Xem chi tiet tin - Sở Giao thông vận tải

 

Kế hoạch phát triển Giao thông vận tải Hậu Giang giai đoạn 2016 - 2020

Ngày 03-08-2020

Cơ sở pháp lý để xây dựng Kế hoạch 5 năm 2016 - 2020

- Quyết định số 105/2006/QĐ-TTg ngày 16 tháng 05 năm 2006 của Thủ tướng Chính phủ về việc phê duyệt quy hoạch tổng thể kinh tế - xã hội tỉnh Hậu Giang đến năm 2020;

- Quyết định số 638/QĐ-TTg ngày 28 tháng 4 năm 2011 của Thủ tướng Chính phủ về phương hướng, nhiệm vụ và kế hoạch phát triển giao thông vận tải vùng đồng bằng Sông Cửu Long đến năm 2015 và định hướng 2020;

- Quyết định số 11/2012/QĐ-TTg ngày 10 tháng 02 năm 2012 của Thủ tướng Chính phủ về việc phê duyệt Quy hoạch phát triển giao thông vận tải vùng kinh tế trọng điểm vùng đồng bằng Sông Cửu Long đến năm 2020 và định hướng 2030;

- Quyết định số 355/QĐ-TTg ngày 25 tháng 02 năm 2013 của Thủ tướng Chính phủ về việc phê duyệt điều chỉnh Quy hoạch phát triển giao thông vận tải Việt Nam đến năm 2020 và định hướng đến năm 2030;

- Quyết định số 356/QĐ-TTg ngày 25 tháng 02 năm 2013 của Thủ tướng Chính phủ về việc phê duyệt điều chỉnh Quy hoạch phát triển giao thông vận tải đường bộ Việt Nam đến năm 2020 và định hướng đến năm 2030;

          - Quyết định số 1725/QĐ-UBND ngày 28 tháng 10 năm 2011 của UBND tỉnh Hậu Giang về phê duyệt quy hoạch phát triển giao thông vận tải tỉnh Hậu Giang đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030;

          - Quyết định số 734/QĐ-UBND ngày 29 tháng 5 năm 2014 của UBND tỉnh Hậu Giang Ban hành Đề án Phát triển kết cấu hạ tầng giao thông tỉnh Hậu Giang đến năm 2020, định hướng đến năm 2030;

Phần 1

Kết quả thực hiện Kế hoạch phát triển Giao thông vận tải

Hậu Giang, giai đoạn 2011 - 2015.

Sau khi chia tách tỉnh, Hậu Giang có rất nhiều khó khăn trở ngại so với các tỉnh khác trong vùng, mức xuất phát điểm của nền kinh tế còn thấp, điều kiện cơ sở hạ tầng kinh tế - xã hội còn nhiều hạn chế, đặc biệt là kết cấu hạ tầng giao thông đường bộ. Toàn tỉnh có 02 tuyến Quốc lộ đi qua  là Quốc lộ 1, Quốc lộ 61 với mặt đường hẹp, khả năng lưu thông rất khó khăn. Mạng lưới đường tỉnh có 9 tuyến trải đều khắp địa bàn tỉnh, nhưng chất lượng còn kém, khoảng 36% cấp phối và đất, còn lại là láng nhựa 3,5m, chỉ đảm bảo lưu thông đi lại bằng xe 2 bánh và xe con, chưa tham gia được vận chuyển các loại hàng hóa có khối lượng lớn. Mạng lưới đường xã, đường giao thông nông thôn hầu như chưa hình thành mà chủ yếu là đường đất.

          Tuy nhiên, với sự quan tâm đầu tư của Chính phủ và các Bộ ngành Trung ương, sự chỉ đạo sâu sát, quyết liệt của Tỉnh ủy, Ủy ban nhân dân tỉnh và Bộ GTVT, sự hỗ trợ của các Sở, ban ngành và các địa phương, lãnh đạo Sở và cán bộ công chức, viên chức toàn ngành đã phát huy tinh thần trách nhiệm, tận tụy với công việc, ngành giao thông vận tải đã đạt những thành quả hết sức khả quan, góp phần đáng kể vào công cuộc xây dựng và phát triển tỉnh Hậu Giang. Cụ thể như sau: 

I. Kết quả thực hiện:

1. Về kết cấu hạ tầng giao thông:

Trong 5 năm qua, tuy khó khăn về nguồn vốn nhưng được sự quan tâm chỉ đạo quyết liệt của Tỉnh ủy, Ủy ban nhân dân tỉnh, sự quan tâm đầu tư của các Bộ ngành Trung ương, công tác đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng giao thông đạt kết quả cao, phát huy nhanh hiệu quả, hạ tầng giao thông được cải thiện đáng kể. Kết quả đã xây dựng được một mạng lưới đường giao thông đồng bộ, nhiều tuyến đường quan trọng được xây dựng hoàn thành và đưa vào sử dụng đáp ứng nhu cầu đi lại của nhân dân, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế xã hội của tỉnh.

          a. Hệ thống quốc lộ:

Được sự quan tâm đầu tư của Chính phủ và Bộ GTVT, các tuyến quốc lộ đi qua địa bàn tỉnh Hậu Giang đã được đầu tư, nâng cấp phát huy cao hiệu quả, nâng cao năng lực thông hành và rút ngắn thời gian đi lại giữa các tỉnh trong khu vực, tạo điều kiện thuận lợi cho việc đi lại của người dân, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế xã hội của địa phương. Trong năm 2014, đã triển khai thi công mở rộng QL1 (đoạn từ ranh TP Cần Thơ đến thị xã Ngã Bảy) theo đúng tiêu chuẩn cấp III đồng bằng với 4 làn xe, dự kiến hoàn thành trong năm 2015; tổ chức khởi công dự án cải tạo, nâng cấp Quốc lộ 61B (đoạn ngã ba Vĩnh Tường đến thị trấn Long Mỹ) và QL61 (đoạn Cái Tư - Gò Quao); đồng thời đang thực hiện các thủ tục đầu tư mở rộng lề QL61B (đoạn thị trấn Long Mỹ đến cầu Trà Ban).

b. Hệ thống đường tỉnh:

Trên cơ sở quy hoạch phát triển giao thông được UBND tỉnh phê duyệt, Sở đã xây dựng và triển khai thực hiện Kế hoạch phát triển kết cấu hạ tầng giao thông giai đoạn 2011 - 2015, trong đó xác định các tuyến giao thông đối ngoại quan trọng của tỉnh, các tuyến đường cần ưu tiên đầu tư để tạo động lực thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội. Trong 05 năm qua, hệ thống đường tỉnh đã được cải tạo, nâng cấp xây dựng mới tổng cộng 165,34 km. Khối lượng giải ngân các công trình do Sở làm chủ đầu tư trên 2.520 tỷ đồng.

Đến nay, hệ thống đường tỉnh gồm 15 tuyến dài 356,2km đã được xây dựng ngày càng hoàn thiện theo quy hoạch. Nhiều tuyến đường quan trọng đã xây dựng hoàn thành và đưa vào sử dụng như: Đường tỉnh 925, đường tỉnh 927 (đoạn từ thị xã Ngã Bảy đến thị trấn Cây Dương);  đường tỉnh 928; đường tỉnh 931B... đáp ứng nhu cầu đi lại của nhân dân.

Ngoài ra, Sở đã xây dựng hoàn thành và đưa vào sử dụng tuyến giao thông Bốn Tổng - Một Ngàn, đường nối Vị Thanh - Cần Thơ đã phá thế độc đạo cho thành phố Vị Thanh cũng như rút ngắn khoảng cách từ TP. Vị Thanh đến TP. Cần Thơ. Tuyến đường Vị Thanh - Cần Thơ kết hợp với kênh xáng Xà No (kênh vận tải thủy chiến lược từ TPHCM đi Cà Mau) tạo thành mạng lưới giao thông hoàn chỉnh, liên hoàn, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế xã hội của tỉnh.

c. Đường ô tô về trung  tâm các xã, đường giao thông nông thôn:

Tỉnh ủy, UBND tỉnh xác định mục tiêu xây dựng cơ sở hạ tầng nông thôn là yêu cầu cấp thiết và có tính chất quan trọng, để xóa bỏ rào cản giữa thành thị và nông thôn, rút ngắn khoảng cách giữa giàu - nghèo và góp phần mang lại cho nông thôn một diện mạo mới, tiềm năng để phát triển.

Dự án đường về trung tâm các xã trên địa bàn tỉnh Hậu Giang gồm 16 tuyến với tổng mức đầu tư hơn 800 tỷ đồng, đến nay hầu hết các công trình đã hoàn thành và đưa vào sử dụng. Công tác giao thông nông thôn trong 5 năm qua đã xây dựng 1.183 km đường, trong đó xây dựng mới 895,3 km đường nhựa và đường BTXM, chiếm 75,6%; duy tu, sửa chữa 287,8km, chiếm 24,4%. Phần cầu xây dựng 857 cây/15.726 md với bề rộng mặt cầu trung bình từ 2,5m trở lên,  tổng kinh phí thực hiện 1.637 tỷ đồng (Trong đó: Nhà nước 1.085,3 tỷ đồng, chiếm 66,3%; nhân dân 551,7 tỷ đồng, chiếm 33,7%).

Các tuyến đường ô tô về trung tâm xã cùng với hệ thống đường giao thông nông thôn kết nối với các tuyến đường tỉnh và đường quốc lộ, tạo thành mạng lưới đường bộ liên hoàn, đã tạo điều kiện thuận lợi phát triển văn hóa, xã hội và thu hút các lĩnh vực đầu tư về khu vực nông thôn, tạo công ăn việc làm, xóa đói, giảm nghèo, đảm bảo an sinh xã hội, góp phần thực hiện chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng nông thôn mới.. Hiện nay, toàn tỉnh có  71/74 xã, phường có đường ô tô về đến trung tâm xã, đạt 96% (còn lại 3 xã do mới chia tách); 527/527 ấp, khu vực có đường xe 2 bánh đi lại được trong 2 mùa mưa nằng đạt 100% và đã có 8/11 xã điểm xây dựng nông thôn mới đạt tiêu chí số 2 về giao thông.

2. Về công tác quản lý vận tải, phương tiện và người lái:

a. Quản lý vận tải:

Trong 5 năm qua, Sở tiếp tục quan tâm đầu tư xây dựng và chỉnh trang lại các bến xe, nhà chờ và chủ động liên hệ với các tỉnh bạn mở thêm nhiều tuyến vận tải khách cố định liên tỉnh bằng ô tô phục vụ tốt nhu cầu vận chuyển hàng hóa và đi lại của nhân dân.  Tập trung chấn chỉnh hoạt động vận tải hành khách bằng ô tô, đặc biệt quan tâm kiểm tra thiết bị giám sát hành trình và sức khỏe của lái xe, kiên quyết xử lý kịp thời các hành vi vi phạm... từ đó trật tự vận tải hành khách được đảm bảo, chất lượng phục vụ của các đơn vị tham gia vận tải khách được nâng cao. Sở đã chủ động xây dựng, trình UBND tỉnh phê duyệt và triển khai thực hiện tốt Kế hoạch phát triển mạng lưới vận tải khách công cộng bằng xe buýt các tuyến nội tỉnh và liên tỉnh liền kề đến năm 2015; quy hoạch phát triển vận tải hành khách công cộng bằng xe taxi trên địa bàn tỉnh Hậu Giang đến năm 2020, định hướng đến năm 2030.

Đến nay, vận tải khách đường bộ đã có sự  kết nối tốt hơn giữa các phương tiện đường bộ với nhau như xe buýt, xe hợp đồng, xe chạy tuyến cố định, taxi, .... Hiện nay trên địa bàn tỉnh Hậu Giang có 6 đơn vị đăng ký kinh doanh vận tải khách, khai thác trên 25 tuyến cố định với 145 phương tiện; 01 đơn vị kinh doanh vận tải khách bằng xe taxi với 19 phương tiện; 03 đơn vị kinh doanh vận tải hàng hóa bằng xe container với 14 phương tiện ô tô đầu kéo và 12 phương tiện sơmi rơmooc. Luồng tuyến vận tải khách đường bộ đã phát triển hầu hết tới tất cả các huyện hoặc cụm xã, đã phục vụ tốt nhu cầu vận chuyển hàng hóa và đi lại của nhân dân.

          Khối lượng vận tải hành khách đã tăng từ 66,93 triệu lượt hành khách năm 2010 lên 86,1 triệu hành khách năm 2013, tốc độ tăng trưởng bình quân đạt 8%/năm và lượng luân chuyển hành khách tăng từ 394,06 triệu lượt HK.km năm 2010 lên 501,19 triệu lượt HK.km năm 2013, tốc độ tăng trưởng bình quân là 8,3%/năm.

          Khối lượng vận tải hàng hóa đã tăng từ 5,53 triệu tấn năm 2010 lên 7,55 triệu tấn năm 2013, tốc độ tăng trưởng bình quân đạt 11,11%/năm và  lượng luân chuyển hàng hóa đã tăng từ 148,54 triệu T.km năm 2010 lên 193,13 triệu T.km năm 2013, tốc độ tăng trưởng bình quân đạt 9,13%/năm.

b. Công tác đăng kiểm phương tiện thủy - bộ:

 Sở quan tâm, tạo điều kiện để Trung tâm đầu tư trang thiết bị, cử cán bộ đi đào tạo chuyên môn nghiệp vụ, đến nay hoạt động của Trung tâm ngày càng đi vào nề nếp, được trang bị hiện đại, đội ngũ đăng kiểm viên có năng lực, trình độ cùng với hệ thống các tiêu chuẩn, quy định tương đối đồng bộ đã nâng cao chất lượng kiểm định phương tiện, không để xảy ra hành vi nhũng nhiễu, gây khó khăn cho người dân và doanh nghiệp; chất lượng phương tiện qua kiểm định ngày càng được nâng lên, góp phần đảm bảo an toàn giao thông. Hiện nay, Trung tâm đăng kiểm có 2 dây chuyền kiểm định và được nối mạng với Cục Đăng kiểm Việt Nam, đảm bảo công tác kiểm định thực hiện theo đúng quy trình, đạt chất lượng tốt, không để xảy ra tình trạng xe bị tai nạn giao thông do lỗi đăng kiểm.

Trong 5 năm qua, Trung tâm đã kiểm định được hơn 46.000 lượt phương tiện cơ giới đường bộ và  4.799 lượt phương tiện thủy nội địa. Thu phí được 12,17 tỷ đồng. Sở thường xuyên phối hợp với Phòng Quản lý đô thị, Phòng Kinh tế và Hạ tầng các huyện, thị xã, thành phố tuyên truyền nhắc nhở nhân dân có phương tiện tham gia giao thông đều phải làm thủ tục đăng ký, đăng kiểm nhằm đảm bảo an toàn giao thông đường bộ - đường thủy nội địa.

c. Quản lý đào tạo, sát hạch, cấp, đổi giấy phép lái xe cơ giới đường bộ:

Sở đã xây dựng và được UBND tỉnh phê duyệt quy hoạch cơ sở đào tạo, trung tâm sát hạch lái xe trên địa bàn tỉnh Hậu Giang đến năm 2020, định hướng đến năm 2030. Đồng thời chủ động kêu gọi các đơn vị có điều kiện để đầu tư xây dựng các cơ sở đào tạo, trung tâm sát hạch lái xe cơ giới đường bộ loại 3, đồng thời cử cán bộ đi đào tạo sát hạch viên để đáp ứng yêu cầu công tác. Hiện nay, trên địa bàn tỉnh có 04 cơ sở đào tạo và Trung tâm sát hạch lái xe đã góp phần đạo tạo lái xe, tàu phục vụ tốt nhu cầu học của người dân.

           Sở luôn quan tâm đến chất lượng đào tạo và thi sát hạch cấp giấy phép lái xe. Thường xuyên kiểm tra cơ sở vật chất, chất lượng đào tạo và thực hiện chế độ họp giao ban với các cơ sở đào tạo, chỉ đạo thực hiện đầy đủ các quy định của Bộ Giao thông vận tải, Tổng Cục Đường bộ Việt Nam nhằm nâng cao chất lượng công tác đào tạo cũng như thi sát hạch, tuyệt đối không để xảy ra tiêu cực. Trong 5 năm qua đã tổ chức sát hạch được 551 khóa, có 87.032 thí sinh đăng ký dự thi, đạt cấp 68.383 GPLX  (trong đó mô tô đạt cấp 64.579 GPLX, ô tô đạt cấp 3.804 GPLX);  Cấp đổi 4.517 GPLX;  Cấp lại 5.769 GPLX

3. Công tác đảm bảo trật tự an toàn giao thông:

Với vai trò là Thường trực Ban ATGT tỉnh, Sở đã chỉ đạo Thanh tra giao thông phối hợp với các đơn vị có liên quan tăng cường công tác tuần tra kiểm soát, bám tuyến, bám địa bàn trọng điểm phức tạp nên không xảy ra tình trạng đua xe trái phép và ùn tắc giao thông. Phối hợp với các Sở, ban, ngành, Mặt trận và các Đoàn thể, UBND các huyện, thị xã, thành phố tổ chức tuyên truyền pháp luật về giao thông hơn 178 cuộc có hơn 30.500 lượt người tham dự. Tổ chức in ấn và phát trên 205.000 tờ bướm tuyên truyền ATGT cho từng hộ dân trên Quốc lộ, tỉnh lộ, các đường huyện, xã. Sở đã kết hợp với Ban An toàn giao thông tỉnh, đơn vị quản lý đường bộ và các huyện, thị xã, thành phố lắp đặt 260 pa nô , 12 biển cảnh báo tai nạn giao thông, đồng thường xuyên kiểm tra hệ thống báo hiệu đường bộ, và đã kịp thời sửa chữa, cắm mới biển báo, mốc hàng lang an toàn giao thông, biển tuyên truyền về an toàn giao thông trên các tuyến Quản lộ - Phụng Hiệp, Quốc lộ 61 và các tuyến đường tỉnh.Tổ chức phát quang trên tất cả các tuyền đường để đảm bảo tầm nhìn cho người điều khiển phương tiện.

Với những giải pháp đồng bộ và các hoạt động thiết thực nêu trên đã tạo được ý thức chấp hành Luật giao thông trong mọi tầng lớp nhân dân, từ đó tình hình trật tự an toàn giao thông có nhiều chuyển biến tích cực, tai nạn giao thông đường bộ và đường thủy trong toàn tỉnh nhiều năm liền được kiềm chế.

II. Đánh giá chung:

Được sự quan tâm chỉ đạo của Tỉnh ủy, UBND tỉnh và Bộ GTVT, sự hỗ trợ giúp đỡ của các Sở ban ngành và các huyện, thị xã, thành phố, Sở đã phát huy tốt vai trò trách nhiệm, đề ra kế hoạch phù hợp với tình hình, bám sát với cơ sở, biết quy tụ đội ngũ cán bộ khoa học trẻ nhằm tạo thành sức mạnh tổng hợp để thực hiện nhiệm vụ chính trị của ngành. Cán bộ, công chức, viên chức của Sở luôn đoàn kết, quyết tâm nêu cao tính tự lực tự cường, có tâm huyết vì nhiệm vụ chung của ngành, luôn tìm tòi học hỏi, sáng tạo, luôn tiên phong gương mẫu đi đầu trên tất cả các lĩnh vực, vượt qua mọi khó khăn để hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao. Hầu hết các nhiệm vụ của ngành đều hoàn thành tốt: công tác xây dựng kết cấu hạ tầng giao thông đạt kết quả cao, đã xây dựng được mạng lưới giao thông đồng bộ, nối liền từ ấp đến xã, từ xã đến huyện, từ huyện đến tỉnh và hòa mạng vào mạng lưới giao thông quốc gia, nhiều công trình quan trọng được đưa vào sử dụng góp phần thức đẩy kinh tế - xã hội của tỉnh phát triển; vận tải và dịch vụ đáp ứng tốt nhu cầu đi lại của nhân dân, sản lượng vận tải hàng năm đều tăng; tình hình trật tự an toàn giao thông được đảm bảo, tai nạn giao thông hàng năm được kiềm chế; công tác đào tạo, cấp giấy phép lái xe, đăng kiểm phương tiện giao thông thủy bộ đạt chất lượng tốt, đáp ứng được nhu cầu của nhân dân....

 Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đạt được nêu trên cũng còn những mặt hạn chế, tồn tại:

- Công tác quản lý nhà nước của ngành đã được thực hiện tốt, mang lại hiệu quả nhưng vẫn còn một số mặt như: công tác quản lý nhà nước về hoạt động kinh doanh vận tải khách bằng ô tô, kiểm soát tải trọng phương tiện, quản lý chất lượng đào tạo lái xe còn thiếu sót cần tiếp tục chấn chỉnh và tăng cường thực hiện. Tình trạng lấn chiếm và tái lấn chiếm hành lang an toàn giao thông đường bộ vẫn còn xảy ra cần tiếp tục xử lý nghiêm; tình hình tai nạn giao thông tuy được kiềm chế nhưng vẫn còn diễn biến phức tạp cần tăng cường kiểm soát.

          - Mặc dù đã được quan tâm đầu tư nhưng kết cấu hạ tầng giao thông vẫn còn nhiều khó khăn: Kết cấu hạ tầng giao thông đô thị chật hẹp, các tuyến đường xuống cấp nhưng kinh phí không đáp ứng yêu cầu công tác duy tu, sửa chữa; hầu hết các tuyến đường tỉnh, đường huyện vẫn chưa đúng cấp quy định, một số tuyến còn nhỏ hẹp, hệ thống đường và cầu chưa đồng bộ. Hiện nay vẫn cò 3 xã chưa có đường ô tô về đến trung tâm xã; vẫn còn một số tuyến đường giao thông nông thôn có chất lượng chưa đảm bảo, nhanh hư hỏng, xuống cấp; giao thông đường thuỷ nội địa vẫn lợi dụng điều kiện tự nhiên là chính, chưa được quan tâm đầu tư nạo vét, thiếu thiết bị dẫn luồng, hệ thống phao tiêu báo hiệu.

- Trong công tác xây dựng cơ bản, mặc dù đã đạt được nhiều kết quả to lớn nhưng một số công trình cấp bách chưa có vốn hoặc bố trí vốn không đủ để triển khai thực hiện; kinh phí cấp cho công tác bảo trì kết cấu hạ tầng giao thông còn thiếu nên các hạng mục công tác duy tu bảo dưỡng chỉ được tiến hành một số công việc chủ yếu; chất lượng, mỹ thuật của một ít công trình chưa cao, cần nghiêm túc rút kinh nghiệm và thực hiện tốt hơn.

Phần 2

Kế hoạch phát triển Giao thông vận tải Hậu Giang, giai đoạn 2016 - 2020

Kế hoạch phát triển giao thông vận tải Hậu Giang giai đoạn 2016 - 2020 được xây dựng trong bối cảnh kinh tế trong nước có dấu hiệu phục hồi nhưng cũng còn nhiều khó khăn, thách thức. Tuy nhiên, nước ta cũng có nhiều thuận lợi khi thế và lực của đất nước sau gần 30 năm đổi mới đã lớn mạnh hơn nhiều; quy mô và tiềm lực kinh tế của đất nước được nâng cao hơn trước; những kết quả bước đầu của tái cơ cấu nền kinh tế tạo ra những chuyển biến mới đối với sự phát triển đất nước. Đặc biệt là sự ổn định về chính trị - xã hội, sự quan tâm chỉ đạo sâu sát của Tỉnh ủy, UBND tỉnh, sự ủng hộ của các Bộ ngành Trung ương, sự phối hợp, giúp đỡ của các Sở, ban ngành và các địa phương sẽ là nền tảng vững chắc để thực hiện thắng lợi kế hoạch.

I. Quan điểm, mục tiêu:

          1. Quan điểm:

          - Tiếp tục xác định giao thông vận tải là một bộ phận quan trọng trong kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội, một trong ba khâu đột phá, cần ưu tiên đầu tư phát triển đi trước một bước với tốc độ nhanh, bền vững nhằm tạo tiền đề cho phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm quốc phòng, an ninh, phục vụ sự nghiệp công nghiệp hóa - hiện đại hóa.

          - Phát triển kết cấu hạ tầng giao thông một cách đồng bộ, có trọng tâm trọng điểm, vừa có bước đi phù hợp vừa có bước đột phá theo hướng hiện đại tạo nên mạng lưới hoàn chỉnh, liên hoàn, liên kết giữa các phương thức vận tải, giữa đô thị và nông thôn và gắn kết vào hệ thống giao thông quốc gia. Coi trọng công tác bảo trì, đảm bảo hiệu quả, bền vững trong khai thác kết cấu hạ tầng giao thông hiện có.  

          - Đẩy mạnh xã hội hóa việc đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng giao thông. Huy động tối đa mọi nguồn lực để đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng giao thông. Dành quỹ đất hợp lý để phát triển kết cấu hạ tầng giao thông và đảm bảo hành lang an toàn giao thông. Quy hoạch đất sử dụng cho kết cấu hạ tầng giao thông cần có sự thống nhất và phối hợp chặt chẽ, thực hiện đồng bộ giữa các  ngành và địa phương.

          2. Mục tiêu:

          a. Về kết cấu hạ tầng giao thông:

Đưa vào cấp kỹ thuật hệ thống quốc lộ, đường tỉnh hiện có; mở mới một số tuyến đường cần thiết theo quy hoạch, đảm bảo 100% các xã đều có đường ô tô về đến trung tâm; tiếp tục phát triển giao thông nông thôn, 100% đường giao thông nông thôn được cứng hóa mặt.

Cải tạo, nâng cấp và hoàn thành đưa vào cấp kỹ thuật các luồng tuyến vận tải thủy nội địa; nâng cấp và đầu tư các bến xe khách,  bãi trung chuyển hàng hóa, bến tàu, cảng chuyên dùng để đáp ứng nhu cầu phát triển tại địa phương theo các quy hoạch được duyệt.

          b. Về vận tải:

          Đáp ứng nhu cầu vận tải với chất lượng ngày càng cao, giá cả hợp lý, đảm bảo an toàn, tiện lợi; ưu tiên phát triển vận tải hành khách công cộng; kiềm chế và tiến tới giảm sự gia tăng tai nạn giao thông và giảm thiểu tác động xấu đến môi trường trong khai thác vận tải.

          Khối lượng hàng hóa vận chuyển 49,3 triệu tấn và khối lượng hành khách vận chuyển 567,4 triệu hành khách, đạt tốc độ tăng trưởng bình quân từ 5-10%/năm.

          II. Nhiệm vụ chủ yếu:

          1. Về kết cấu hạ tầng giao thông:

a. Hệ thống đường Quốc lộ: Đề nghị Bộ GTVT chỉ đạo đẩy nhanh tiến độ thi công các công trình đang triển khai và tiếp tục đầu tư mâng cấp mở rộng các tuyến Quốc lộ còn lại đi qua địa bàn tỉnh với tổng chiều dài 130,58Km, kinh phí khoảng 5.326 tỷ đồng. Cụ thể:

- QL61, tuyến Nam Sông Hậu và tuyến Quản Lộ - Phụng Hiệp: nâng cấp, mở rộng đạt tiêu chuẩn đường cấp III đồng bằng, 2 làn xe, với tổng chiều dài 78,3km, kinh phí khoảng 976 tỷ đồng.

- QL61B: nâng cấp mở rộng đạt tiêu chuẩn cấp III đồng bằng, 2 làn xe, dài 15,4km, kinh phí 450 tỷ đồng

- Nâng cấp tuyến đường Vị Thanh - Cần Thơ thành đường cấp III đồng bằng, 4 làn xe, với chiều dài 37 km, kinh phí khoảng 3.900 tỷ đồng và đề nghị công nhận là quốc lộ.

b. Hệ thống đường tỉnh: xây dựng mới, nâng cấp mở rộng 10 tuyến đường tỉnh, dài 152,5km, đúng theo cấp kỹ thuật, đạt tiêu chuẩn đường cấp IV đồng bằng và theo quy hoạch được duyệt; xây dựng mới 01 cầu với tổng kinh phí 3.770 tỷ đồng. Đồng thời hoàn thành xây dựng các cầu lớn, thay thế các cầu có tải trọng nhỏ trên các tuyến đường tỉnh. Cụ thể:

          - Đường tỉnh 925B: xây dựng mới đoạn từ UBND xã Tân Long đến xã Bình Thành; đoạn từ QL61 đến xã Vĩnh Trung đạt tiêu chuẩn cấp V đồng bằng, với tổng chiều dài 18,5km, kinh phí khoảng 468 tỷ đồng.

- Đường tỉnh 925C: xây dựng mới đoạn từ trung tâm xã Đông Phước đến Quốc lộ 1 dài 5,1km, quy mô đường cấp V đồng bằng, kinh phí khoảng 75 tỷ đồng.

- Đường tỉnh 926B: xây dựng mới đoạn từ đường Vị Thanh - Cần Thơ đến Quốc lộ 61 dài 11,2km, quy mô đường cấp V đồng bằng, kinh phí khoảng 211 tỷ đồng.

- Đường tỉnh 927:

+ Nâng cấp, mở rộng đoạn từ thị trấn Phụng hiệp đến QL61 (ngã 3 Vĩnh Tường) dài 17,3km, quy mô đường cấp IV đồng bằng, kinh phí khoảng 560 tỷ đồng.

+ Nâng cấp, mở rộng đoạn theo quy hoạch thị xã Ngã Bảy, dài 3,76km, kinh phí khoảng 60 tỷ đồng.

- Đường tỉnh 927B: xây dựng mới đoạn từ đường nối Vị Thanh - Cần Thơ đến Quốc lộ 61, quy mô đường cấp V đồng bằng, dài 10,6km, kinh phí khoảng 213 tỷ đồng.

- Đường tỉnh 927C: xây dựng mới đạt đường cấp IV đồng bằng, dài 13,6km, kinh phí khoảng 720 tỷ đồng.

- Đường tỉnh 928B:

+ Xây dựng mới đoạn từ đường Nguyễn Huệ đến cầu Lái Hiếu dài 1km và xây dựng mới cầu Lái Hiếu, kinh phí khoảng 240 tỷ đồng.

+ Nâng cấp mở rộng đoạn từ thị trấn Trà Lồng đến QL61, dài 12,4Km đạt tiêu chuẩn đường cấp IV đồng bằng, kinh phí khoảng 206 tỷ đồng.

- Đường tỉnh 930:

+ Nâng cấp mở rộng đoạn từ thị trấn Long Mỹ đến Khu nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao Hậu Giang, dài 14,7km, quy mô đường cấp V đồng bằng, kinh phí khoảng 230 tỷ đồng.

+ Xây dựng mới đoạn từ Khu nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao đến xã Vĩnh Viễn A, dài 14km, quy mô đường cấp V đồng bằng, kinh phí khoảng 170 tỷ đồng.

- Đường tỉnh 930B: xây dựng mới đoạn từ Quốc lộ 61B đến trung tâm xã Xà Phiên, dài 10km, quy mô đường cấp V đồng bằng, kinh phí khoảng 161 tỷ đồng.

- Đường tỉnh 931: xây dựng mới đoạn từ đường Vị Thanh - Cần Thơ đến xã Vĩnh Thuận Tây, dài 20,3km, quy mô đường cấp V đồng bằng, kinh phí khoảng 256 tỷ đồng.

          - Xây dựng mới cầu Tân Phước Hưng với tổng kinh phí khoảng 200 tỷ đồng. 

c. Các trục đường chính trong nội ô thành phố Vị Thanh, thị xã Ngã Bảy và thị trấn Long Mỹ:

* Thành phố Vị Thanh: xây dựng mới, nâng cấp mở rộng 4 tuyến đường trục chính, đường vành đai; cải tạo nâng cấp một số tuyến đường nội ô và xây dựng mới 01 cầu với tổng chiều dài 26,7km, quy mô theo quy hoạch được duyệt với tổng kinh phí 1.343 tỷ đồng.Cụ thể:

- Xây dựng đường Tây Sông Hậu (đoạn từ đường 3/2 đến đường công vụ Miếu Hội), dài 4,5km, quy mô đường phố cấp khu vực, kinh phí 630 tỷ đồng.

- Xây dựng đường Nguyễn Huệ, dài 9km, quy mô đường phố cấp khu vực, kinh phí 145 tỷ đồng.

- Xây dựng đường 19 tháng 8 và đường 1 tháng 5, tổng chiều dài 9,7 km, quy mô đường cấp V, kinh phí khoảng 170 tỷ đồng.

- Cải tạo nâng cấp một số tuyến đường nội ô với tổng chiều dài 3,5km, kinh phí khoảng 38 tỷ đồng.

- Xây dựng cầu 19/8 qua kênh Xà No, kinh phí 360 tỷ đồng

* Thị xã Ngã Bảy: xây dựng mới, cải tạo nâng cấp 4 tuyến đường, với tổng chiều dài 8,52km, quy mô theo quy hoạch được duyệt với tổng kinh phí 92 tỷ đồng. Cụ thể:

- Xây dựng đường Nguyễn Huệ, dài 0,42km, quy mô đường phố cấp khu vực, kinh phí 17 tỷ đồng.

- Xây dựng đường cặp kênh Cái Côn (đoạn từ cầu Phụng Hiệp đến chợ nổi), dài 3,5km, quy mô đường cấp V, kinh phí 40 tỷ đồng.

- Cải tạo, nâng cấp đường Ngô Quyền và đường Nguyễn Thị Định, dài 4,6km, quy mô đường phố cấp khu vực, kinh phí 35 tỷ đồng.

* Thị trấn Long Mỹ: xây dựng mới, cải tạo nâng cấp 5 tuyến đường, với tổng chiều dài 10,12km, quy mô theo quy hoạch được duyệt với tổng kinh phí 54 tỷ đồng. Cụ thể:

- Xây dựng đường Cách mạng Tháng Tám (từ QL61B đến ĐT 930), dài 1,1km, quy mô đường phố cấp khu vực, kinh phí 7 tỷ đồng.

- Cải tạo, nâng cấp đường 30/4, đường 3/2, dài 6,72km, quy mô đường phố cấp khu vực, kinh phí 32 tỷ đồng.

- Cải tạo, nâng cấp đường Trần Hưng Đạo, đường Nguyễn Trung Trực, dài 2,3km, quy mô đường phố cấp khu vực, kinh phí 15 tỷ đồng.

d. Hệ thống đường huyện, đường giao thông nông thôn:

* Đường huyện: xây dựng mới, cải tạo nâng cấp 37 tuyến đường, với tổng chiều dài 284km, quy mô theo quy hoạch được duyệt với tổng kinh phí 3.270 tỷ đồng. Cụ thể:

- Thành phố Vị Thanh: cải tạo, nâng cấp ĐH.1, ĐH.3, ĐH.8 với tổng chiều dài 34,9km, kinh phí khoảng 390 tỷ đồng.

- Thị xã Ngã Bảy: nâng cấp ĐH.33, ĐH.43, ĐH.44, ĐH.45 với tổng chiều dài 17,6km, kinh phí khoảng 200 tỷ đồng.

- Huyện Long Mỹ: xây dựng mới ĐH.4, ĐH.6, ĐH.11, ĐH.19 với tổng chiều dài 61km, kinh phí khoảng 750 tỷ đồng.

- Huyện Phụng Hiệp: nâng cấp, mở rộng ĐH.11, ĐH.25, ĐH.26, ĐH.27, ĐH.28, ĐH.30, ĐH.32 với tổng chiều dài 54,6km, kinh phí khoảng 620 tỷ đồng.

- Huyện Vị Thủy: nâng cấp mở rộng ĐH.16, ĐH.17, ĐH.18, ĐH.22, ĐH.23 với tổng chiều dài 29,2km, kinh phí khoảng 330 tỷ đồng.

- Huyện Châu Thành: nâng cấp, mở rồng ĐH.35, ĐH.36, ĐH.38, ĐH.41, ĐH.43, ĐH.44 với tổng chiều dài 28km, kinh phí khoảng 320 tỷ đồng.

- Huyện Châu Thành A: nâng cấp mở rộng ĐH.21, ĐH.22, ĐH.23, ĐH.24, ĐH.29, ĐH30, ĐH.35, ĐH.36 với tổng chiều dài 58,7km, kinh phí khoảng 660 tỷ đồng.

- Hệ thống giao thông nông thôn được cứng hóa với kết cấu mặt đường láng nhựa hoặc bê tông xi măng, rộng (2,5-3,5)m. Các tuyến đường trục chính được nâng cấp mở rộng đáp ứng theo tiêu chí giao thông nông thôn mới đạt cấp loại A, B. Đến năm 2020, xây dựng mới 472 km đường; duy tu, sửa chữa 250 km. Xây dựng mới 281cây cầu. Tổng kinh phí thực hiện khoảng 1.900 tỷ đồng

          e. Hệ thống đường thủy, bến bãi: Xây dựng mới 02 bến xe, 01 cảng biển, 2 cảng hàng hóa và 4 cảng chuyên dùng, đồng thời tiến hành nạo vét 08 tuyến kênh với tổng kinh phí 412 tỷ đồng. Cụ thể:

          - Nạo vét kênh Xáng Xà No (đoạn từ khu hành chính UBND tỉnh  đến cầu Cái Tư), dài 9km, kinh phí 4 tỷ đồng.

          - Nạo vét kênh Quản Lộ - Phụng Hiệp, dài 7km, kinh phí 3 tỷ đồng.

          - Nạo vét kênh Lái Hiếu, kênh KH9, kênh Nàng Mau và kênh Xáng Mới, dài 60km, kinh phí 12 tỷ đồng.

          - Nạo vét kênh 13000, kênh 10 Thước, dài 9km, kinh phí 4 tỷ đồng.

          - Xây dựng mới Bến xe Vị Thanh, quy mô 5 ha, kinh phí 50 tỷ đồng.

          - Xây dựng mới Bến xe Long Mỹ, quy mô 3 ha, kinh phí 30 tỷ đồng.

          - Xây dựng mới cảng Sông Hậu, quy mô 0,5 ha, kinh phí 87 tỷ đồng

          - Xây dựng mới cảng Vị Thanh, quy mô 0,3 ha, kinh phí 37 tỷ đồng

          - Xây dựng mới cảng Ngã Bảy, quy mô 0,3 ha, kinh phí 37 tỷ đồng

          - Xây dựng 4 cảng chuyên dùng của các nhà máy trên tuyến Sông Hậu, quy mô 0,8 ha, kinh phí 148 tỷ đồng

          2. Về vận tải, phương tiện và người lái:

- Rà soát, sắp xếp lại mạng lưới, luồng tuyến, đơn vị kinh doanh vận tải và phương tiện hoạt động tại các bến xe phù hợp với quy hoạch phát triển chung của tỉnh. Phấn đấu sản lượng vận tải mỗi năm tăng từ 8-10%. Đến năm 2020, sản lượng vận tải hàng hóa đạt 10.629.515 tấn, vận chuyển hành khách đạt 121.119.998 hành khách.

-  Kêu gọi đầu tư xây dựng 03 cơ sở đào tạo lái xe mô tô, 02 cơ sở đào tạo lái xe ô tô, 03 trung tâm sát hạch loại 3 và 01 trung tâm sát hạch loại 2 theo quy hoạch được duyệt. Đảm bảo có quy mô phù hợp, hiện đại và đạt tiêu chuẩn quy định nhằm nâng cao chất lượng đào tạo, sát hạch. Tổ chức đào tạo lái xe các hạng cho 139.496 người, cấp đổi giấy phép lái xe cơ giới đường bộ đạt 125.000 giấy các hạng.

- Mở mới các tuyến xe buýt nội tỉnh khép kín trên địa bàn và các tỉnh lân cận trong khu vực. Kêu gọi và tạo điều kiện thuận lợi cho các doanh nghiệp kinh doanh vận tải khách công cộng bằng xe taxi hoạt động; xây dựng và triển khai thực hiện tốt quy hoạch các tuyến xe khách cố định nội tỉnh nhằm đáp ứng nhu cầu đi lại của người dân.

          - Mở rộng xây dựng thêm 02 dây chuyền kiểm định của Trung tâm đăng kiểm phương tiện giao thông thủy bộ, đầu tư thay thế trang thiết bị của dây chuyển cũ đảm bảo đồng bộ, hiện đại, góp phần nâng cao chất lượng công tác đăng kiểm.

          3. Về đảm bảo trật tự an toàn giao thông:

Tiếp tục triển khai thực hiện đồng bộ, quyết liệt các giải pháp nhằm ngăn chặn có hiệu quả tình trạng vi phạm trật tự an toàn giao thông, kiềm chế và giảm thiểu tai nạn giao thông mỗi năm từ 5% trở lên. Siết chặt hoạt động kinh doanh vận tải và tăng cường công tác kiểm soát tải trọng xe, thường xuyên tuần tra, kiểm soát để kịp thời phát hiện và xử lý nghiêm những trường hợp vi phạm. Đẩy mạnh dọn dẹp, giải tỏa các trường hợp chiếm hành lang an toàn giao, tổ chức cưỡng chế những trường hợp vi phạm hành lang an toàn giao thông và buộc trả nguyên hiện trạng ban đầu.

Phát động mạnh mẽ phong trào toàn dân tham gia giữ gìn trật tự an toàn giao thông và xây dựng văn hóa giao thông đến từng phường, xã, khu dân cư.

         III. Các giải pháp thực hiện:

Để thực hiện được Kế hoạch Phát triển giao thông vận tải từ năm 2016 - 2020, cần thực hiện những giải pháp cụ thể và đồng bộ như sau:

1. Về quy hoạch:

          - Thực hiện tốt việc quản lý quy hoạch, sử dụng đất, giải tỏa lấn chiếm đất dành cho đường bộ và các tuyến đường theo phân cấp và tổ chức cắm mốc lộ giới để dễ dàng quản lý.

          - Tham mưu UBND tỉnh chỉ đạo các ngành liên quan đến hệ thống hạ tầng kỹ thuật như cấp thoát nước, thông tin liên lạc, điện lực ... có kế hoạch phối hợp thực hiện nhằm tránh tình trạng đầu tư không đồng bộ, kém hiệu quả và gây lãng phí.

          2. Giải pháp tạo vốn phát triển kết cấu hạ tầng giao thông

          - Tăng mức đầu tư cho kết cấu hạ tầng giao thông bằng ngân sách nhà nước. Đầu tư có trọng tâm, trọng điểm, tránh dàn trải; tạo bước chuyển biến rõ rệt trong việc phân bổ nguồn vốn đầu tư giữa các lĩnh vực giao thông. Tập trung vốn cho các công trình trọng điểm có tính lan tỏa, tạo sự kết nối giữa các phương thức vận tải. Đồng thời đề nghị Trung ương ưu tiên bố trí nguồn vốn trái phiếu Chính phủ, nguồn vượt thu hàng năm, nguồn vốn ODA, WB, vốn hỗ trợ có mục tiêu để đầu tư cho các dự án giao thông trọng điểm, kinh phí đầu tư lớn.

          - Huy động tối đa mọi nguồn lực, tiếp tục hoàn thiện các cơ chế chính sách nhằm thu hút vốn đầu tư từ mọi thành phần kinh tế tham gia đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng giao thông dưới nhiều hình thức như BOT, PPP.

          - Trong xây dựng giao thông nông thôn, tiếp tục thực hiện phương chăm “Nhà nước và nhân dân cùng làm”, đồng thời kêu gọi sự đóng góp của các doanh nghiệp, nhà tài trợ  kết hợp vốn đối ứng từ ngân sách .

          3. Giải pháp phát triển vận tải

          - Khuyến khích mọi thành phần kinh tế tham gia kinh doanh vận tải, dịch vụ hỗ trợ vận tải. Hỗ trợ cho các doanh nghiệp vận tải hành khách công cộng và vận tải phục vụ vùng sâu, vùng xa với các hình thức phù hợp.

          - Tăng cường công tác quản lý, kiểm tra định kỳ chất lượng phương tiện và chất lượng dịch vụ vận tải, đặc biệt là đối với vận tải hành khách.

          4. Các giải pháp về đảm bảo an toàn giao thông

          - Đẩy nhanh việc đầu tư cải tạo, nâng cấp hệ thống kết cấu hạ tầng giao thông một cách đồng bộ, đảm bảo hành lang an toàn, xử lý điểm đen trên tuyến... nhằm kiềm chế tai nạn giao thông, phấn đấu giảm số người chết vì tai nạn giao thông hàng năm.

          - Nâng cao hiệu quả công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục kết hợp với tăng cường công tác cưỡng chế thi hành pháp luật về trật tự an toàn giao thông.

          - Nâng cao chất lượng đào tạo, sát hạch và quản lý người điều khiển phương tiện giao thông; chất lượng kiểm định phương tiện cơ giới.

5. Gii pháp ứng dụng khoa học, kỹ thut:

          - Chú trng đu tư và ứng dụng tiến bkhoa học công nghtrong toàn bộ các lĩnh vc kho sát, tư vấn thiết kế đnâng cao cht lưng ca sn phẩm tư vấn và kéo dài tui thọ công trình.

          - ng dng khoa hc kthuật và công nghệ vào trong thi công công trình nhằm nâng cao cht lưng, rút ngn tiến đcông trình và đảm bảo cảnh quan môi trường; đặc biệt là nghiên cứu việc giảm vốn đầu tư, tận dụng tối đa nguyên vật liệu và nhân lực tại chỗ của địa phương.

           - Giao thông nông thôn ưu tiên sử dụng mặt đường bê tông xi măng. Thí điểm áp dụng loại vật liệu mới giá thành giảm đối với đường giao thông nông thôn.

          IV. Các kiến nghị:

          1. Kiến nghị Bộ GTVT chỉ đạo đẩy nhanh tiến độ thi công dự án mở rộng QL1 đoạn qua địa bàn tỉnh Hậu Giang. Tiếp tục cho triển khai thực hiện dự án thành phần ĐT 927 C thuộc dự án đường Nam Sông Hậu. Đồng thời xem xét đầu tư cầu Tân Phước Hưng nối đường tỉnh 928 với tuyến Quản Lộ - Phụng Hiệp tại thị trấn Búng Tàu, huyện Phụng Hiệp.

          2.  Kiến nghị UBND tỉnh bố trí đủ nguồn vốn để thực hiện theo kế hoạch, đặc biệt các công trình đã khởi công nhằm phát huy hiệu quả của dự án…Đồng thời, đề nghị UBND tỉnh kiến nghị với Chính phủ, Bộ GTVT và các Bộ ngành Trung ương một số nội dung sau:

          - Dự án đường Vị Thanh - Cần Thơ: đầu tư hoàn chỉnh 4 làn xe và đề nghị chuyển thành quốc lộ.

          - Dự án ĐT 927 (thị trấn Phụng Hiệp - ngã 3 Vĩnh Tường): sớm bố trí nguồn vốn mục tiêu quốc gia về chống biến đổi khí hậu để thực hiện dự án.

          3. Hệ thống giao thông thủy chưa được quan tâm đúng mức, hiện nay Sở GTVT chỉ quản lý về mặt Nhà nước chứ chưa được giao làm Chủ đầu tư các dự án nạo vét, mở rộng luồng lạch để đảm bảo cấp sông theo quy hoạch, do đó việc vận tải thủy gặp nhiều khó khăn. Đề nghị UBND tỉnh cho chủ trương nạo vét các tuyến kênh vận tải thủy như kênh KH9, kênh Nàng Mau, kênh Lái Hiếu... 

4. Đối với công tác giao thông nông thôn tiếp tục phát huy phương châm "Nhà nước và nhân dân cùng làm" để giảm chi phí đầu tư, tăng khối lượng thực hiện.

                                                      

Phần 3

Tổ chức thực hiện

1. Sở Giao thông vận tải chịu trách nhiệm chủ trì tổ chức triển khai thực hiện kế hoạch phát triển GTVT từ năm 2016 – 2020 cụ thể như sau:

- Định kỳ tổ chức rà soát và đề xuất trình UBND tỉnh xem xét, quyết định đầu tư các dự án cụ thể theo đúng quy định.

- Phối hợp với các ngành và các địa phương tăng cường công tác quản lý phát triển giao thông vận tải.

2. Sở GTVT phối hợp với Sở Kế hoạch và Đầu tư, Sở Tài chính các đơn vị liên quan nghiên cứu xây dựng cơ chế, chính sách tạo nguồn vốn đầu tư ngành giao thông vận tải tỉnh; tham mưu cho UBND tỉnh bố trí kinh phí hợp lý cho từng giai đoạn, từng dự án theo kế hoạch.

3. Phòng Kinh tế Hạ tầng, phòng Quản lý đô thị căn cứ theo chức năng, nhiệm vụ của đơn vị mình chủ động tham mưu UBND huyện, thị xã, thành phố tổ chức triển khai thực hiện kế hoạch này.

4. Yêu cầu các phòng, ban chuyên môn của Sở tham mưu triển khai thực hiện tốt kết hoạch  và báo cáo Giám đốc Sở những khó khăn, vướng mắc để kịp thời chỉ đạo./.


Đang online: 1
Hôm nay: 692
Đã truy cập: 1411322
You do not have the roles required to access this portlet.