xem-chi-tiet-tin - UBND TP Vị Thanh

 

Trên đất Chùa Tháp (kỳ 3)

Ngày 02-02-2023 - Lượt xem: 18

      A group of animals in a field

Description automatically generated with low confidence                                                                                   

                                                                        

                                                                                            

Tháng 01/1979 …

X..U..N..G P..H..O..N..G! Tôi bật dậy khỏi công sự cùng với Đạt - lính chung tiểu đội - súng AK trên tay trong tư thế chiến đấu chạy hàng ngang lia đạn về phía trước, cùng đồng đội tiến vào phum (1) - nơi cố thủ của lính Pôn-Pốt. Tiếng các loại súng rộ lên liên hồi như pháo Tết, nhờ hỏa lực Cối của đơn vị bắn cấp tập vào trước, nên sức kháng cự của quân địch yếu dần, có dấu hiệu bỏ chạy. Chúng tôi tiến quân từ phía đồng trống vào nên rất thận trọng, thay đổi vị trí qua lại liên tục đề phòng bị bắn tỉa và súng phóng lựu B40 phản kích. Súng phóng lựu B40 hoặc B41 đều có đặc điểm là khi khai hỏa sẽ bốc lên một đám khói trắng tại vị trí bắn nên rất dễ bị phát hiện; do đó, xạ thủ phải di chuyển ngay nếu không sẽ “ăn” đủ loại đạn của đối phương. Bùng … bình! “bùng” là tiếng bắn đi, “bình” là tiểng nổ của đầu đạn khi chạm mục tiêu, sau khi nghe tiếng “bùng” thì phải chú ý; trong vòng vài mươi giây nếu nghe  hú … hú … thì đạn bay trên cao qua đầu mình, còn nếu nghe xoẹt … xoẹt … là đạn bay tầm thấp gần mình nên bất cứ giá nào cũng phải nằm mọp xuống đất, thu người lại để tránh thương vong, bởi khi đầu đạn chạm đất nổ là tất cả miểng sẽ bay về phía mục tiêu - B trưởng Hải chỉ kinh nghiệm cho tôi trong những ngày qua.

            Xoẹt … xoẹt …! Tôi vừa chạy vừa lao mình chúi xuống phía sau một ụ mối lớn, khi nhìn lên thì thấy rõ một quả đạn B40 đang xoay tít đuôi bay về hướng mình rồi rớt xuống chạm đất nảy lên theo quán tính, lại nảy lên, nảy lên … tới gần ụ mối độ chừng 10 m, tôi nằm im đứng hình, chỉ biết nhìn chăm chăm vào quả đạn đang xịt khói xoay vòng vòng mà nín thở, nhắm mắt chờ nghe tiếng “bình” với suy nghĩ thoáng qua là hai chân của mình nằm ngoài ụ mối chắc lãnh đủ !?! Một phút qua đi … tôi không tin vào mắt mình, quả đạn vẫn nằm nguyên xi không nổ; đạn bị “lép” má ơi! hú hồn hú vía!!! … Tôi vội vục một bụm nước ở cái vũng sình gần đó uống lấy uống để cho qua cơn khát trong cái nóng gay gắt mùa hè trên đất Campuchia và cũng giúp định thần lại khi vừa … “xém chết”. Đạt, đang ghì khẩu trung liên RPD xuống phía sau bờ mẫu (ruộng) cách tôi chưa tới 5 m, nãy giờ chứng kiến toàn bộ, buột miệng chửi đổng nghe loáng thoáng: “Bà nó! cái thằng này nó bắn khá thiệt, hên là đạn lép nghen chớ hông thôi là “lụm” cặp giò của ông rồi!” - “LÊN! … LÊN!” - Tiểu đội trưởng Tùng - chỉ huy tiểu đội - vừa chạy lên vừa đốc thúc, chúng tôi nhanh chóng tiến vào phum chiếm lĩnh trận địa, khắp nơi vắng lặng không một bóng người, nhà cửa, vườn tược trống trải, toang hoang, vài ba căn nhà lá còn đang cháy nham nhở; đây đó, xác bọn lính Pôn-Pốt mặc áo đen, khăn crô-ma (2) thắt ngang bụng hoặc quấn ngang cổ, nằm rải rác; tôi và Đạt dò theo vết máu trên đường để truy kích những tên lính bị thương nhưng không thấy, chắc có lẽ đồng đội chúng đã kịp chuyển đi.

                       

 

Cái nóng gay gắt của buổi trưa hè hầm hập phả xuống con đường đất đỏ chạy dài qua cánh đồng lúa lưa thưa, khô queo khô quắt. Hai bên đường xen kẽ với những bụi tre gai là cây Thốt Nốt, loài cây đặc trưng hầu như hiện diện khắp nơi trên đất nước Chùa Tháp, nhiều nhất là ở các phum, sóc khu vực nông thôn. Đại đội chúng tôi nhận lệnh hành quân theo con đường đất này tiến vào huyện lỵ, đã đi qua 2 phum, dân cư thưa thớt với vài chục nóc nhà đều là nhà sàn, không thấy dấu vết gì của cuộc giao tranh nhưng tuyệt nhiên cũng chẳng thấy một bóng người, có lẽ người dân đã di tản đi nơi khác. “Chuẩn bị chiến đấu!!!” … khẩu lệnh từ trên đầu hàng quân truyền tới … tôi và Đạt vội nhảy xuống nấp sau bờ kênh cạn dọc theo con đường, súng lăm lăm ngang tầm mắt hướng về phía trước … xa xa có một lớp bụi mù bốc lên, dấu hiệu di chuyển của một đoàn người - “Quái lạ? cái tụi này nó xăm mình hay sao mà dám chuyển quân giữa ban ngày vậy?!!” - Tôi thắc mắc nghĩ bụng, nâng súng lên ngắm rồi nín thở chờ … Vài phút sau, có khẩu lệnh “Tiếp tục hành quân! Dân di tản về, cảnh giác địch trà trộn!!!”. Tôi nhảy chồm lên bờ kênh, sửa lại bao-xe đạn, đeo súng theo tư thế chiến đấu, giữ cự ly 3 m, cùng đồng đội tiếp tục lên đường.

 

            … Đoàn người từ xa trong lớp bụi mù hiện rõ dần … phía bên trái con đường đất đỏ ngược với hướng hành quân của đơn vị. Đi đầu là một ông già mặc quần đen, áo vải đen không cài nút để lộ bộ ngực lép kẹp, da nhăn nhúm, trên đầu quấn khăn crô-ma, chân mang dép lốp, tay cầm dây dắt mũi một cặp bò miệng đang nhai rơm, kéo chiếc xe bò chở đồ đạc lỉnh kỉnh với tiếng lục lạc leng keng; tiếp sau là hơn chục chiếc xe bò như thế, trên mỗi xe có 2, 3 người hầu hết là phụ nữ lớn tuổi và trẻ con với màu da nâu sạm nắng. Phụ nữ thì vận xà-rông (3)  màu đen, trẻ con cũng quần áo đen, ngồi trên đống đồ đạc lắc lư theo nhịp xe đi, ánh mắt e dè, sợ sệt cứ nhìn chăm chăm vào những người lính Việt Nam với súng ống trên tay, ngoại trừ ông già đi đầu có vẻ như hiểu chuyện nên luôn nhe răng cười xã giao … Một con đường, hai đoàn người đi ngược chiều nhau: một bên là người dân Campuchia đang trên đường trở lại nhà sau cuộc chiến, bên kia là bộ đội Việt Nam đang hành quân trong tư thế sẳn sàng chiến đấu, bên nào cũng … dè chừng, căng mắt theo dõi động tĩnh của bên kia ??? … chỉ có những con bò là chẳng cần chú ý đến ai, miệng cứ nhai đi nhai lại và thản nhiên bước đều đặn theo những vòng bánh xe quay …!

            Khi đoàn xe bò xa dần về phía sau, căng thẳng cũng qua đi, thằng Đạt bỗng nhiên cất tiếng hát: “Tấm áo ấy bấy lâu nay con thường vẫn mặc … áo con rách thêm nên các mẹ già lại phải thức thâu đêm vá áo …” một bài hát của nhạc sĩ Nguyễn Văn Tý với giai điệu thiết tha, da diết khiến ai nghe cũng chạnh lòng - “Thấy mấy bà già đó tự nhiên nhớ má tao quá, bây giờ ở quê mình là tháng Chạp rồi … thường lúc này thì tao với ba đi dở chà, tát mương bắt cá, mấy chị em thì xúm vô lau dọn bàn thờ, sửa sang nhà cửa chuẩn bị Tết …!!!” - Đạt bỏ lửng câu nói rồi cặm cụi bước đi và hình như tôi cũng đang đồng cảm với nỗi … NHỚ NHÀ! … Tôi xốc ba-lô, sửa lại dây đeo súng rồi nối bước theo sau, rồi bắt đầu miên man dòng suy nghĩ  “… Giờ này mẹ tôi chắc đang sắp xếp lại quán xá, sai biểu mấy đứa em tôi cùng nhau dọn dẹp, trang hoàng nhà cửa, rồi đi chợ sắm sửa này nọ, mua rau, củ, quả về làm dưa kiệu, mứt dừa, mứt bí …!!!”. Thằng Đạt nói đúng, ở Việt Nam bây giờ đang trong không khí nhộn nhịp của những ngày giáp Tết và tôi đoan chắc rằng tất cả những người lính quân tình nguyện Việt Nam đang làm nghĩa vụ quốc tế trên đất nước Chùa Tháp này cũng đều có tâm trạng như chúng tôi nhưng đã hứa với lòng quyết tâm xếp lại tất cả mọi thứ để tập trung vào nhiệm vụ cao cả, vinh quang: Giúp nhân dân Campuchia đánh đuổi bè lũ Pôn-Pốt Iêng-Xary giải phóng đất nước thoát khỏi nạn diệt chủng!!!

            Đi hết con đường đất đỏ lại đến một phum hay nói đúng hơn là một xóm nhà, cũng với hàng cây Thốt Nốt và các bụi tre gai bao quanh các căn nhà sàn lợp lá tranh, mùi phân bò, rơm rạ trộn lẫn với mùi khói củi tỏa ra nồng nặc - “Có người!” - Tiểu đội trưởng khoát tay ra hiệu rồi cả tiểu đội nhanh chóng chuyển sang đội hình Tổ 3 - 3, chia làm hai mũi tiến vào, soát xét từng nhà, vườn cây, đề phòng phục kích. Thấy chúng tôi, những người phụ nữ vội bỏ công việc dang dở, kéo bọn trẻ chạy vào trốn dưới sàn nhà, tất cả đều chăm chú nhìn theo với ánh mắt sợ sệt … Kiểm tra khắp nơi chỉ thấy toàn là đàn bà và trẻ con trên dưới khoảng hai mươi người, vài người phụ nữ nói xí xô xí xào rồi khua tay cố giải thích với chúng tôi điều gì đó, mà tôi nghe được là “… Ọt miên A Pốt …” (4); vừa lúc đó có một phụ nữ lớn tuổi da sạm nắng, vẻ mặt khắc khổ trong bộ xà-rông, áo đen tiến đến gặp anh Tùng - lúc này đang đứng cạnh tôi - nói câu tiếng Việt làm tôi sững sờ: “Hổng có lính thằng Pốt ở đây đâu! Tụi nó chạy đi xa hết rồi!”. Sau một phút ngạc nhiên, anh Tùng hỏi: “Ủa, bà là người Việt Nam?” - “Má  là người Việt ở bên này mấy chục năm rồi, thấy mấy con má mới dám nói tiếng Việt, chớ tụi thằng Pốt biết là nó đập đầu má chết ngay, khổ lắm con ơi!” - bà trả lời với giọng cưng cứng của người bản địa. Bà cũng cho chúng tôi biết thêm là ở xóm này bây giờ chỉ còn phụ nữ và con nít, đàn ông hoặc đã bị giết hoặc đã theo Ăng-ka (5) cầm súng đi đánh trận hết rồi!

            Cấp trên ra lệnh cho tiểu đội tôi bố trí đội hình chốt giữ hai bên đường vào xóm, sau khi đã ổn định vị trí thì bà má lúc nãy đến gặp “Lục thum” (6) Tùng cùng với hai phụ nữ khác khiêng một nồi cơm và một chảo bằng gang đựng thịt heo kho lưng lửng nước đến cho “Coong tóp Việt Nam hốp bai” (7). Tôi được phân công cùng đi theo “thực phẩm tiếp tế” đến các chốt trực chiến; trên đường đi tôi có nêu thắc mắc nhờ bà má giải thích là ngoài việc mặc xà-rông với áo vải thô màu đen, tại sao phụ nữ và trẻ em gái đều cắt tóc ngắn ngang tai giống hệt nhau? Bà nói rất nhiều với câu chuyện đứt đầu đứt đuôi nhưng chắp nối lại tôi cũng hiểu được đại khái như sau: Chính quyền Pôn-Pốt được thành lập đến cấp cơ sở gọi là Ăng-ka, quốc hữu hóa đất đai, tư liệu sản xuất, xóa bỏ hộ gia đình, gom dân vào các khu tập thể, lao động sản xuất, sinh hoạt ăn uống, nghỉ ngủ … theo giờ giấc quy định bằng tiếng kẻng, sản phẩm làm ra nộp hết cho Ăng-ka và được cấp công cụ lao động, quần áo vải thô nhuộm toàn đen … kể cả chữa bệnh, cắt tóc … cũng được bao cấp, thực hiện đồng bộ như nhau nên tất cả mọi người đều giống nhau, nhất là phái nữ, nếu ai phản kháng lại sẽ bị xử tù lao động khổ sai hoặc xử tử. Một điều nữa sau này tôi mới biết: đó là việc kết hôn của nam nữ cũng do Ăng-ka đảm nhiệm luôn! Chính quyền lập danh sách nam nữ đến tuổi theo ngẫu nhiên rồi tổ chức cưới tập thể một lần từ vài chục đến cả trăm cặp; cưới xong cho mỗi đôi chung sống với nhau 3 ngày rồi tách ra: những người chồng đi tham gia chiến đấu, những người vợ ở lại trong các khu tập thể, lao động sản xuất … không điện thoại, điện tín, thư từ liên lạc, chỉ nghe Ăng-ka thông báo sao thì biết vậy, thế thôi!?! 

           

              (1)Phum: Thôn, ấp

              (2) Khăn crô-ma: Khăn choàng tắm có sọc ca-rô nhiều màu

              (3) Xà-rông: Trang phục Campuchia, mặc như quần

                        (4) Ọt miên A Pốt: Không có lính thằng Pốt

              (5) Ăng-ka: Chính quyền cấp xã

                  (6) Lục thum: Ông lớn

              (7) Coong tóp Việt Nam hốp bai: Bộ đội Việt Nam ăn cơm


Đang online: 3
Hôm nay: 4749
Đã truy cập: 1671237
Bạn chưa có đủ quyền truy nhập portlet này.