Mỹ Ngọc
Nhằm mục đích tập trung đẩy mạnh triển khai toàn diện, đồng bộ, có hiệu quả Chương trình tổng thể cải cách hành chính giai đoạn 2021 - 2030 của Chính phủ; Kế hoạch tổng thể cải cách hành chính nhà nước tỉnh Hậu Giang giai đoạn 2021 - 2030, ngày 23/12/2022 UBND tỉnh Hậu Giang ban hành Kế hoạch số 217/KH-UBND cải cách hành chính tỉnh Hậu Giang năm 2023.
Mục tiêu của Kế hoạch là nâng cao cải cách thủ tục hành chính, xây dựng chính quyền điện tử, chính quyền số nâng cao chất lượng cung cấp dịch vụ công, đẩy mạnh nghiên cứu, triển khai áp dụng thí điểm các sang kiến, mô hình cải cách mới và các giải pháp có tính đột phá để nâng cao hiệu quả, tạo chuyển biến rõ nét trong thực hiện cải cách hành chính và chuyển đổi số tại địa phương. Nhân rộng việc áp dụng các sáng kiến, mô hình, giải pháp thiết thực, có hiệu quả cao, góp phần nâng cao Chỉ số cải cách hành chính, Chỉ số hài long của người dân, tổ chức đối với sự phục vụ của cơ quan hành chính nhà nước tỉnh Hậu Giang; Tiếp tục thực hiện sắp xếp tổ chức bộ máy tinh gọn, hiệu lực, hiệu quả; tăng cường kỷ luật, kỷ cương hành chính và đạo đức công vụ, xây dựng đội ngũ cán bộ, công chức có trình độ, năng lực, tính chuyên nghiệp trong thực thi công vụ, nhất là công chức trực tiếp giải quyết thủ tục hành chính; Xây dựng nền hành chính hiện đại, chuyên nghiệp, công khai, minh bạch, phục vụ nhân dân, triển khai có hiệu quả và hoàn thành chỉ tiêu năm 2023 của Kế hoạch tổng thể CCHC tỉnh giai đoạn 2021 - 2030.
Để đạt mục tiêu đề ra, UBND tỉnh yêu cầu các sở, ban, ngành, các huyện, thị xã, thành phố tiếp tục xác định cải cách hành chính và chuyển đổi số là nhiệm vụ trọng tâm, thường xuyên trên cơ sở tình hình thực tế của cơ quan, đơn vị, địa phương để triển khai thực hiện, gắn với các chỉ tiêu, nhiệm vụ kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội ở địa phương, đơn vị mình; Xác định rõ trách nhiệm người đứng đầu trong việc triển khai, tổ chức thực hiện các nhiệm vụ cải cách hành chính và chuyển đổi số tại các cơ quan, đơn vị; Phải thực hiện đồng bộ, có trọng tâm, trọng điểm, cụ thể hóa các nhiệm vụ, giải pháp đảm bảo hoàn thành nhiệm vụ đúng tiến độ, có chất lượng và hiệu quả các nội dung cải cách hành chính; lấy sự hài lòng của người dân và tổ chức làm thước đo đánh giá chất lượng, hiệu quả hoạt động của cơ quan hành chính Nhà nước; phải nâng cao kỷ luật, kỷ cương hành chính, tăng cường công tác kiểm tra, đôn đốc, theo dõi, đánh giá việc triển khai thực hiện các nhiệm vụ cải cách hành chính tại các cơ quan, đơn vị, địa phương.
Năm 2023, toàn tỉnh sẽ đẩy mạnh thực hiện 7 nhóm giải pháp gồm: Chỉ đạo, điều hành cải cách hành chính; cải cách thể chế; cải cách thủ tục hành chính; cải cách tổ chức bộ máy; cải cách công vụ; cải cách tài chính công; xây dựng và phát triển chính quyền điện tử, chính quyền số để hoàn thành 6 nhóm nhiệm vụ gồm: Rà soát, ban hành văn bản quy phạm pháp luật thuộc thẩm quyền của HĐND tỉnh và UBND tỉnh ban hành đảm bảo kịp thời, đúng quy định của pháp luật, sự thay đổi của các văn bản quy phạm pháp luật của Trung ương và phù hợp với tình hình thực tế tại địa phương. Nâng cao chất lượng giải quyết thủ tục hành chính, hướng tới sự hài lòng của người dân, tổ chức, tập trung ở các lĩnh vực đầu tư, xây dựng, chính sách xã hội; kịp thời xử lý các vướng mắc dẫn đến việc giải quyết thủ tục hành chính bị chậm, muộn; việc trả lại, bổ sung hồ sơ thủ tục hành chính đối với người dân, tổ chức. Tiếp tục thực hiện việc sắp xếp tổ chức bên trong các cơ quan hành chính Nhà nước; sắp xếp các đơn vị sự nghiệp công lập theo Nghị quyết 18-NQ/TW, Nghị quyết số 19-NQ/TW của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XII trên cơ sở Đề án của tỉnh, đảm bảo chỉ tiêu giảm số đơn vị sự nghiệp; giảm chi trực tiếp từ ngân sách đối với đơn vị sự nghiệp công lập và lộ trình tinh giản biên chế. Tăng cường kỷ luật, kỷ cương công vụ; nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức. Hoàn thiện cơ chế tài chính tại các đơn vị sự nghiệp công lập; nâng mức độ tự chủ tài chính của các đơn vị sự nghiệp công lập, giảm kinh phí ngân sách Nhà nước cấp cho các đơn vị. Tiếp tục đẩy mạnh xây dựng, phát triển Chính quyền điện tử, chính quyền số. Chủ động xây dựng các cơ sở dữ liệu chuyên ngành, xây dựng kho dữ liệu điện tử dùng chung của tỉnh; kết nối, khai thác hiệu quả dữ liệu dân cư trong giải quyết thủ tục hành chính và hoạt động hành chính các cấp./.