhà, góp phần cải thiện kinh tế gia đình

Theo thống kê hàng năm huyện Phụng Hiệp có hàng ngàn trường hợp bỏ quê đi làm ăn xa và đa phân trong số này đều xuất phát tự việc canh tác các loại nông sản không hiệu quả dẫn đến thua lỗ. Điễn hình như cây mía, vài năm trở lại đây liên tục rớt giá khiến người trồng mía thua lỗ, có người bỏ mía chuyển sang cây trồng khác, có người nợ nần phải bỏ quê đi làm ăn xa. Theo ông Nguyễn Văn Út, một nông hộ trồng mía ở huyện Phụng Hiệp chia sẽ “Trung bình để canh tác 5 công mía, cần 2 nhân công lao động. Một mùa mía kéo dài gần cả năm, mía trúng, giá cao thì mỗi công cho thu nhập từ 2-3 triệu, còn những năm mía rẻ thì coi như làm không công một năm. Chính vì nguyên nhân này mà bà con không thể bám đất bám vườn mà phải tha phương cầu thực.”

Trường hợp của bà Nguyễn Thị Đấu, xã Phụng Hiệp huyện Phụng Hiệp là một trong những trường hợp điển hình làm nông thua lỗ dẫn đến việc phải bỏ xứ đi làm ăn xa. Theo bà Đầu cách đây gần 20 năm, gia đình làm 4 công mía không hiệu quả, rồi chuyển sang làm dịch vụ suốt lúa thuê cũng không có ăn. Hai vợ chồng đành bồng chống 6 đưa con nhỏ đang tuổi ăn tuổi lớn lên thành phố Hồ Chí Minh kiếm sống. Sau gần 20 năm làm đủ ngành nghề, cách đây hai năm khi thấy các con đã lớn có công ăn việc làm ổn định bà Đấu quyết định trở về địa phương. Bởi theo bà, cánh chim bay hoài cũng mõi, đi đâu rồi cũng phải về quê hương.“Lúc trước trên thành phố, chú thì làm hồ, cô thì bán vé số, mấy đứa con lớn lên cũng làm hồ, làm công ty xí nghiệp. Giờ thì cũng lớn tuổi rồi phải về quê hương, chứ đi hoài cũng đâu có được. Về đây mình sửa sang lại nhà cửa, bờ liếp trồng cây ăn trái, trồng hoa màu có đồng vô đồng ra mỗi ngày, chứ đi hoài cũng có được gì đâu.” Bà Đấu chia sẽ.

Lạm phát ngày một gia tăng, giá cả hàng hoá tăng mạnh, khiến cho đời sống của người lao động ở các tỉnh thành lớn ngày một khó khăn đó cũng là một trong những lý do làm người lao động muốn quay trở về địa phương.

Như trường hợp của anh Nguyễn Văn Cưng ở thị trần Búng Tàu, hơn 10 năm bôn ba đi làm hết ở TP.HCM rồi Bình Dương. Làm mãi cũng không có dư, nên sau đợt dịch Covid-19 vừa rồi, anh Cưng quyết định về quê hương lập nghiệp. Sẳn có kinh nghiệm trong nghề đang dây nhựa, anh về mở cơ sở tại địa phương. Ngoài việc tạo công ăn việc làm cho gia đình, anh còn giải quyết việc làm tại chổ cho hơn chục lao động ở địa phương.

Để hạn chế và giải quyết tình trạng lao động nông thôn bỏ quê đi làm ăn xa, thời gian qua tỉnh Hậu Giang đã đẩy mạnh việc kêu gọi và tạo điều kiện cho doanh nghiệp mở rộng sản xuất, từ đó giải quyết việc làm cho lao động nông thôn. Như xã Phụng Hiệp, tận dụng lợi thế giáp ranh với TP. Ngã Bảy, nơi có nhiều công ty, doanh nghiệp đang phát triển. Xã đã chủ động liên kết với các doanh nghiệp này để giải quyết việc làm tại chổ cho người dân. Hạn chế tình trạng người dân nông thôn bỏ địa phương đi làm ăn xa. Ông Nguyễn Văn Thừa, phó chủ tịch UBND xã Phụng Hiệp cho biết thêm: “Chúng tôi cũng đã liên hệ với các công ty, xí nghiệp ở địa bàn giáp ranh như: Biển đông, Giáp Quán Thân để giới thiệu cho bà con trở về địa phương có công ăn việc làm để ổn đình cuộc sống.”

 Theo phòng LĐTB&XH huyện Phụng Hiệp năm qua toàn huyện tổ chức mở được 22 lớp dạy nghề phi nông nghiệp có 950 học viên tham gia. Song song đó huyện đã giải quyết việc làm thường xuyên cho 2.710 lao động, đạt 110,61% chỉ tiêu. Trong đó, huyện đã giải quyết việc làm trong tỉnh 1.804 lao động, cung ứng lao động ngoài tỉnh 684 lao động, xuất khẩu 117 lao động. Bà Đỗ Thị Ngọc Trúc, trưởng phòng LĐTB&XH huyện Phụng Hiệp nói: “Thời gian qua huyện phối hợp với UBND các xã thị trấn, rà soát nắm lại người lao động trong độ tuổi lao động. Rà soát xong thì huyện sẽ phối hợp với các ngành liên quan cũng như là trung tâm giới thiệu việc làm của tỉnh sẽ tư vấn, giới thiệu việc làm cho người lao động để làm sao cho họ tìm được việc làm để ổn định cuộc sống.

Hậu Giang và các tỉnh đồng bằng Sông cửu long đang đối mặt với tình cảnh di cư lao động từ nông thôn lên thành thị. Việc đang đẩy mạnh việc kêu gọi doanh nghiệp mở rộng sản xuất để giải quyết việc làm tại chổ cho lao động nông thôn vừa hạn chế tình trạng di cư lao động, vừa giúp người dân bám đất bám vườn, bởi suy cho cùng có lẽ cũng chỉ vì hoàn cảnh chứ cũng chẳng ai muốn phải bỏ nhà, bỏ cửa, bỏ làng xóm xa quê hương.

Bài, ảnh: Duy Khánh


Tin cùng chuyên mục



Đang online: 3
Hôm nay: 2725
Đã truy cập: 693789
You do not have the roles required to access this portlet.