Xem chi tiết tin - ĐOÀN ĐBQH VÀ HĐND TỈNH HẬU GIANG - ĐẠI BIỂU NHÂN DÂN TỈNH HẬU GIANG

 

Góp ý đối với dự án Luật Công đoàn (sửa đổi)

Ngày 25-10-2024

Sáng ngày 24/10/2024, tại Phòng Diên Hồng, Nhà Quốc hội, Quốc hội đã tiến hành thảo luận ở hội trường về một số nội dung còn ý kiến khác nhau của dự thảo Luật Công đoàn (sửa đổi).

Đồng chí Lê Thị Thanh Lam - Ủy viên Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh, Phó Trưởng đoàn phụ trách Đoàn ĐBQH tỉnh Hậu Giang tham gia một số ý kiến như sau:

Thứ nhất, tại Điều 5 quy định về quyền thành lập gia nhập hoạt động công đoàn. Đề nghị xem xét bổ sung cụm từ “tổ chức và Việt Nam” và tên của Điều 5 hoàn thiện như sau: Quyền thành lập, gia nhập vào hoạt động công đoàn và tổ chức Công đoàn Việt Nam. Vì đây là quy định đối với tổ chức Công đoàn Việt Nam, không phải là quy định chung cho tất cả các tổ chức đại diện người lao động. Về việc bổ sung quyền gia nhập công đoàn của người lao động là người nước ngoài, thống nhất cao theo dự thảo. Vì trong bối cảnh hội nhập quốc tế ngày nay Việt Nam đã tham gia các hiệp định thương mại tự do thế hệ mới, đã ký và tham gia nhiều hiệp định đa phương, song phương quan trọng. Theo báo cáo của Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội hiện nay có trên 136.000 người nước ngoài lao động tại Việt Nam. Nguồn lao động này góp phần nâng cao năng lực, năng suất lao động xã hội, thúc đẩy nền kinh tế phát triển nhanh, tạo nguồn lực đáp ứng nhu cầu của các nhà đầu tư nước ngoài vào Việt Nam, góp phần phát triển kinh tế - xã hội cho đất nước. Tổ chức công đoàn bảo vệ quyền,
lợi ích hợp pháp, chính đáng của họ khi họ là lao động trên đất nước Việt Nam, tạo sự bình đẳng giữa lao động Việt Nam và lao động nước ngoài tại Việt Nam.

Thứ hai, tại Điều 10 về những hành vi bị nghiêm cấm. Khoản 5 quy định không đóng kinh phí công đoàn, chậm đóng kinh phí công đoàn, đóng kinh phí công đoàn không đúng mức quy định, đóng kinh phí công đoàn không đủ số người thuộc đối tượng phải đóng. Đề nghị cần bổ sung quy định mốc thời gian cụ thể là bao nhiêu tháng đối với việc chậm đóng kinh phí công đoàn để quy định này được rõ ràng và chặt chẽ hơn trong dự án luật.

Thứ ba, đại diện chăm lo bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp, chính đáng của đoàn viên công đoàn và người lao động quy định tại Điều 11, cần đơn giản hóa thủ tục pháp lý khi tổ chức công đoàn đại diện cho người lao động tham gia bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của họ tại phiên tòa. Bởi vì, quy định hiện nay tổ chức công đoàn được ủy quyền của người lao động mới được tham gia phiên tòa. Thời gian thực tế vừa qua chúng ta thấy tổ chức công đoàn rất khó khăn trong việc đại diện bảo vệ người lao động, không ủy quyền cho tổ chức công đoàn đại diện, muốn đơn giản hóa thủ tục để tổ chức công đoàn là đại diện đương nhiên cho đoàn viên công đoàn và người lao động. Vì khi quyền, lợi ích của người lao động bị xâm phạm, nhất là việc doanh nghiệp, người sử dụng lao động nợ bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế và bảo hiểm thất nghiệp. Do vậy, dự án Luật Công đoàn (sửa đổi) lần này cần có chế tài mạnh mẽ để đảm bảo quyền lợi và lợi ích hợp pháp cho người lao động, ngoại trừ trường hợp đặc biệt như thiên tai, dịch bệnh.

Thứ tư, tại Điều 26 quy định về bảo đảm quyền tổ chức cán bộ công đoàn tại khoản1, đề nghị bổ sung cụm từ cơ quan có thẩm quyền và Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam thống nhất quyết định số lượng cán bộ công đoàn các cấp, như là công đoàn các cấp được bảo đảm về tổ chức và số lượng cán bộ công đoàn để thực hiện chức năng, quyền, trách nhiệm theo quy định của pháp luật. Cơ quan có thẩm quyền và Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam thống nhất quyết định số lượng cán bộ công đoàn các cấp, vì biên chế của công đoàn các cấp là cán bộ, công chức, viên chức. Do vậy, số lượng biên chế công đoàn nằm trong Tổng biên chế được giao với cơ quan có thẩm quyền, nhằm tháo gỡ khó khăn về cán bộ công đoàn trong thời gian qua.

Thứ năm, tại Điều 29 về tài chính công đoàn, điểm b khoản 1 Điều 29, thống nhất cao việc duy trì kinh phí công đoàn 2%. Thực tiễn qua nhiều thập kỷ, tổ chức công đoàn thu nguồn kinh phí công đoàn 2% cùng với các nguồn thu khác là cơ sở quan trọng để tổ chức công đoàn xây dựng nguồn lực đủ mạnh để chăm lo tốt cho đoàn viên công đoàn và người lao động, tạo sự gắn kết trong mọi hoạt động giữa tổ chức công đoàn, người lao động và doanh nghiệp ngày càng tốt hơn.

Tại Điều 30 về miễn, giảm, tạm dừng đóng kinh phí công đoàn, đề nghị bổ sung một nội dung vào Điều 30 quy định “miễn, giảm kinh phí công đoàn trong các trường hợp doanh nghiệp gặp khó khăn do thiên tai, hỏa hoạn, dịch bệnh phải tạm dừng sản xuất, kinh doanh, dẫn đến không có khả năng đóng kinh phí công đoàn”, có nghĩa là chia sẻ khó khăn cho doanh nghiệp khi gặp những trường hợp khó khăn như thế này, vừa chăm lo cho người lao động, bên cạnh đó cũng song hành với doanh nghiệp.

Tại Điều 31 về quản lý, sử dụng tài chính công đoàn, khoản 3 quy định “kinh phí công đoàn quy định tại điểm b khoản 1 Điều 29 của luật này sau khi thu thì phân phối cho công đoàn cơ sở, tổ chức của người lao động tại doanh nghiệp quản lý và sử dụng 75% và cho công đoàn cấp trên quản lý, sử dụng 25%”. Đề nghị chỉnh sửa điều chỉnh tỷ lệ phần trăm tối đa là bao nhiêu, tối thiểu là bao nhiêu, không nên quy định cứng hay tỷ lệ cụ thể 75% và 25%, chi tiết cụ thể giao Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam quy định theo luật định.

Mỹ Xuyên


You do not have the roles required to access this portlet.