Xem chi tiết tin - ĐOÀN ĐBQH VÀ HĐND TỈNH HẬU GIANG - ĐẠI BIỂU NHÂN DÂN TỈNH HẬU GIANG

 

Góp ý Dự án Luật quản lý, bảo vệ công trình quốc phòng và khu quân sự

Ngày 23-06-2023

Tiếp tục Chương trình Kỳ họp thứ Năm, Quốc hội Khóa XV, sáng ngày 23/6/2023, tại Hội trường Diên Hồng, Quốc hội đã tiến hành thảo luận ở hội trường về dự án Luật Quản lý, bảo vệ công trình quốc phòng và khu quân sự.

Tham gia đóng góp ý kiến vào dự thảo Luật Quản lý, bảo vệ công trình quốc phòng và khu quân sự, bà Lê Thị Thanh Lam - Phó Trưởng đoàn phụ trách Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Hậu Giang tham gia góp ý 3 nội dung cụ thể như sau:

Thứ nhất, về tính chất của công trình lưỡng dụng được quy định tại Khoản 17, Điều 2 của dự thảo luật, đó là công trình lưỡng dụng được sử dụng cho cả mục đích quân sự, quốc phòng và mục đích dân sự, các công trình dân sự để đảm bảo sử dụng mục đích công trình quân sự quốc phòng, nhất là cho nhiệm vụ tác chiến phòng thủ cần phải xác định được ngay từ khi thiết kế xây dựng hoặc là có vị trí bố trí phù hợp với yêu cầu nhiệm vụ quân sự quốc phòng. Đồng thời, phải được đăng ký quản lý tại Bộ Quốc phòng một số loại công trình lưỡng dụng hiện nay như là sân bay, cảng biển, công trình đường bộ, đặc biệt là đường cao tốc, các hạng mục công trình riêng cho hoạt động quân sự trong sân bay lưỡng dụng do Bộ Quốc phòng quản lý. Bộ Giao thông vận tải quản lý các hạng mục công trình dùng chung, dùng riêng cho hoạt động dân sự trong sân bay lưỡng dụng. Hiện nay, các công trình lưỡng dụng hầu hết là do Nhà nước đầu tư từ nguồn ngân sách và được quản lý sử dụng theo quy định của pháp luật về quản lý, sử dụng tài sản công. Nguyên tắc quản lý, bảo vệ công trình quốc phòng và khu quân sự lưỡng dụng quy định tại Khoản 5, Điều 3 dự thảo như là “Công trình lưỡng dụng sử dụng cho mục đích dân sự được quản lý, sử dụng theo quy định pháp luật về quản lý, sử dụng tài sản công, trường hợp sử dụng cho mục đích quân sự, quốc phòng thì được quản lý, bảo vệ theo quy định của pháp luật”, có nghĩa là theo luật này chỉ quy định khái niệm công trình lưỡng dụng và quy định nguyên tắc chung của quản lý công trình lưỡng dụng trong dự thảo luật thì tôi thấy là vấn đề này là phù hợp.

Thứ hai, đề nghị Ban soạn thảo cần cân nhắc cho phù hợp với thực tế đối với quy định tại Khoản 3, Điều 19, nghĩa là người đứng đầu ban, bộ, ngành trung ương, địa phương không được quy định tại Khoản 2 điều này có trách nhiệm tổ chức lực lượng trong biên chế bảo vệ công trình quốc phòng được giao quản lý, sử dụng. Trong khi đó, tại Khoản 2, Điều 19 quy định “Bộ trưởng Bộ Quốc phòng quy định thành phần, lực lượng, biên chế để bảo vệ công trình quốc phòng và khu quân sự”, phần này đề nghị Ban soạn thảo cân nhắc.

Thứ ba, Điều 22 quy định về nhiệm vụ, quyền hạn của lực lượng thuộc cơ quan, tổ chức, địa phương được giao bảo vệ công trình quốc phòng. Bà Lê Thị Thanh Lam cho rằng, việc giao nhiệm vụ bảo vệ các lực lượng, tổ chức, địa phương chưa rõ, chưa cụ thể, nội dung yêu cầu xây dựng kế hoạch, phương án nhưng không nêu chủ thể là ai, lực lượng nào. Vì thế, đề nghị cần xác định cụ thể chủ thể của cơ quan nào được giao nhiệm vụ bảo vệ công trình quốc phòng tại địa phương, tạo điều kiện thuận lợi cho việc tổ chức triển khai thực hiện khi luật có hiệu lực thi hành.

Mỹ Xuyên


You do not have the roles required to access this portlet.