xem-chi-tiet-tin - UBND TP Vị Thanh

 

Tập tục người xưa qua bài vè Tết

Ngày 21-01-2023 - Lượt xem: 39

Tết Nguyên đán (Tết âm lịch) ở Việt Nam còn để lại trong kho tàng văn hóa dân gian Nam Bộ rất nhiều bài vè, các bài vè đề cập Tết có nhiều chủ đề: vè bánh mứt, vè bông hoa, vè chợ Tết, vè ăn Tết của giới giàu và người nghèo … trong số này, có một bài vè Tết nêu bật được tập tục của người xưa trong dịp xuân về. Gọi là tập tục thì có những điều tốt, nhưng cũng có những cái xấu, ôn cố tri tân, chúng ta cần giữ lại những mặt tốt, tích cực và loại bỏ đi những mặt xấu, tiêu cực để cái Tết dân gian Việt Nam vừa mang tính truyền thống, vừa có nét cách tân, nghĩa là, cùng nhau xây dựng một cái Tết truyền thống trên nền tảng của một nền văn hóa mới, vẫn đậm đà bản sắc dân tộc. Điểm qua bài vè, ta thấy có những tập tục cần được duy trì như: tục đưa ông Táo, tảo mộ, đón ông bà, mừng tuổi, vui chơi ba ngày Xuân …

Ngày Xuân (Ảnh: Tuấn Anh)

            1. Tục đưa ông Táo hàng năm được thực hiện đúng ngày Hăm Ba tháng Chạp (Hai mươi ba tháng 12 âm lịch). Ngày xưa, phần lớn gia đình nông dùng củi nấu ăn, nên cần có vật dụng là cái bếp bằng đất nung, cái bếp này, dù nắn theo kiểu nào thì cũng có ba “chiếc đầu” để đỡ xoong nồi, được dân gian nhân hóa thành “Ông Táo”. Thật ra, sự tích Táo quân hay sự tích ông Công, ông Táo là câu chuyện cảm động về tình nghĩa vợ chồng có nguồn gốc từ ba vị thần là “Thổ Địa, Thổ Công và Thổ Kỳ” của Lão giáo được Việt hóa thành câu chuyện “hai ông một bà”, bao gồm: vị thần Nhà, vị thần Đất và vị thần Bếp núc; tuy nhiên, người dân chỉ nhớ tới “Táo quân” hoặc “ông Táo”.

Chuyện kể, ngày xưa có hai vợ chồng nghèo vì buồn phiền, sinh ra cãi nhau, rồi người vợ bỏ đi, gặp phải người đàn ông khác có nghĩa nên đã kết vợ chồng. Thời gian sau, người chồng trước ân hận vì lỗi lầm mình gây ra nên đi tìm vợ, vợ cũng cảm thấy ân hận vì đã lỡ có chồng khác. Trong lúc tâm tình thì người chồng mới về, nên người vợ đưa chồng cũ ra trốn ở đống rơm, vô tình người chồng mới đốt đống rơm nên người chồng cũ chết cháy, vợ thấy vậy cũng lao vào lửa để chết theo, chồng mới cũng thương vợ nên cũng vào chết trong lửa.

Thượng Đế thấy ba người đều có nghĩa tình, nên sắc phong “Định Phúc Táo quân”, tức thần định đoạt phước đức cho gia đình, phước đức này tùy vào việc những người trong nhà làm đúng đạo lý. Và ngày 23 tháng Chạp, là ngày định kỳ hằng năm, ba vị thần Táo này sẽ cưỡi cá chép hóa rồng lên thiên đình báo cáo Ngọc Hoàng Thượng đế về những điều tốt xấu trong năm để trời định thưởng phạt. Ngày ông Táo về trời đã đi vào tiềm thức người Việt với tục lệ “Táo quân đọc sớ báo cáo Ngọc Hoàng”. Mở đầu bài vè đã ghi: “Hạ lợi bước qua, Chánh ngày Hai Ba, Lễ đưa ông Táo.

            2. Lễ tảo mộ:Hai là lễ đáo, Tảo mộ ông bà. Cổ tích bày ra, Truyền cho con cháu. Ngày này, nhắc nhớ các thế hệ sau nhớ ơn người trên, trước đã tạo cho mình có cuộc sống và sự nghiệp, ngày nay, không có mấy mộ đất có cỏ để người trẻ “tảo mộ”. Nhưng không vì thế mà được quên ngày này, vì dù sao, cũng nên ra thăm mộ phần ông bà, cha mẹ trước là tỏ lòng hiếu kính, sau để góp phần làm sạch sẽ mộ phần người thân sau một năm sương gió, cũng là việc nên làm.

            3. Rước Ông bà về cùng vui với gia đình trong những ngày chuẩn bị đón Tết là một phong tục đẹp, thể hiện lòng hiếu kính và biết ơn người xưa khi mình có những ngày vui, cuộc vui. Bài vè Tết đã nhắc nhở mọi người điều này rất rõ: “Từ ngày hai sáu, Dĩ chí ba muơi. Cá thịt tốt tươi, Ông bà tiếp rước”. Thời gian mặc định từ 26 đến 30 tháng Chạp là những ngày để tưởng nhớ ông bà, cha mẹ đã mất, còn việc cúng “cá thịt” hay “hương hoa” là tùy quan niệm tín ngưỡng, tôn giáo của mỗi nhà.

            4. Làm tuổi mẹ cha là việc hiếu đạo, theo sau lễ rước ông bà, nếu gia đình nào may mắn còn mẹ cha, đó là ba ngày chính của tháng: mồng Một, mồng Hai, mồng Ba. Trong không khí vui tươi, con trẻ dễ quên cha mẹ, cần chú ý quan tâm để tạo niềm vui cho bậc sinh thành, đó chính là việc làm thể hiện đạo lí: “Tu đâu cho bằng tu nhà. Thờ cha, kính mẹ hơn là đi tu”, mà dân gian không quên nhắc nhở. Bài vè Tết này cũng khuyên ta chu đáo:

Sơ tam chánh ngoạt,

Canh giữ thường lai.

Quần rộng áo dài,

Ăn chơi ba bữa.

Bịt khăn sắm sa,

Làm tuổi mẹ cha[1].

Đèn đốt vậy mà,

Tứ cung tứ bái[2],

Trai thi giữ đạo,

Gái phải dn lòng.

Xuân nhựt ngày đêm,

Đền chong hương đốt.”

              Hiếu kính với cha mẹ còn sống hay đã mất theo quan niệm xưa, đôi khi quá trọng hình thức: “Đèn đốt vậy mà, Tứ cung, tứ bái.” hay “Xuân nhựt ngày đêm, Đèn chong, hương đốt”. Thật ra, hình thức không phải không quan trọng, nhưng quan trọng là ở tấm lòng và nội dung của công việc thờ, kính. Vì rằng, để trá hiếu cho bậc sinh thành khi cha mẹ còn sống, quan trọng là ở việc chăm lo cho người lớn và làm vui lòng cha mẹ bằng những việc làm có ích của mình cho gia đình và xã hội, bởi cha mẹ nào, cũng muốn con cái mình thành đạt, trở thành người hữu dụng cho gia tộc, dòng họ. Còn việc sống ích kỷ, phiền lòng cha mẹ khi họ sống, đến khi họ mất thì làm giỗ linh đình, dân gian cũng đã từng phê phán: “Sống thì con chẳng cho ăn. Chết thì xôi thịt làm văn tế ruồi.”. Do vậy, việc hiếu kính mang tính hình thức nào có tình, có nghĩa chi; chỉ để lại bia miệng cho hậu thế.

Tuy nhiên, một việc làm dẫu mang tính hình thức, nhưng lại chứa đựng một nội dung hết sức sâu sắc mà người nay nên gìn giữ là việc mừng tuổi mẹ cha trong dịp Tết. Bài vè không quên nhắc nhở: “Bịt khăn sắm sa, Làm tuổi mẹ cha[3]”. Việc làm này, không chỉ tạo được không khí thân mật, ấm cúng, quây quần bên nhau của một gia đình biết kính trên, nhường dưới; chắc chắn không chỉ làm cho người lớn được vui, mà người nhỏ cũng nhận được niềm vui, từ sự chúc phúc và nhận lại bao “lì xì” lấy lộc đầu năm.

            5. Vui chơi ngày Tết là điều tất yếu, nhưng vui chơi thì cũng năm bảy đường, ba bốn cách. Vui mà không để lại hậu quả tai hại cho bản thân, gia đình, xã hội mới thật là niềm vui lâu bền, vui chỉ để thỏa mãn đam mê, dục vọng cá nhân; bất chấp đạo lý, không chỉ hại thân mà còn gieo tai tiếng xấu cho gia đình, dòng họ. Bài vè Tết, phân ra hai hạng người vui Tết: “Mấy người lớn tuổi, Chơi chỗ thảnh thơi. Mấy tay điếm đàng, Chơi theo tửu quán

Thuộc nhóm người chơi Tết thảnh thơi là người biết chăm lo làm mới cửa nhà, chưng bày hoa trái, dọn dẹp trang hoàng nhà cửa. Người xưa, chọn những câu liễn, câu đối, chữ phú quý được các thầy Nho, thầy đồ cho chữ để dán lên cửa nhà. Thú chơi chữ quả là thú chơi thanh tao, nhưng quá mê tín vào những câu chữ thì cũng là điều cần tránh. Bởi hạnh phúc gia đình do chính bàn tay của những thành viên tạo dựng, không phải dựa vào nội dung tốt đẹp của những câu, chữ chỉ mang tính ước vọng.  

Chơi bời mồng Một,

Chí nhng mồng Hai.

Liên gia trong ngoài,

Ăn mừng năm mới.

Chữ An, chữ Thới,

Dán trước hàng ba.

Phú Qui Vinh Hoa,

Dán vô trước cửa.

Tài Lợi Lộc Phước,

Dán trước hàng nhì.

Vạn trực Duy tân,

Dán vô cửa giữa.

Dán thời phải lụa,

Cột cái định tường.

Trên trang ông táo,

Đề chữ “Hiển Linh.

Lấy câu Thái Bình”,

Dán ngoài của ngõ.

Quần điều áo đ,

Quần rộng vãng lai,

Chánh ngoạt sơ khai,

Tháng Giêng duy thỉ.

Ngoài ra, không ít người sau ba ngày Tết mà tan nhà, nát cửa. Đó là hạng người chơi ngông, người có máu đỏ đen, như bài vè đã nêu: “Mấy người hết áo, Bị những bài cào. Bt kẻ mượn rào, Là người say rượu.

            Đáng phê phán hơn là bọn người “bất hảo” lừa đảo, loại “cờ gian bạc bịp”, nhưng cũng đáng chê trách cho hạng người nhẹ dạ, “máu me” vì bọn này mà làm tan nhà nát cửa, ly tán gia đình, vợ con bất hòa:

Gặp ai cũng rủ,

tụi ba que.

Ngi lại một .

Là quân xỏ lá.

Con tôm con cá,

Giống thiệt gian.

Bày ra giữa đàng.

Ai ai cũng chuộng.

Mấy tay cùng chuộng.

Cầm bạc lo loe.

Mới đặt con xe,

Xổ ra con pháo.

Thua rồi lơ láo,

Áo chẳng cài khuy.

Bước cẳng ra đi,

Cúi đầu lầm lũi.

            Cũng có những trò chơi dân gian làm vui vẻ xóm làng nên được chọn lọc duy trì, phát triển trong những dịp vui xuân. Bởi thời đại ngày nay, khi khoa học kỹ thuật chi phối con người qua những chiếc điện thoại thông minh, khiến những trẻ em nghiện máy; người lớn bên nhau không còn biết chia sẻ những gì tương thân, tương ái; mà chỉ biết mỗi người dán mắt vào một màn hình nhỏ mà đeo đuổi những niềm vui riêng tư, tâm trạng thầm kín, vô tình làm lạnh nhạt không khí vui xuân của quê hương, làng xóm:

Người nào thảnh thơi,

Thì chơi gà đá.

Em nhỏ chơi vồng bài pháo.

Mấy người cố cựu,

Đặt chuyện cười chơi.

Trồng chuối ngược đời.

Trèo lên tụt xuống.

Kẻ ăn người uống,

Bánh trái thiếu chi.

Kẻ đánh cu li,

Người chơi bông vụ.

            “Đá gà” là một thú vui dân gian, tao nhả của người xưa, đã bị một số người ngày nay làm hoen ố thành loại hình “cờ bạc”. Thiết nghĩ, nếu ta có cách kiểm soát, có hình thức tổ chức quản lý tốt qua việc đá gá, thì việc tổ chức loại hình vui chơi này sẽ giúp công chúng có được những giây phút nhìn xem “mãn nhãn”. Như hình thức kêu lô tô còn được lưu giữ hiện nay tại các tụ điểm hội chợ, mà không bị quy vào tệ nạn cờ bạc phải nghiêm cấm.

            6. Cây nêu ngày Tết cùng tệ nạn cúng kiến cầu may, đốt vàng bạc, hiện nay là không cần thiết. Bởi những hình thức, hoạt động đón xuân này, chỉ nhằm duy trì, tiếp nối tệ mê tín, dị đoan, mà người xưa vì thiếu hiểu biết đã phải chấp nhận: “Phải dùng cây trước[4], Lấy nó làm nêu.”… Hoặc:

Lễ vật bày ra,

Nhang, đèn, trà, nước.

Tiên sư giáng trước.

ng hiện vô dò.

Rượu rót liên do,

Kim ngân tiếp đốt.

Giờ này thiệt tt,

Thạnh lợi chủ gia.”

Tương truyền, thuở xưa loài quỷ lộng hành chiếm hết đất đai, ruộng vườn; loài người phải thuê đất trồng trọt ... nhưng nhờ chiếc áo treo trên ngọn tre mà dân đuổi được bọn quỷ ra biển, khi đi, quỷ xin tiên ông những ngày đầu năm được phép trở về đất liền thăm mồ mả tổ tiên. Từ đấy, để tránh cảnh dịp Tết bọn quỷ vào đất liền phá hoại, người ta dựng cây nêu trước nhà, rõ ràng, tục lệ này chỉ rặt mê tín, dị đoan; không cần gìn giữ, mặt khác, việc dựng cây nêu có thể dẫn đến nguyên nhân gây ra tai nạn. Còn việc cúng kiến cầu may, đốt giấy vàng bạc cũng không giúp ích gì cho sự thành đạt con người, chỉ tổn gây ra lãng phí, lại thêm ô nhiễm môi trường mà cần nên tránh.

Về mặt nghệ thuật, bài vè có sự liên kết vần hết sức khéo léo, khiến cho nội dung bài vè trở nên dễ nhớ, dễ thuộc, cũng dễ đi vào lòng người. Một vài đoạn gieo vần nghệ thuật, kết hợp được cả vần bằng, lẫn vần trắc, rất linh hoạt, uyển chuyển, như đoạn:

Lễ vật bày ra[5],

Nhang, đèn, trà, nước.

Tiên sư giáng trước.

ng hiện vô dò.

Rượu rót liên do,

Kim ngân tiếp đốt.

Giờ này thiệt tt

Hay:

Cầm bạc lo loe.

Mới đặt con xe,

Xổ ra con pháo.

Thua rồi lơ láo,

Áo chẳng cài khuy.

Bước cẳng ra đi

Vè là thể loại văn học dân gian, đề cập chuyện khen chê; có ca, có điệu nhờ vần làm yếu tố liên kết. Vè được viết với nhiều hình thức câu, cú khác nhau: bốn chữ, năm chữ, lục bát ... Thể loại này phổ biến trong công chúng, nhằm tạo được niềm vui, tiếng cười cho xã hội về một hiện tượng tích cực hoặc tiêu cực nào đó. Bài vè Tết được lưu truyền trong dân gian Nam Bộ, cũng nhằm ôn lại những tập tục người xưa muốn truyền lại cho con cháu, chúng ta cần gìn giữ những tập tục tốt đẹp của ông bà.

THẠCH THẢO


[1] Làm tuổi: Mừng tuổi, chúc tuổi người lớn, chú thích của người viết HCT.

[2] Tứ cung, tứ bái: Bốn vái bốn lạy, chú thích của người viết HCT.

[3] Làm tuổi: Mừng tuổi, chúc tuổi người lớn, chú thích của người viết HCT.

[4] Trước: Trúc, một loại tre cây suôn thẳng, chú thích của người viết HCT.

[5] Những chữ in đậm có sự liên kết vần, chú thích của người viết HCT.


Đang online: 2
Hôm nay: 3632
Đã truy cập: 1675055
Bạn chưa có đủ quyền truy nhập portlet này.