Gắn với công tác giảm nghèo bền vững, xã Hòa Mỹ, huyện Phụng Hiệp đã hỗ trợ người dân thực hiện mô hình sinh kế giảm nghèo bền vững của huyện. Qua đó, giúp hộ nghèo và cận nghèo có điều kiện phát triển kinh tế, từng bước ổn định cuộc sống gia đình.
Ảnh: Mô hình nuôi dê thịt và dê sinh sản của anh Nguyễn Văn Thảo
Những năm qua, xã Hòa Mỹ đẩy mạnh công tác hỗ trợ, khuyến khích người dân chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi phù hợp với vùng đất nhằm mang lại hiệu quả kinh tế. Việc triển khai mô hình hỗ trợ sinh kế từ chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững giúp người dân chủ động trong chăn nuôi, tạo việc làm, tăng thu nhập, từng bước phát triển kinh tế gia đình và góp phần vào công tác giảm nghèo của địa phương. Theo chân lãnh đạo địa phương, chúng tôi đến thăm gia đình anh Nguyễn Văn Thảo, ngụ ấp Mỹ Hiệp, một trong những hộ được hỗ trợ dê giống từ Chương trình Giảm nghèo bền vững của huyện "Gia đình muốn phát triển mô hình nuôi dê đã lâu nhưng không có điều kiện mua dê giống về nuôi. Tôi rất vui khi được chính quyền địa phương xét hỗ trợ dê giống. Trong số 7 con dê thì có 2 con cái, tôi sẽ chăm sóc thật tốt để dê khỏe mạnh, sinh sản tốt nhằm tăng thêm thu nhập, cải thiện cuộc sống gia đình, vươn lên thoát nghèo", anh Nguyễn Văn Thảo cho biết.
Ông Kim Ngọc Tuấn – Phó Chủ tịch UBND xã Hòa Mỹ chia sẽ "bên cạnh tổ chức tuyên truyền, vận động người dân tham gia giảm nghèo bền vững, địa phương cũng thực hiện khảo sát thực tế nhu cầu hộ nghèo, cận nghèo, hộ mới thoát nghèo, để xem họ cần được hỗ trợ những gì để có thể thoát nghèo bền vững. Thông qua nguồn vốn từ dự án, địa phương đã xây dựng 4 đề án hỗ trợ sinh kế gồm, nuôi heo thương phẩm, sinh sản, nuôi dê và nuôi cá thát lát"
Hòa Mỹ là xã thuần nông, người dân chủ yếu sống bằng nghề nông nghiệp, nên tỷ lệ hộ nghèo và cận nghèo còn khá cao. Theo kết quả tổng điều tra hộ nghèo, hộ cận nghèo theo chuẩn nghèo đa chiều, xã Hòa Mỹ hiện có 638 hộ nghèo, chiếm tỷ lệ 13,73%, 228 hộ cận nghèo, chiếm tỷ lệ 4,9%. Trên cơ sở nguồn vốn từ Dự án “Đa dạng hóa sinh kế, phát triển mô hình giảm nghèo”, với kinh phí gần 2 tỉ đồng, địa phương đã xét hỗ trợ cho 79 hộ nghèo, cần nghèo gồm con giống và thức ăn tương đương 25 triệu đồng/hộ, với 4 dự án, nuôi heo thương phẩm và sinh sản; nuôi dê và nuôi cá thát lát.
Cũng theo Phó Chủ tịch UBND xã Hòa Mỹ Kim Ngọc Tuấn, thời gian tới, xã tiếp tục quan tâm xây dựng, nhân rộng các mô hình sinh kế, giảm nghèo hiệu quả, các mô hình thoát nghèo bền vững trên địa bàn, đẩy mạnh vận động nâng cao ý thức tự lực, tự cường vươn lên của người nghèo. Hướng dẫn thực hiện mô hình sản xuất, kinh doanh phù hợp, hiệu quả, tổ chức đào tạo nghề cho lao động nông thôn theo nhu cầu việc làm thực tế, hỗ trợ người nghèo tiếp cận các nguồn vốn tín dụng để phát triển sản xuất, các đề án, dự án về phát triển đa dạng sinh kế, thoát nghèo bền vững. Đồng thời, có kế hoạch cụ thể thực hiện giảm nghèo cho từng nhóm đối tượng thông qua các giải pháp hỗ trợ về vốn, tập huấn kiến thức sản xuất và lồng ghép các mục tiêu giảm nghèo với các mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội, xây dựng nông thôn mới. Phấn đấu trung bình mỗi năm giảm nghèo theo nghị quyết đã đề ra./.
Th: Văn Minh