xem-chi-tiet-tin - UBND TP Vị Thanh

 

NÂNG CAO CHẤT LƯỢNG GIẢNG DẠY TRỰC TUYẾN HỌC PHẦN TƯ TƯỞNG HỒ CHÍ MINH

Ngày 27-09-2021 - Lượt xem: 10

 

Ths. Nguyễn Thị Hiền

Khoa Lý luận cơ sở

Hiện nay, tình hình dịch bệnh ở tỉnh Hậu Giang cơ bản đã được kiểm soát nhưng nguy cơ bùng phát rất cao. Để đảm bảo vừa thực hiện nhiệm vụ phòng, chống dịch Covid-19, vừa đảm bảo thực hiện nhiệm vụ đào tạo, bồi dưỡng, Trường Chính trị tỉnh Hậu Giang chuyển sang hình thức dạy và học trực tuyến nhằm đáp ứng yêu cầu tình hình mới.

Thực hiện Quy định số 2075 -QĐ/TU, ngày 06 tháng 8 năm 2019 của Tỉnh ủy Hậu Giang quy định chức năng, nhiệm vụ, tổ chức bộ máy Trường Chính trị tỉnh Hậu Giang; Thực hiện Công văn 494 - CV/HVCTQG về tổ chức, đào tạo bồi dưỡng trực tuyến tại các Trường Chính trị cấp tỉnh; Thông báo số 173 -TB/VPTU, ngày 27 tháng 7 năm 2021 của Văn phòng Tỉnh ủy Hậu Giang về thông báo kết luận của Thường trực Tỉnh ủy thống nhất cho Trường Chính trị tỉnh triển khai hình thức học trực tuyến, Trường Chính trị tỉnh Hậu Giang ban hành Quyết định 267- QĐ/TCT, ngày 05 tháng 8 năm 2021 về việc Ban hành Quy chế đào tạo, bồi dưỡng trực tuyến. Tính đến nay, Trường Chính trị tỉnh Hậu Giang đã tiến hành dạy và học trực tuyến 14 lớp Trung cấp Lý luận chính trị, 02 lớp Bồi dưỡng kiến thức quản lý nhà nước ngạch chuyên viên.

 Bất kỳ một phương pháp dạy học nào cũng có những ưu thế và hạn chế nhất định. Phương pháp dạy học trực tuyến cũng thế. Đặc biệt, đối với từng phần học ngoài những thuận lợi, khó khăn chung thì còn có những thuận lợi, khó khăn riêng. Là người trực tiếp tham gia giảng dạy học phần Tư tưởng Hồ Chí Minh, qua thời gian giảng dạy, dự giờ của đồng nghiệp thông qua hình thức trực tuyến   bản thân nhận thấy ngoài những thuận lợi, khó khăn chung của hình thức dạy và học trực tuyến, học phần Tư tưởng Hồ Chí Minh còn có những thuận lợi khó khăn đặc thù.

1. Về thuận lợi và khó khăn chung của hình thức dạy và học trực tuyến

Về thuận lợi: Thứ nhất, dạy và học trực tuyến: tiết kiệm thời gian, chi phí đi lại cho cả giảng viên và học viên. Vì có những lớp mở tại các huyện, giảng viên phải di chuyển xuống huyện để giảng bài. Đối với các lớp hệ tập trung, học viên ở các huyện phải di chuyển đến Trường để học; Thứ hai, không giới hạn về không gian. Nếu như học trực tiếp, buộc học viên và giảng viên phải đến lớp, hội trường để dạy và học. Đối với hình thức trực tuyến, cả giáo viên và học viên có thể thực hiện nhiệm vụ tại nhà, tại cơ quan, hoặc ở nơi đâu có thể đảm bảo hiệu quả trong thực hiện nhiệm vụ; Thứ ba, giảng viên đầu tư nhiều vào soạn giảng nên bài giảng đẹp, phù hợp với hình thức dạy trực tuyến, có kèm hình ảnh, video… tạo sự hứng thú cho người học.

Về hạn chế: ngoài những thuận lợi trên, trong quá trình thực hiện dạy và học trực tuyến có những hạn chế sau:

Hạn chế từ người học: Thứ nhất, về cơ sở vật chất, kỹ thuật. Học viên khi tham gia thực hiện học trực tuyến đều phải trang bị cho mình laptop, đường truyền để đáp ứng yêu cầu học tập. Tuy nhiên, vẫn còn một số học viên gặp khó khăn vì đường truyền không ổn định, máy tính bàn không hỗ trợ webcam, không sử dụng microphone nên gặp khó khăn trong tương tác với giảng viên. Một số học viên sử dụng điện thoại di động, pin không đảm bảo nên vừa học vừa sạc, rất nguy hiểm…; Thứ hai, đa số học viên quen với cách học truyền thống nên vẫn còn tình trạng chưa thông thạo trong sử dụng công nghệ đặc biệt là học viên lớn tuổi; Thứ ba, nhiều học viên học với tinh thần đối phó, thiếu chủ động, thiếu động lực học tập, thậm chí vừa học vừa làm việc nên ảnh hưởng đến hiệu quả học tập; Thứ tư, một số học viên có cho rằng tư tưởng Hồ Chí Minh quá quen thuộc, nhiều tài liệu viết, giáo trình đọc dễ hiểu, dễ tiếp cận nên thiếu tập trung trong học tập nên khi tương tác với giảng viên không nắm được vấn đề, dẫn đến   bài thu hoạch không đạt yêu cầu hoặc đạt nhưng kết quả không cao.

Hạn chế từ giảng viên: Thứ nhất, đôi lúc giọng nói giảng viên còn đều đều, thiếu điểm nhấn vì vậy dễ gây nhàm chán, mệt mỏi, căng thẳng đối với người học. Do dạy trực tuyến, giảng viên sử dụng phương pháp thuyết trình là chủ yếu; Thứ hai, dạy học trực tuyến ngoài việc giỏi về chuyên môn, kỹ năng sư phạm tốt, giảng viên cần phải thông thạo trong sử dụng phần mềm, đặc biệt phải đảm bảo đường truyền; Thứ ba, còn một số nội dung giảng viên chưa đầu tư nhiều thời gian cho giáo án nên còn tình trạng slide chiếu quá nhiều chữ, chữ mờ, chữ nhỏ… dễ gây nhàm chán của người học; Thứ tư, học trực tuyến nên đa số học viên đều tắt camera và microphone nên việc học viên làm việc riêng trong giờ học, giảng viên rất khó quản lý; Thứ năm, một số học viên học với tinh thần đối phó, thiếu chủ động, ngại phát biểu, ra vào phòng học thường xuyên, bật microphone thường xuyên… làm ảnh hưởng đến việc giảng viên truyền cảm hứng đến người học.

Ngoài những thuận lợi, khó khăn chung của hình thức dạy và học trực tuyến, học phần Tư tưởng Hồ Chí Minh còn có những thuận lợi, khó khăn đặc thù như sau:

2. Những thuận lợi, khó khăn đặc thù trong dạy và học trực tuyến đối với học phần Tư tưởng Hồ Chí Minh

Thuận lợi: Thứ nhất, tư tưởng Hồ Chí Minh là học phần rất quen thuộc đối với học viên vì chúng ta đã đưa học phần này vào hệ thống giảng dạy ở Trường Đảng từ năm 1992, ở các Trường Đại học, Cao đẳng từ năm học 2003- 2004, các lớp bồi dưỡng kết nạp Đảng, lớp đảng viên mới, bài học lý luận chính trị cho thanh niên, sơ cấp lý luận chính trị, bồi dưỡng chính trị hè cho giáo viên…, kể cả đã đưa vào hệ thống giáo dục các cấp theo hình thức sinh hoạt chuyên đề, cuộc thi kể chuyện về Bác… Đặc biệt, chúng ta đã thực hiện Chỉ thị 06 -CT/BCT về tổ chức cuộc vận động “Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh” ngày 07 tháng 11 năm 2006. Từ đó đến nay, hằng năm Bộ Chính trị đều có một chủ đề cụ thể để toàn Đảng, toàn dân học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh. Vì vậy, có thể khẳng định rằng tất cả học viên đều ít nhiều hiểu biết về cuộc đời, tư tưởng, sự nghiệp cách mạng của Hồ Chí Minh. Đây chính là một thuận lợi nổi trội của học phần Tư tưởng Hồ Chí Minh so với các học phần khác trong chương trình. Đặc biệt so với học phần còn lại do Khoa Lý luận Cơ sở phụ trách: Những vấn đề cơ bản của chủ nghĩa Mác - Lênin. Với thuận lợi trên, trong giảng dạy trực tuyến học phần Tư tưởng Hồ Chí Minh, giảng viên có thể áp dụng phương pháp dạy học tích cực thành công. Thứ hai, học viên tích cực trao đổi trong giờ học vì họ đã có kiến thức nhất định về cuộc đời, sự nghiệp, tư tưởng Hồ Chí Minh. Đặc biệt tất cả học viên đều yêu kính, tôn trọng và luôn tự hào về Chủ tịch Hồ Chí Minh nên khi giảng viên truyền tải những nội dung về cuộc đời, sự nghiệp của Hồ Chí Minh luôn thu hút học viên chú ý lắng nghe.

Bên cạnh những thuận lợi, dạy và học trực tuyến học phần Tư tưởng Hồ Chí Minh có những khó khăn: thứ nhất, nếu các học phần khác người giảng viên chỉ cần dạy cho kiến thức, kỹ năng để học viên áp dụng vào thực tiễn công tác. Học phần Tư tưởng Hồ Chí Minh, đòi hỏi giảng viên cần có kiến thức chuyên sâu về tư tưởng Hồ Chí Minh, phải có phương pháp giảng dạy khoa học; phải là tấm gương rèn luyện về tư tưởng đạo đức, phải tâm huyết, phải dẫn giải những mẫu chuyện về cuộc đời của Hồ Chí Minh gắn với từng đối tượng học viên, gắn với từng nội dung cụ thể của từng bài học. Bởi từ kiến thức, giảng viên có nhiệm vụ “truyền lửa” để học viên biến những kiến thức thành tình cảm cách mạng, hành động cách mạng. Vì vậy, có thể nói học phần Tư tưởng Hồ Chí Minh không chỉ dạy kiến thức mà còn dạy người. Giảng viên phải làm cho học viên học và làm theo Bác từ những việc nhỏ nhất, đơn giản nhất, gần gũi nhất, dễ làm nhất…Để thực hiện tốt nội dung này, dạy và học trực tiếp đã khó, dạy và học trực tuyến lại càng khó hơn. Bởi dạy trực tuyến sự giao tiếp giữa học viên và giảng viên bị hạn chế rất nhiều so với trực tiếp. Thứ hai, hiện nay, nguồn thông tin về cuộc đời, sự nghiệp, về tư tưởng của Hồ Chí Minh dễ tìm kiếm, dễ cập nhật trên báo, đài, đặc biệt trên báo mạng. Nên dẫn đến tâm lý chủ quan của người học, dễ tìm được nguồn tài liệu, thông tin trên mạng. Bên cạnh đó, những thông tin không chính thống của các thế lực thù địch đang thực hiện tấn công vào “nền tảng tư tưởng của Đảng” theo các hình thức bôi đen sự thật, trắng trợn xuyên tạc, vu cáo tiểu sử, sự nghiệp, tư tưởng Hồ Chí Minh nhằm hạ bệ thần tượng mà còn xuyên tạc và phủ nhận tư tưởng Hồ Chí Minh khi cho rằng tư tưởng Hồ Chí Minh là lý thuyết, giáo điều, sao chép, máy móc chủ nghĩa Mác - Lênin đã lỗi thời, không phù hợp với thực tiễn Việt Nam hiện nay… nếu học viên không có kiến thức chắc chắn sẽ dễ hoang mang, hoặc sai lệch trong nhận thức…

3. Gợi ý một số giải pháp cơ bản nâng cao chất lượng dạy học trực tuyến học phần Tư tưởng Hồ Chí Minh

Tư tưởng Hồ Chí Minh là nền tảng tư tưởng của Đảng, đặc biệt nhằm thực hiện Nghị quyết số 35 - NQ/TW ngày 22/10/2019 của Bộ Chính trị khoá XII "Về bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, thù địch trong tình hình mới", nhiệm vụ của giảng viên trong giảng dạy tư tưởng Hồ Chí Minh là rất quan trọng, trách nhiệm nặng nề. Vì vậy, trong và sau giảng dạy, giảng viên phải giúp học viên định hướng tư tưởng, hành động, tin yêu, tự hào về Bác và quyết tâm làm theo từ việc nhỏ nhất trong đời sống hằng ngày đến thực hiện nhiệm vụ chính trị. Đặc biệt, học viên rèn luyện kỹ năng tuyên truyền, đấu tranh chống lại các luận điệu xuyên tạc về cuộc đời, sự nghiệp cách mạng, tư tưởng, đạo đức, phong cách của Chủ tịch Hồ Chí Minh.

Giải pháp từ phía học viên: học viên phải nâng cao nhận thức về tầm quan trọng của học phần tư tưởng Hồ Chí Minh. Từ đó, có thái độ đúng đắn, động cơ học tập, điều chỉnh thái độ, hành vi trong học tập: tích cực tham gia phát biểu, thảo luận, tự giác nghiên cứu tài liệu… Học xong học phần này, học viên tự thấy trách nhiệm của bản thân trong thực hiện Nghị quyết 35- NQ/TW. Đồng thời phải nâng cao nhận thức, đẩy mạnh việc học tập và làm theo tư tưởng đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh. Đồng thời, phải thật sự là tấm gương sáng góp phần làm cho tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh thật sự trở thành nền tảng tinh thần vững chắc trong Đảng và trong xã hội; trở thành nhu cầu tự thân, nền nếp của mỗi địa phương, cơ quan, đơn vị và của từng cá nhân. Từ đó, củng cố, tăng cường niềm tin của nhân dân đối với Đảng, đối với công cuộc đổi mới ở nước ta.

Giải pháp từ phía giảng viên: để thực hiện thành công việc “truyền lửa” cho học viên khi kết thúc học phần Tư tưởng Hồ Chí Minh thông qua hình thức dạy trực tuyến, giảng viên cần: Thứ nhất, để thu hút người học, giảng viên cần điều chỉnh giọng nói trong dạy trực tuyến. Bởi giọng nói là yếu tố quan trọng trong dạy trực tuyến, đặc biệt giảng dạy tư tưởng Hồ Chí Minh. Khi khẳng định tư tưởng của Hồ Chí Minh đòi hỏi giọng của giảng viên phải chắc chắn; nói về cuộc đời, sự hy sinh, vì nước, vì dân của Bác phải ấm áp, truyền cảm, tự hào để thấy sự cống hiến của Người, từ đó học viên thêm tin yêu, tự hào và làm theo Bác; khi truyền thông điệp gương sáng trong học và làm theo Bác giọng phải trong sáng, hô hào; khi truyền thông điệp, định hướng trong hành động phải to, rõ; đấu tranh chống xuyên tạc phải mạnh mẽ, đanh thép…Thứ hai, giảng viên phải đầu tư bài giảng gọn, đẹp theo hình thức sơ đồ hóa, chèn hình ảnh, video… về cuộc đời, sự nghiệp cách mạng của Hồ Chí Minh, nhận định của Đảng, các vị lãnh tụ,… về những tấm gương, mô hình trong học tập và làm theo Bác  phù hợp với đối tượng người học. Thứ ba, ngoài việc không ngừng học tập, nghiên cứu về tư tưởng Hồ Chí Minh, giảng viên phải không ngừng rèn luyện tu dưỡng đạo đức để thật sự là một tấm gương về đạo đức, và luôn thực hành đạo đức thông qua các kỹ năng xử lý tình huống sư phạm, thông qua giao tiếp, trao đổi với học viên trong quá trình dạy và học trực tuyến. Thứ tư, do nguồn tài liệu phong phú, hình thức chống phá của các thế lực thù địch về Hồ Chí Minh rất đa dạng… Vì vậy, giảng viên phải định hướng nguồn tài liệu tham khảo cho học viên. Ngoài ra, giảng viên phải là người giúp học viên định hướng, nhận diện, đấu tranh chống các luận điệu xuyên tạc của kẻ thù nhằm thực hiện thắng lợi Nghị quyết 35-NQ/TW.

Có thể nói, trong tình hình dịch bệnh như hiện nay, việc chuyển đổi hình thức học nhằm thực hiện “nhiệm vụ kép” là cần thiết. Vì vậy, để việc dạy và học trực tuyến học phần Tư tưởng Hồ Chí Minh đạt hiệu quả, đạt mục đích, yêu cầu đặt ra đòi hỏi sự nỗ lực của cả hai phía giảng viên và học viên. Bên cạnh đó, giảng viên cần thực hiện tốt sự phối hợp với các đơn vị có liên quan. Thực hiện tốt những nội dung trên, tin chắc rằng, mặc dù chuyển đổi hình thức nhưng chất lượng, hiệu quả sẽ không đổi mà ngày càng nâng lên trong thời gian tới. Và chúng ta có thể tự tin rằng, với hình thức dạy và học nào, chỉ cần cố gắng khắc phục những khó khăn, hạn chế, chúng ta nhất định sẽ thực hiện tốt nhiệm vụ “truyền lửa” trong mỗi giờ giảng.

* Để xem thêm chi tiết, tải về tại đây
1. Bài viết của Hiền ( chính thức ngày 27-9).doc_20210927143623.doc

Đang online: 7
Hôm nay: 1953
Đã truy cập: 1623461
Bạn chưa có đủ quyền truy nhập portlet này.