xem-chi-tiet-tin - UBND TP Vị Thanh

 

NÂNG CAO CHẤT LƯỢNG NGUỒN NHÂN LỰC TRONG CƠ QUAN NHÀ NƯỚC TỈNH HẬU GIANG GÓP PHẦN THỰC HIỆN NGHỊ QUYẾT ĐẠI HỘI ĐẢNG BỘ TỈNH HẬU GIANG LẦN THỨ XIV NHIỆM KỲ 2020 - 2025

Ngày 10-11-2021 - Lượt xem: 1011

 

                             TÔ THANH TÙNG

                         Giảng viên Phòng Tổ chức, hành chính, thông tin, tư liệu

Cũng như hầu hết các nước trên thế giới, Việt Nam luôn xác định nguồn nhân lực đóng vai trò quan trọng so với các nguồn lực khác trong phát triển kinh tế - xã hội và trong suốt quá trình thực hiện công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước. Là nước “đi sau” về phát triển kinh tế so với một số nước trong khu vực và trên thế giới, vì thế để rút ngắn khoảng cách và tiến tới bắt kịp với các nước phát triển, Việt Nam phải tiến hành công nghiệp hóa, hiện đại hóa và phải tranh thủ mọi tiềm lực đảm bảo “đi tắt”, “đón đầu”, vượt qua thách thức, nắm bắt thời cơ có được để phát triển kinh tế - xã hội của đất nước. Muốn làm được điều này, cần phải có nguồn nhân lực chất lượng cao, có đủ trình độ nghiên cứu, tiếp thu, vận dụng một cách sáng tạo những thành tựu khoa học, kỹ thuật, công nghệ mới nhất của nhân loại vào thực tiễn xây dựng và phát triển đất nước. Chính vì lẽ đó, trong nhiều năm qua Đảng, Nhà nước luôn coi việc phát triển, nâng cao chất lượng nguồn lực con người là quốc sách hàng đầu, trong đó có việc nâng cao chất lượng nguồn nhân lực trong cơ quan Nhà nước.

Nguồn nhân lực trong cơ quan Nhà nước bao gồm đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức được xác định là một trong những nhóm nguồn lực quan trọng trong các nhóm nguồn lực cơ bản của xã hội, đây là lực lượng tham gia hoạch định, tuyên truyền, phổ biến, triển khai đường lối của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước, là cầu nối giữa Đảng, Nhà nước với Nhân dân giúp cho Đảng, chính quyền các cấp thực hiện chức năng lãnh đạo, quản lý, điều hành các lĩnh vực của đời sống xã hội, vì thế đây được xem là một trong những thành tố quan trọng góp phần thúc đẩy kinh tế - xã hội của đất nước phát triển ổn định.

Khẳng định vị trí, vai trò của nguồn nhân lực trong cơ quan Nhà nước đối với sự phát triển của đất nước, Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng xác định “…xây dựng đội ngũ cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức, nhất là cán bộ cấp chiến lược, người đứng đầu có đủ phẩm chất, năng lực và uy tín, ngang tầm nhiệm vụ...” là một trong những định hướng quan trọng góp phần phát triển đất nước giai đoạn 2021 - 2030.

Nhận thức rõ vị trí, vai trò của nguồn nhân lực trong cơ quan Nhà nước đối với sự phát triển của các lĩnh vực đời sống kinh tế - xã hội của đất nước, trong thời gian qua tỉnh Hậu Giang đặc biệt quan tâm thực hiện tốt công tác nâng cao chất lượng nguồn nhân lực trong cơ quan Nhà nước, xác định đây là nhiệm vụ, mục tiêu quan trọng, từ đó đã ban hành nhiều nghị quyết, đề án, kế hoạch cụ thể áp dụng đối với từng nhóm đối tượng cán bộ, công chức, viên chức, qua đó đã góp phần không nhỏ trong việc nâng cao chất lượng nguồn nhân lực trong cơ quan Nhà nước của Tỉnh.

Tiếp tục khẳng định vị trí, vai trò của nguồn nhân lực nói chung và nguồn nhân lực trong cơ quan Nhà nước nói riêng, Nghị quyết Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh Hậu Giang lần thứ XIV, nhiệm kỳ 2020 - 2025 xác định cần thực hiện tốt ba nhiệm vụ đột phá quan trọng, trong đó nhấn mạnh nội dung cốt yếu nhất, nền tảng nhất trong các nhiệm vụ đột phá, đó là “…Thu hút và nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, xây dựng đội ngũ cán bộ các cấp có phẩm chất đạo đức, đủ năng lực, trình độ, tâm huyết vì sự phát triển của Tỉnh nhà, đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ trong tình hình mới”.

 Trên cơ sở đó Tỉnh ủy đã cụ thể hóa bằng chương trình hành động và lãnh, chỉ đạo cần phải xây dựng Đề án, chuyên đề về phát triển nguồn nhân lực tỉnh Hậu Giang giai đoạn 2021 - 2025, trong đó cần tập trung trọng điểm vào nhóm nguồn nhân lực trong cơ quan Nhà nước bên cạnh các nhóm nguồn nhân lực khác. Vì vậy, để thực hiện tốt việc nâng cao chất lượng nguồn nhân lực nói chung và chất lượng nguồn nhân lực trong cơ quan Nhà nước nói riêng cần phân tích, làm rõ hơn thực trạng nguồn nhân lực trong cơ quan Nhà nước hiện nay, đồng thời, xác định những yêu cầu cấp bách và xây dựng những giải pháp khả thi là mục tiêu quan trọng đặt ra hiện nay.     

Từ khi thành lập đến nay tỉnh Hậu Giang đã không ngừng thực hiện tốt việc phát huy và nâng cao chất lượng nguồn nhân lực trong cơ quan Nhà nước, qua đó nguồn nhân lực trong hệ thống cơ quan Nhà nước của tỉnh đã có những bước trưởng thành, kiện toàn, phát triển. Lực lượng cán bộ, công chức, viên chức từng bước được bổ sung, phát triển đảm bảo số lượng theo quy định, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ trong tình hình mới.

Tính đến năm 2020, tổng số cán bộ, công chức, viên chức toàn tỉnh có 17.759 người (chiến 2,44% dân số và 4,53% lực lượng lao động của tỉnh). Về cơ cấu, tổng số cán bộ, công chức, viên chức toàn tỉnh trong khối Đảng là 769 người; khối Nhà nước 16.990 người. Như vậy, qua số lượng đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức các cấp của tỉnh cho thấy Hậu Giang có nguồn nhân lực trong cơ quan Nhà nước cơ bản đảm bảo cho sự lãnh đạo, quản lý và thực hiện nhiệm vụ chính trị thông suốt, hiệu quả từ tỉnh đến cơ sở.

Chất lượng nguồn nhân lực hoạt động trong hệ thống cơ quan Nhà nước ngày càng được nâng lên, chuẩn hóa về trình độ chuyên môn, nghiệp vụ, lý luận chính trị, trình độ quản lý nhà nước từng bước đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ trong từng giai đoạn. Về trình độ chuyên môn, nghiệp vụ, tính đến năm 2020 toàn tỉnh có 1.221 sau đại học (chiếm 6,78%), 12.557 đại học (chiếm 70,7%), 3.979 cao đẳng (chiếm 22,4%). Về trình độ lý luận chính trị, tính đến năm 2020 toàn tỉnh có 1.475 cao cấp lý luận chính trị (chiếm 8,3%), 3.664 trung cấp lý luận chính trị (chiếm 20,63%) tính trên tổng số nguồn nhân lực trong cơ quan Nhà nước.

Hiện nay tỉnh cũng đang tiếp tục thực hiện chủ trương đào tạo, bồi dưỡng về chuyên môn, nghiệp vụ, lý luận chính trị đối với đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức nhằm nâng cao trình độ và kỹ năng trong thực hiện nhiệm vụ công tác, đây cũng là nguồn nhân lực chất lượng cao trong tương lai góp phần to lớn vào việc quản lý, cũng như tham gia hoạch định đường lối, chính sách thúc đẩy kinh tế - xã hội của tỉnh phát triển.

Phần lớn đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức của tỉnh tuổi đời tương đối trẻ so với các tỉnh trong khu vực, đây là một thuận lợi không nhỏ với sự năng động, không ngại khó, ngại khổ, nhiệt quyết, tiếp thu và ứng dụng tốt công nghệ thông tin trong quá trình thực hiện nhiệm vụ được giao.    

Từ thực tiễn công tác cho thấy, đại đa số đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức có bản lĩnh, lập trường chính trị vững vàng, trung thành với mục tiêu, lý tưởng của đảng, tư duy, phong cách làm việc hiệu quả, tích cực, chấp hành tốt kỷ luật, kỷ cương, lề lối làm việc, phấn đấu vươn lên, vượt qua khó khăn trong từng hoàn cảnh để hoàn thành nhiệm vụ.

Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đạt được nêu trên, nguồn nhân lực trong cơ quan Nhà nước của tỉnh Hậu Giang vẫn còn một số tồn tại, hạn chế sau:

Một là, cán bộ, công chức, viên chức của tỉnh số lượng tuy đông nhưng chưa thật sự mạnh, chất lượng chưa đồng đều, còn thiếu nhiều cán bộ có trình độ cao về chuyên môn, nghiệp vụ; đội ngũ chuyên gia giỏi, chuyên sâu về các ngành, lĩnh vực đặc thù, thế mạnh của tỉnh. Đặc biệt là các lĩnh vực nghiên cứu khoa học, kỹ thuật, công nghệ - thông tin đang thiếu chuyên gia đầu ngành.

Hai là, trình độ ngoại ngữ, tin học, kỹ năng công vụ của một số cán bộ, công chức, viên chức chưa đáp ứng được yêu cầu đặt ra trong thực hiện nhiệm vụ, nhất là cán bộ, công chức cấp cơ sở. Tỷ lệ qua đào tạo sau đại học còn hạn chế, một số trường hợp được đào tạo sau đại học chưa đúng chuyên ngành, vị trí việc làm dẫn đến cán bộ, công chức, viên chức sau khi được đào tạo chưa phát huy hết năng lực, sở trường và chuyên môn đã được đào tạo.

Ba là, một bộ phận cán bộ, công chức, viên chức thiếu tính chuyên nghiệp, khoa học, chưa quyết liệt, sáng tạo, năng động trong thực hiện nhiệm vụ, còn trông chờ, ỷ lại, thiếu tính chủ động, chưa có tinh thần trách nhiệm, ý chí phấn đấu, né tránh khi được phân công nhiệm vụ, đùn đẩy trong thực hiện công việc.

Bốn là, lực lượng cán bộ, công chức, viên chức của tỉnh còn trẻ dẫn đến kinh nghiệm trong lãnh đạo, quản lý, thực hiện nhiệm vụ chưa cao ảnh hưởng đến chất lượng thực hiện các nhiệm vụ chính trị của tỉnh. Một bộ phận cán bộ chưa thật sự tâm huyết với tỉnh, chưa xác định gắn bó lâu dài, cống hiến cho tỉnh dẫn đến tình trạng “chảy máu chất xám” còn xảy ra ở một số ngành, lĩnh vực.

Những hạn chế nêu trên xuất phát từ nhiều nguyên nhân, trong đó có một số nguyên nhân cơ bản sau:

Một là, nhận thức của một số cấp ủy, chính quyền, mặt trận và các tổ chức chính trị xã hội về vị trí, vai trò của nguồn nhân lực trong cơ quan Nhà nước chưa đầy đủ, từ đó chưa quan tâm đến công tác đào tạo, bồi dưỡng nguồn nhân lực cán bộ, công chức, viên chức cho ngành, địa phương.

Hai là, một bộ phận cán bộ, công chức, viên chức còn tư duy theo kiểu “Công vụ suốt đời” nên chậm đổi mới, ý thức tự học tập, nghiên cứu nâng cao trình độ chưa cao, chưa đổi mới phương pháp làm việc và chưa thể hiện được vai trò, trách nhiệm của bản thân đối với sự phát triển chung của tỉnh. 

Ba là, các chính sách thu hút nguồn nhân lực của tỉnh chưa đủ mạnh, hấp dẫn, việc trọng dụng nhân tài, đãi ngộ đối với cán bộ, công chức, viên chức có trình độ chuyên môn cao còn hạn chế, thiếu đồng bộ nên chưa tạo được động lực thực sự mạnh mẽ để phát huy hết tiềm năng, trí tuệ, nhiệt huyết, chưa thu hút được nguồn nhân lực chất lượng cao về tỉnh công tác. 

Bốn là, công tác cơ cấu, sắp xếp, quy hoạch đào tạo, bồi dưỡng, luân chuyển còn nhiều bất cập, việc đánh giá chất lượng, hiệu quả sau đào tạo chưa được thực hiện thường xuyên, nghiêm túc, từ đó ảnh hưởng đến chất lượng đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức của tỉnh.

Năm là, công tác kiểm tra, giám sát, đánh giá cán bộ chưa được thực hiện thường xuyên, chưa có biện pháp tối ưu khắc phục những hạn chế yếu kém một cách có hiệu quả.

Nhằm phát huy những thành quả có được, khắc phục những tồn tại, hạn chế và nâng cao chất lượng nguồn nhân lực trong cơ quan Nhà nước cần thực hiện đồng bộ các giải pháp như sau:

Một là, nâng cao nhận thức của một số cấp ủy Đảng, chính quyền, mặt trận và các tổ chức chính trị xã hội về vị trí, vai trò của nguồn nhân lực trong cơ quan Nhà nước qua đó quan tâm nhiều hơn đến công tác đào tạo, bồi dưỡng nguồn nhân lực cán bộ, công chức, viên chức cho ngành, địa phương từ tỉnh đến cơ sở.

Hai là, đa dạng các phương thức, hình thức, nâng cao chất lượng công tác tuyển dụng, tuyển chọn cán bộ. Đảm bảo theo hướng công khai, minh bạch, khách quan, công bằng, dân chủ và tính cạnh tranh trong tuyển dụng, tuyển chọn. Đối với các chức danh lãnh đạo, quản lý cần thực hiện việc tổ chức thi tuyển. Đối với công tác tuyển dụng tiếp tục thực hiện tốt công khai nhu cầu, số lượng và chức danh cần tuyển dụng, điều kiện, thủ tục, quy trình dự tuyển trên các phương tiện truyền thông đại chúng, qua đó thu hút những nguồn nhân lực giỏi có trình độ chuyên môn phù hợp với vị trí dự tuyển tham gia, góp phần nâng cao chất lượng đầu vào của đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức.

Ba là, chủ động rà soát, đánh giá chất lượng và xây dựng kế hoạch sắp xếp đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức phù hợp vị trí việc làm. Từng cơ quan, đơn vị, ngành, lĩnh vực, địa phương tổ chức thực hiện rà soát, đánh giá, sắp xếp và cơ cấu lại đội ngũ cán bộ theo từng vị trí việc làm, khung năng lực, đảm bảo đúng người, đúng việc, tinh giảm, gọn nhẹ đảm bảo chất lượng, cơ cấu, số lượng. Việc sắp xếp, sử dụng cán bộ, công chức, viên chức phải đúng với chuyên ngành, chuyên môn, lĩnh vực được đào tạo. Trong bố trí, sắp xếp phải kết hợp linh hoạt, hài hòa giữa đội ngũ trẻ và lớn tuổi nhằm đảm bảo tính kế thừa, liên tục.

Bốn là, đẩy mạnh và đổi mới công tác đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, công chức, viên chức gắn với quy hoạch vị trí việc làm, chú trọng công tác đào tạo sau đại học, nâng cao trình độ ngoại ngữ, tin học, ứng dụng công nghệ thông tin. Đào tạo, bồi dưỡng phải được thực hiện thường xuyên và theo kế hoạch đào tạo của đơn vị, tuy nhiên việc đào tạo, bồi dưỡng phải căn cứ vào nhu cầu công việc, vị trí việc làm đang cần thiết tại đơn vị. Chuyên môn đào tạo, bồi dưỡng cần phải dựa trên nhu cầu và chức danh, vị trí công tác thực tế nhằm đảm bảo sau quá trình đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, công chức, viên chức sẽ áp dụng kiến thức chuyên môn được đào tạo, bồi dưỡng vào việc giải quyết các nhiệm vụ cụ thể tại địa phương, đơn vị, ngành, lĩnh vực mình đang công tác.

Năm là, thực hiện tốt và đổi mới công tác luân chuyển cán bộ lãnh đạo, quản lý trong cơ quan Nhà nước theo hướng mở rộng đối tượng, đa dạng vị trí công tác, linh động về mặt thời gian, qua đó rèn luyện năng lực thực tiễn, nâng cao kiến thức thực tế ở các lĩnh vực, ngành, đơn vị, địa phương trong tỉnh, việc lựa chọn cán bộ để luân chuyển phải đảm bảo nguyên tắc kỹ lưỡng, thận trọng, dựa trên cơ sở trình độ chuyên môn, nghiệp vụ được đào tạo và khả năng phù hợp với vị trí, nhiệm vụ mới được đảm trách.

Sáu là, tăng cường công tác đánh giá, kiểm tra, giám sát về năng lực chuyên môn, đạo đức, tác phong, phong cách làm việc của cán bộ, công chức, viên chức trong quá trình thực hiện nhiệm vụ. Việc kiểm tra, đánh giá cần được thực hiện xuyên suốt ở các thời điểm như trước khi giao việc, trong thời gian thực hiện nhiệm vụ và sau khi thực hiện nhiệm vụ. Có cơ chế động viên, khen thưởng kịp thời những cán bộ, công chức, viên chức có thành tích xuất sắc, gương điển hình tiên tiến trong thực hiện nhiệm vụ công tác. Tạo môi trường làm việc thoải mái, dân chủ, đoàn kết, phát huy trí tuệ tập thể.

Bảy là, thực hiện tốt các chính sách trọng dụng, thu hút, đãi ngộ đối với người có trình độ cao, chuyên môn sâu, các chuyên gia trên các lĩnh vực khoa học, công nghệ thông tin và nhóm ngành ứng dụng công nghệ cao… Tiếp tục hoàn thiện các chính sách thu hút, tạo nguồn cán bộ từ nguồn sinh viên tốt nghiệp xuất sắc, cán bộ khoa học trẻ có triển vọng. Tạo điều kiện về thời gian, kinh phí để đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức được học tập nâng cao trình độ chuyên môn, nghiệp vụ, lý luận chính trị, có định mức thưởng, phụ cấp thỏa đáng tương xứng để cán bộ, công chức, viên chức yên tâm công tác, qua đó tạo thêm động lực cho đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức ra sức sáng tạo, cống hiến, nhiệt huyết đối với tỉnh, khắc phục tình trạng “Chảy máu chất xám”.

Tám là, đẩy mạnh việc tăng cường hợp tác với các cơ sở đào tạo trong nước và ngoài nước, đặc biệt là những trường có uy tín, chất lượng cao, ngành nghề phù hợp để cử cán bộ, công chức, viên chức tham gia các khóa đào tạo, bồi dưỡng theo nhu cầu phát triển nguồn nhân lực của Tỉnh.

Tỉnh Hậu Giang đang tiếp tục nỗ lực trong quá trình phát triển kinh tế - xã hội. Việc huy động và phát huy tất cả nguồn nhân lực trong cơ quan Nhà nước là một trong những đòi hỏi tất yếu vì đây không chỉ là lực lượng thực hiện chức năng lãnh đạo, quản lý, điều hành trực tiếp mọi mặt đời sống xã hội, mà còn có chức năng hoạch định và triển khai các chính sách phát triển của tỉnh trên các lĩnh vực của đời sống xã hội. Do đó việc nâng cao chất lượng nguồn nhân lực trong cơ quan Nhà nước là một nhiệm vụ hết sức quan trọng và thường xuyên. Vì vậy, trong thời gian tới cần tiếp tục thực hiện đồng bộ các giải pháp nhằm tiếp tục phát huy những thành tựu đạt được và khắc phục những tồn tại, hạn chế đối với nguồn nhân lực trong cơ quan Nhà nước của tỉnh.

 

Đang online: 2
Hôm nay: 3045
Đã truy cập: 1662521
Bạn chưa có đủ quyền truy nhập portlet này.