Tháng 8-1952, Bộ Quốc phòng mở Hội nghị tổng kết chiến tranh du kích tại căn cứ địa Việt Bắc.
Một buổi sáng, như thường lệ, một chiến sĩ phục vụ Hội nghị xách mấy ống tre đầy nước từ dưới suối lên cho chúng tôi dùng. Tôi và anh Hoàng đón lấy một ống tre. Bỗng một ông già mặc quần đùi, áo may ô, khăn mặt nhuộm màu lá cây quàng cổ, đi lại gần hai chúng tôi. Anh Hoàng ghé sát vào tai tôi nói nhỏ:
- Bác, Bác Hồ đấy!
Chúng tôi chưa kịp chào Bác thì Bác đã hỏi:
- Nước xách lên cho các chú đánh răng rửa mặt phải không?
Không đợi chúng tôi trả lời, Bác nói:
- Không được thế! Hai chú tuổi còn thanh niên, buổi sáng chạy xuống suối rửa mặt tha hồ thoải mái, mà còn tập thể dục, như thế có hơn không?
Cả hai chúng tôi đứng lặng người. Bác nói tiếp:
- Việc gì có thể làm được hãy tự làm lấy, đừng bắt chiến sĩ vất vả vì mình, mà các chú thì không bị phụ thuộc.
Bác đi rồi, chúng tôi còn đứng nhìn theo và vô cùng thấm thía lời nhắc nhở của Bác.
Nguồn: ST
Bài học kinh nghiệm:
Qua câu chuyện tuy đơn giản nhưng lại mang đến cho chúng ta thấy được một bài học có ý nghĩa vô sùng sâu sắc. Dù là ai, ở vị trí nào thì làm việc gì cũng phải nghĩ đến mọi người, đừng vì lợi ích riêng mà xem nhẹ quyền lợi của người khác. Trong bất cứ công việc nào chúng ta cũng phải xây dựng chương trình, kế hoạch cho bản thân không trông chờ vào sự giúp đỡ của người khác; phải siêng năng, tích cực lao động, cái mình tự làm ra mới có giá trị đích thực; dù việc nhỏ hay to, phaỉ thật sự gương mẫu, thường xuyên quan tâm và nghĩ đến mọi người, đừng nên trông chờ vào sự giúp đỡ của người khác như vậy mới có thể chủ động trong công việc, tránh lệ thuộc vào người khác.