xem-chi-tiet-tin - UBND TP Vị Thanh

 

Về nhà ăn tết

Ngày 18-01-2023 - Lượt xem: 47

 

Tháng Chạp, hai mươi ba. Đường phố Cần Thơ nhộn nhịp sôi động gấp đôi ngày thường; những chiếc xe tải đủ loại chở các loại hoa ùn ùn về các khu chợ qua những đường phố, công viên được trang trí cờ, hoa rực rỡ. Thành phố như được khoác lên mình chiếc áo thanh tân để chuẩn bị đón chào một mùa xuân mới. Hai chị em tôi từ trên lầu bốn khu chung cư nhìn xuống quan sát dòng người, xe tấp nập trên đường.

            - Chị Hai ơi! Mình đi chợ hoa đi chị!

            Chị Hai không nghe tiếng tôi gọi mà dường như đang để tâm vào đôi chim sẻ ríu rít trên cây ngọc lan hoặc có lẽ đang tơ tưởng đến hình bóng một ai đó … Bỗng chuông điện thoại vang lên …  - Là mẹ. Tôi khẽ lay tay chị:

            - Chị Hai,  Mẹ gọi điện kìa!

            - Đừng nghe, em! - Chị thờ ơ đáp lại, giọng như vừa cấm cản vừa van xin.

            Tôi không dám cãi lời chị nên cứ mặc cho tiếng chuông đổ liên hồi. Suốt mười hai năm nay, chị vừa là chị, vừa là mẹ luôn thương yêu, bảo bọc tôi, vì thế, mỗi lời chị nói ra đều là mệnh lệnh!

                                       

         Lòng người ta sẽ hóa đá khi chịu quá nhiều uất ức, tủi cực! Chị tôi không phải là người con bất hiếu nếu như tuổi thơ của chị không bị nghiến nát ra dưới những lời sỉ vả, những trận roi đòn thừa sống thiếu chết. Má tôi gặp ba tôi như một định mệnh: một người con gái dong dỏng cao, da trắng, ánh mắt lúng liếng đen huyền, ánh nhìn trong vắt và dịu ngọt như một ngụm nước dừa xiêm “Mẹ mày đầu thai nhầm chỗ! - Bà ngoại tôi thường hay nói thế. Mẹ như một cô tiên được sinh ra trong gia đình nghèo xác xơ ở vùng nông thôn, ông ngoại có máu cờ bạc nên nợ nần tứ tung như chúa Chổm. Mẹ lớn lên hồn nhiên như một loài hoa dại, bám rễ từ đói nghèo, thanh lọc sự cơ cực mà vươn lên tỏa hương khoe sắc rực rỡ. Lam lũ không làm da mẹ sạm đi, đói nghèo không làm mẹ chua ngoa, mẹ dịu dàng và nhẫn nại, bao dung. Bao nhiêu anh trai làng để ý, bao nhiêu đám gần xa ngấp nghé. Tường đông ong bướm đi về mặc ai, mẹ tuyên bố sẽ không lấy chồng, ở vậy để giúp bà tôi trả nợ, chăm sóc ông bà ngoại lúc tuổi già.

            Nhưng … người tính không bằng trời tính, nếu ai cũng tính đúng bài toán đời mình thì làm gì có những bi kịch, khổ đau? Một đêm trăng sáng, mẹ mải mê mót lúa cùng đám bạn ở tận thửa ruộng cuối xóm, khi trăng dần lên cao, mọi người đã í ới gọi nhau về hết. Thấy những bông lúa sót còn nhiều, mẹ tiếc công nên cứ cặm cụi cắt cho đến khi đầy bao thì nhìn lại chỉ còn thấy cái bóng mình dưới trăng. Trăng đã lên đến đỉnh đầu, mẹ lúi húi vác bao lúa trên lưng rồi ra về, trong lòng hơi run sợ vì đường vắng vẻ Một cái bóng áo trắng bám sau lưng mẹ rồi chồm lên, bịt mắt mẹ lại tiếng la thất thanh giữa cánh đồng hoang vắng không thoát nổi đôi tay phũ phàng thô lỗ của gã trai cục mịch. Trăng xiêu vẹo, nghiêng ngả rồi nhòe đi trong đôi mắt đẫm lệ, người con gái với tâm hồn trinh bạch thanh cao ấy khóc cho tuổi mười tám vần vũ, u ám của cuộc đời mình. Trăng từ đó ngày nào cũng méo mó, u buồn như tiếng thở dài mênh mang của cuộc đời mẹ …!

            Gã trai ấy trở thành chồng mẹ trong một đám cưới não nùng, cái tên gã nghe cũng quê mùa như chính thân hình thô vụng của gã: Đận. “ Con Lan lấy thằng Đận giống như bông hoa lài cắm bãi phân trâu”; Đúng rồi! cứ như chồng cú lấy vợ tiên ấy”; Ừ, mà sao thằng đó xấu thế mà nó chịu vậy? Hình như hai đứa nó lỡ ăn cơm trước kẻng”; ... Lời thí thầm to nhỏ của bà con , chòm xóm cứ bám đuổi theo suốt hai bên đường đưa dâu như thế!. Cô dâu cứ cắm cúi đi với ánh mắt buồn thăm thẳm, nhòe lệ; thỉnh thoảng, ngoảnh nhìn lại phía sau, nơi có căn nhà lá cặp mé mương, nơi có mái tranh nhuốm màu khói bếp, nơi mình đã lớn lên như giã từ thời con gái trinh bạch! Mẹ đi, mỗi bước về nhà chồng cứ như là một bước gần hơn tới nấm mồ vô hình định sẳn của cuộc đời mình!!!

            Nhà gã Đận cũng nghèo như nhà mẹ tôi: Bà mẹ chồng vừa xấu vừa độc ác như một mụ phù thủy, cô em chồng cũng chẳng kém cạnh. Họ cứ đem chuyện giọt máu mẹ tôi đang mang trong dạ mà đay nghiến, xỉ vả; họ hành hạ mẹ, bắt làm đủ chuyện trong nhà lẫn ngoài ruộng, họ để ý từng chùm me, trái bần gã Đận đem về cho mẹ ăn khi ốm nghén thèm chua, họ dè bĩu mẹ dễ dãi có bầu trước khi về nhà chồng, sẽ mang xui rủi đến cho chồng. Ông Tư Mẫn, chủ nợ của ông ngoại tôi có một cậu con trai đang học tú tài, định khi con học xong sẽ kết sui gia với ông ngoại tôi. Ông cứ tắc lưỡi than trời trách đất vì lỡ bị hụt mất đứa con dâu đẹp người, đẹp nết khó tìm. Không phải người nghèo nào cũng đều nhân hậu, không phải người giàu nào cũng độc ác xấu xa! Mẹ lắc đầu cố xua đuổi ý nghĩ đó ra khỏi đầu óc - chuyện vợ chồng là duyên nợ làm sao cãi lại được? Đúng là nợ nhiều hơn duyên thì phải? Sau bảy tháng, mẹ trở dạ: không phải vì đứa bé sinh thiếu tháng mà là do nó bị suy dinh dưỡng nên chào đời sớm; toàn thân như một con mèo con da nhăn nheo èo uột trông phát tội. Đó là một đứa bé gái - là chị Hai của tôi. Cả nhà nội xị mặt xuống khi trông thấy đứa bé, họ trông chờ một đứa cháu trai để nối dõi tông đường, mặc dù cái tông đường ấy chẳng có gì quý giá. Một tay bà ngoại chăm sóc, xông, hơ cho con gái và cháu ngoại; nhờ giọt sữa thơm ngọt của mẹ, nhờ lời ru da diết của bà, chị Hai nhanh chóng lớn lên khỏe mạnh, bụ bẫm. Nhờ trời, chị giống mẹ như đúc, không phảng phất một nét gì của gã Đận thô thiển kia!

             Niềm khổ đau như bóng mây u ám cứ phủ xuống cuộc đời cơ cực của mẹ; ba năm sau, tôi kế tiếp ra đời, lần này mẹ được nhà nội đối xử tốt hơn vì họ tin tôi mới đích thực là cháu họ. Niềm hi vọng sưởi ấm tâm hồn mẹ cho đến cái ngày mẹ tròn con vuông; những cơn đau oằn mình tưởng như chết đi sống lại, mẹ banh da xẻ thịt để sinh ra tôi - lại là con gái. Bà nội ngoảnh mặt đi không một lời hỏi thăm, ba tôi bỏ đi nhậu với bạn bè!

“Đàn ông đi biển có đôi

Đàn bà đi biển mồ côi một mình”

            Tiếng ru con như tiếng khóc cho cuộc đời của mẹ giữa đêm khuya rét mướt, cơ cực nối tiếp cơ cực. Bà nội mất, cô Út đi lấy chồng, ba tôi trở thành ông chủ căn nhà lá chơ vơ giữa khu vườn bưởi; mấy mẹ con tôi là những người đầy tớ bị hành hạ trong những cơn say bí tỉ của ba. Chị Hai giống mẹ nên bị đày đọa nhiều nhất, tôi hao hao giống ba nhưng không có nghĩa là được cưng chiều mà chỉ được ít nhiều nhân nhượng hơn, ăn đòn ít hơn. Mới mười tuổi, chị Hai đã biết làm tất cả việc nhà: nấu cơm bằng bếp củi, phải canh lúc nào chắt nước, lúc nào để lửa than cho cơm chín, dẻo mà không bị khét. Cơm khét là cây lên đầu; giặt đồ mà lỡ làm rớt cục xà bông dưới sông là cũng cây lên đầu; lo học bài để gà bươi mấy liếp cải cũng cây lên đầu ... Nhà nghèo nên chị Hai phải giúp mẹ làm bánh rồi với xề bánh bò, bánh chuối đội trên đầu, chị đi bán từ làng trên đến xóm dưới. Ban đầu còn mắc cỡ, rụt rè nhưng nghĩ đến mẹ, đến em cùng với nỗi sợ đòn roi của ba là chị quyết tâm vượt qua.

            Không biết có phải vì bị đòn nhiều quá nên sức học của chị tôi càng ngày càng sa sút không? vừa học hết lớp bảy là chị xin với mẹ nghỉ học để ở nhà buôn bán giúp mẹ; nhờ vậy mà tôi mới được ăn học tới nơi tới chốn. Sau này tôi mới hiểu là chị phải làm quần quật cả ngày, tối về mệt nhoài rồi nên đâu có thời gian học bài, khi vào lớp chị thường ngủ gục. Nhớ lại tôi càng thương chị nhiều hơn.

            Cái Tết năm ấy tôi còn nhớ như in. Ngày ba mươi tháng Chạp, mẹ tất tả chèo ghe ra chợ Cái Răng từ ba giờ sáng để bán chục dừa, vài cặp bưởi, vài trái đu đủ, ... và sắm sửa đồ Tết cho hai chị em. Ở nhà hai chị em tôi quét dọn nhà cửa, lau bàn ghế, trưng bông hoa trên bàn thờ để chuẩn bị rước ông bà. Ba tôi đi trong xóm từ sáng - ông ấy được mời đi ăn tất niên. Đến trưa mẹ về chở theo cả cái Tết trên ghe: nào là hai chậu vạn thọ, bốn trái dưa hấu, hai ký thịt, khổ qua, bắp cải, nhang thơm ... hai bộ quần áo mới cho hai chị em.

            Cả ba mẹ con lúi húi nấu nướng rồi bày biện lên bàn thờ để chuẩn bị rước ông bà thì ba tôi về tới, nghe ông cất giọng lè nhè ngoài cổng, chị em tôi đã run lên lo sợ mỗi lần rượu vào trông ông rất dữ tợn. Mẹ khoác thêm chiếc áo bà ba rồi đứng bên bàn thờ đốt nhang lầm thầm khấn vái ông bà về ăn Tết với con cháu. Ba tôi mặt đỏ gay bước vào, co chân đá đổ hai chậu vạn thọ rồi huơ tay hất tung mâm cơm cúng. Chúng tôi sợ xanh mặt lấm la lấm lét chạy ra sau hè khóc rấm rứt, bên tai vẫn nghe lồng lộng tiếng ông:

            - Khấn vái cái gì? Sanh toàn vịt trời ông bà nào chứng giám? Hả? Hả?...

            Nắm tay của ông vung lên, mẹ hoảng sợ bỏ chạy. Những trái dưa hấu rớt bụp xuống đất chảy ra nước màu đỏ nhờ nhờ như báo hiệu điềm gở sắp đến.

            Ba tôi gục xuống bàn nức nở, tự đấm vào ngực mình: Trời ơi! Tại sao tôi không có con trai? Tại s.a.o?!?

            Tiếng khóc ứ nghẹn trên khuôn mặt đen xạm, thô kệch. Tôi lờ mờ hiểu được nỗi đau ích kỉ, gia trường của ông, tự nhiên tôi thấy ghét ông kinh khủng rồi ghét luôn cả cái bản mặt mình vì nó hao hao ... giống ông!

 
   

            Những cuộc ly hôn thường giải quyết êm đẹp chuyện của người lớn nhưng lại như một cái dầm cắm sâu vào tâm hồn của những đứa trẻ - Ba mẹ chia tay - đương nhiên là hai chị em tôi đều về đội của mẹ, căn nhà lá của bà ngoại để lại được làm nơi che nắng che mưa. Mẹ tảo tần nuôi hai đứa con khôn lớn, cho chị Hai tiếp tục đi học bổ túc văn hóa. Tưởng cuộc sống cứ thế bình yên trôi qua nhưng đúng là bài toán cuộc đời sao lắt léo éo le mà ta khó tìm ra đáp án cuối cùng. Vài tháng sau, ba tôi cưới một người đàn bà góa, bà ta có mang rồi sinh cho ông một thằng con trai. Ông trở nên hiền hậu hơn, cầu trời cho họ được như thế mãi!

            Tôi chỉ thương mẹ một thân một mình chiếc bóng, nhưng sự đời có mấy ai ngờ? Đừng tưởng dòng sông phẳng lặng mà không có sóng, sóng ngầm dưới đáy sông còn dữ dội hơn! Những đợt sóng ngầm trong lòng người đàn bà chỉ mới ba mươi lăm tuổi ấy bùng lên mạnh mẽ hơn bao giờ hết khi gặp người đồng cảm, hai trái tim cùng chung nhịp đập. Người con trai thi đậu tú tài năm xưa giờ là thầy giáo vẫn luôn âm thầm dõi theo cuộc đời mẹ tôi, người đàn ông ấy thanh cao, nhẹ nhàng, khác hẳn với gã đàn ông cục mịch - ba tôi. Người tình chưa một lời hứa hẹn ấy, cầm tay mẹ nói lời cầu hôn vào đúng ngày mùng một Tết. Bất chợt mẹ lặng người đi, đỏ bừng đôi má vì hạnh phúc đến quá bất ngờ. Nhìn sang chị em tôi, mẹ bối rối gạt tay người đàn ông ấy ra nhưng ánh mắt lại thiết tha trìu mến như một lời hứa hẹn. Chị Hai chạy vội ra sau hè òa khóc một cách tức tưởi giống như hôm ở tòa án chứng kiến ba mẹ chia tay. Chị khóc như đánh mất một viên ngọc quý giá mà chị nâng niu gìn giữ suốt mười lăm năm trời. Mẹ là những gì thiêng liêng cao quý nhất, mẹ là tất cả sự dịu dàng bao dung mà chị luôn trân trọng kính yêu. Thế mà giờ đây ... mẹ cũng đi lấy chồng bỏ chị em con sao? Mẹ ơi ...! Trên khuôn mặt nhòa lệ ấy, văng vẳng bên tai nghe câu hát ru năm nào:

“Trời mưa bong bóng phập phồng,

Mẹ đi lấy chồng....con ở...với ai?

                                     

            - Nhà này là nhà của mẹ và chồng của mẹ, chị em mình không thể ở đây được. Mình lên Cần Thơ ở, đi em! - Chị tuyên bố chắc nịch.

            Thế là hai chị em thu xếp đồ đạc, tư trang khăn gói lên Cần Thơ ở nhờ nhà người bà con. Năm ấy, tôi vừa tròn mười hai tuổi, chị mười lăm, cha thì lấy vợ, mẹ lấy chồng, họ hàng bên nội không ai ngó ngàng tới hai chị em tôi. Cũng may còn dì An - người em bà con bạn dì của mẹ, người phụ nữ hiền lành tốt bụng thấy cảnh hai chị em bơ vơ nên cho chị em tôi tá túc. Hàng ngày, sau giờ học, hai chị em ra chợ giúp dì bán trái cây; ban đầu còn bỡ ngỡ nên hay bị khách kì kèo trả giá, cân lên cân xuống hoặc khi trả tiền lại đưa thiếu. Dì không một lời trách móc mà chỉ nhỏ nhẹ dạy bảo hai chị em cách chọn trái cây ngon, cách cân, cách tính tiền hàng … một thời gian sau, mỗi khi dì bận việc chị em tôi có thể tự tin đứng bán sạp trái cây cho dì. Chị hai càng lớn càng giống má, nước da trắng ngần, đôi mắt đen láy sâu thẳm như nước hồ thu. Khách hàng như bị hút hồn bởi đôi mắt đầy mê hoặc của chị, có những anh sinh viên mua hàng xong rồi cứ nấn ná ở lại như bị chết chìm trong đôi mắt ấy.

 
   

            Ngày qua ngày nối tiếp trôi qua. Mẹ và dượng tôi vẫn thường xuyên lên thăm và góp tiền chợ cho dì An nhưng dì luôn trả lời là hai chị em tôi đã đóng góp tiền công khi phụ dì buôn bán rôi. Lần nào mẹ lên cũng chỉ mình tôi vồn vã, được mẹ chở đi chơi trong thành phố, được dượng mua cho quần áo, đồ dùng cá nhân ... còn chị Hai chỉ khẽ gật đầu chào mẹ, chào dượng rồi im lặng và tìm đủ mọi cách để tránh mặt mẹ và dượng cho đến khi hai người ra về. Rồi đến khi đêm xuống, chị lại vùi đầu vào gối khóc nức nở: “Mẹ ơi! sao mẹ nỡ bỏ đi lấy chồng? ... sao mẹ nỡ bỏ tụi con ... Mẹ ơi!”; đôi vai mỏng manh của chị rung lên như ngọn cỏ trước gió, chị đau nỗi đau như cả cuộc đời mẹ và của chị cộng lại, chị đau cho tuổi mười tám đã chịu lắm nỗi uất nghẹn, cay đắng, xót xa. Đối với chị, chữ “gia đình” có đầy đủ các thành viên đã rơi vỡ như chiếc ly thủy tinh mà người trong cuộc cố tình ném nó vào vũng đau tuyệt vọng Các người đã làm gì hỡi những người cha người mẹ kia? Tại sao tạo ra một sinh linh rồi để nó trơ trọi trên cõi đời? Các người thật ích kỷ, thật nhẫn tâm!...”. Nỗi đau dồn nén trở thành động lực để chị quyết tâm theo con đường học vấn, chị dành hết thời gian rảnh rỗi vào việc học ... học ...và học. Đến kỳ thi tú tài năm ấy chị đậu thủ khoa đồng thời trúng tuyển vào Trường Cao đẳng Y tế Cần Thơ. Nghe tin chị thi đậu, mẹ và dượng đón xe đò từ quê lên chúc mừng và đem tiền lên cho chị đóng học phí. Chị chỉ gật đầu chào lấy lệ rồi phóng lên xe máy chạy tuốt ra bờ kè sông ngồi khóc một mình ... Nhờ dì An giới thiệu, chị tìm được chỗ dạy kèm để có tiền trang trải một phần chi phí học hành, còn tiền học phí thì dì An lo liệu, dì không có con nên xem chị em tôi như những đứa con mà ông trời đã ban tặng.

Hai năm sau, tôi thi đậu vào Đại học sư phạm, vẫn vừa học vừa phụ bán hàng cho dì An lúc rảnh rỗi. Dì An rất tự hào về hai chị em tôi, gặp ai dì cũng khoe có hai cô con gái xinh đẹp và học giỏi. Năm nào Tết đến dì cũng hối thúc chị em tôi về quê ăn Tết với mẹ, dì nói mẹ tụi con thương con lắm, lần nào lên đây không gặp tụi con là mẹ cứ khóc thút thít mãi cho đến lúc về. Không năm nào chị Hai chịu về quê. Chị nói:

- Tết hả! con ở đây phụ dì bán dưa hấu trưng Tết, mấy ngày này bán đắt không kịp trở tay luôn!. Bất chợt, giọng chị chùng xuống:

            - Nhà con bây giờ đâu còn mẹ nữa mà về! ... Mẹ bây giờ đã là vợ của người ta rồi ...! Chị òa lên nức nở. Tôi nghe mũi mình cay cay. Dì An xoa xoa vai chị an ủi, đôi mắt dì cũng ngân ngấn nước.

Thế là đã mười hai năm trôi qua, chị em tôi đều đã ra trường và đều có việc làm. Sống trong tình thương và sự bảo bọc của dì An, chị em tôi đã quen xem dì như người mẹ hiền chất phác nhưng dịu dàng và nhân hậu. Một cái Tết nữa lại đến. Chị em tôi ra chợ mua bông hoa trưng Tết vừa về đến nhà thì chú đưa thư đến và trao cho tôi một phong bì bên trong có lá thư viết tay. Lạ thật! Thời buổi này công nghệ hiện đại sao lại còn có người viết thư tay?. A! a ... là thư của mẹ! Đột ngột, chị Hai giật lấy phong bì rồi chạy vội vào phòng xé lấy thư ra đọc:

Long Mỹ, ngày ... tháng...năm ...

Thương gửi hai con của mẹ!

            Gần Tết rồi, mẹ nhớ các con quá! sao lâu rồi mấy đứa không gọi điện cho mẹ? Lần nào mẹ lên các con cũng bận rộn không việc này thì cũng việc khá, khi mẹ gọi điện thì các con lại không bắt máy. Mẹ nghe dì An nói các con vẫn mạnh khỏe và ra trường đi làm nên mẹ rất mừng, cho mẹ gủi lời cám ơn dì An. Các con thành tài như hôm nay là nhờ công nuôi dưỡng và hồng phúc của dì, các con hãy xem dì như là mẹ ruột của mình. Còn mẹ, có thể xem như là không có, mẹ luôn dằn vặt mình vì vui duyên mới nên bỏ các con côi cút, bơ vơ ... mẹ biết các con rất hận mẹ và mẹ xứng đáng bị trừng phạt như vậy. Các con ơi! hãy tha thứ cho những lỗi lầm của mẹ, ai cũng có những phút yếu đuối của lòng mình. Nhưng thật sự kể từ khi gặp dượng con, mẹ mới cảm thấy được sống đúng với trái tim và hạnh phúc của chính mình. Dượng con là người tốt, dù mẹ và dượng không có với nhau đứa con nào nhưng dượng vẫn yêu thương mẹ, dành cho mẹ trọn vẹn tình nghĩa vợ chồng đúng nghĩa.

            Các con ơi! Mẹ và dượng đã về mảnh đất của ông bà ngoại, xây dựng một căn nhà mới trên nền nhà cũ để làm chỗ thờ phụng ông bà. Tết năm nào mẹ cũng mong các con về để cùng ăn Tết, dượng cũng luôn nhắc đến các con với niềm tự hào và hạnh phúc. Khu vườn bưởi nhà mình năm nay sai trĩu quả, trái nào cũng ngọt đúng giống bưởi năm roi của ông ngoại trồng ngày xưa, các con về đi, các con sẽ thích lắm đó. Ba con giờ thui thủi tội nghiệp lắm, vợ của ổng đã dẫn đứa con trai bỏ đi rồi; đứa nhỏ đó không phải là máu mủ của ba con mà là con riêng của người phụ nữ kia. Mà thôi! kể ra làm chỉ cho đau lòng thêm, mỗi người đều có số phận, ai rồi cũng sẽ phải trả giá cho chính sai lầm của mình. Đường về nhà mình gần lắm con ơi! Hãy về ăn Tết với mẹ nghen các con!”

Chị hai gục xuống úp mặt vào gối nức nở không ra tiếng ... khi ngước lên thì đã thấy dì An đứng kế tự bao giờ:

            - Về với mẹ đi hai con! Đường về nhà không còn xa nữa nếu hai con biết mở rộng lòng bao dung, mcác con trông chờ đã mười hai năm rồi, hãy về quê đi khi còn có thể!!!

Theo lời dì An thì tất cả số tiền đóng học phí và chi phí học tập từ bấy lâu của chị em tôi là do mẹ gửi lên hàng tháng, nhưng mẹ dặn dì đừng nói cho chị em tôi biết.

Nhìn cội mai trước sân nhà vửa hé những nụ vàng chúm chím như báo hiệu mùa xuân năm nay sẽ ngập tràn hạnh phúc. Chị Hai ngồi tư lự, trầm ngâm, suy nghĩ rất lâu rồi đột nhiên, lấy tay áo chậm vội nước mắt với những động tác quả quyết, hăm hở soạn đồ đạc, quần áo ào va li. Đường về nhà không phải là đường xa nhất mà chỉ có những định kiến hẹp hòi mới ngăn bước chân ta, hãy mở rộng lòng mình, hãy thương yêu những người thân thật lòng thì khoảng cách bao xa cũng sẽ được rút ngắn!

           Chuyến xe đò chiều ba mươi Tết lao vun vút băng qua những cánh đồng vàng lúa chín, những vườn cam, quýt, xoài … trĩu quả. Lâu lắm rồi chị em tôi mới được hít thở không khí quen thuộc của quê hương; con đường làng năm xưa đã được mở rộng và thay thế bằng đường nhựa phẳng lì. Tôi đưa mắt tìm ngôi nhà lá năm xưa nhưng không thấy mà chỉ thấy một ngôi nhà cấp 4 khang trang, xinh xắn. Và … Mẹ! … người mẹ thân yêu của chúng tôi trong chiếc áo bà ba quen thuộc, vẻ mặt tươi cười rạng rỡ, đang đứng chờ ... Một nỗi niềm xúc cảm rưng rưng khó tả hiện lên trong ánh mắt của tất cả mọi người, một cuộc đoàn tụ cuối năm đầy nước mắt, nước mắt vỡ òa của niềm hạnh phúc vô bờ bến:Mẹ ơi! chúng con về r.ồ.i!!! Về nhà ăn Tết với gia đình mình đây, mẹ ơi!”.

Hạt Huyền


Đang online: 2
Hôm nay: 3612
Đã truy cập: 1675035
Bạn chưa có đủ quyền truy nhập portlet này.