xem-chi-tiet-tin - UBND TP Vị Thanh

 

GIẢI PHÓNG PHỤ NỮ VÀ BÌNH ĐẲNG GIỚI – TỪ TƯ TƯỞNG HỒ CHÍ MINH ĐẾN THỰC TẾ CUỘC SỐNG

Ngày 30-10-2021 - Lượt xem: 142

 

 

                                         ThS. Võ Thị Cẩm Tú - Phòng QLĐT&NCKH

  

Trong một thời gian dài, người phụ nữ không được xã hội quan tâm, xem trọng. Trong xã hội phong kiến, thân phận người phụ nữ thật nhỏ bé, người phụ nữ không được bình đẳng với một nửa thế giới còn lại “nhất nam viết hữu, thập nữ viết vô”. Khi Việt Nam chịu sự đô hộ của thực dân, đế quốc thì người phụ nữ vẫn không được sánh ngang hàng với nam giới, vẫn phải chịu nhiều tủi nhục.

Chủ tịch Hồ Chí Minh là người luôn quan tâm đến phụ nữ, nhìn thấy vai trò to lớn và những đau khổ của phụ nữ, luôn đấu tranh giải phóng phụ nữ về cả chính trị, xã hội và gia đình.

Theo Người, trong suốt chiều dài lịch sử, phụ nữ Việt Nam có những đóng góp to lớn cho sự nghiệp đấu tranh giải phóng dân tộc và xây dựng nước nhà. Hồ Chí Minh khẳng định từ xa xưa nam giới và nữ giới đều có những đại biểu xuất sắc tham gia đấu tranh chống ngoại xâm. Người nêu những tấm gương tiêu biểu của phụ nữ như: Hai Bà Trưng, Bà Triệu, Nguyễn Thị Minh Khai, Nguyễn Thị Định... Vì vậy, theo Người "phải kính trọng phụ nữ", "phải thật sự bảo đảm quyền lợi của phụ nữ".

Chủ tịch Hồ Chí Minh cũng luôn nhắc nhở cán bộ, đảng viên rằng phải quan tâm đến phụ nữ “nếu cán bộ lãnh đạo là nữ mà ít, đấy cũng là một thiếu sót của Đảng. Về nguyên nhân của tình trạng  phụ nữ ít được tham gia lãnh đạo quản lý, theo chủ tịch Hồ Chí Minh đó là vì "nhiều người còn đánh giá không đúng khả năng của phụ nữ, hay thành kiến, hẹp hòi, như vậy là rất sai"[1, Tr.258]. Sở dĩ Người đặc biệt quan tâm đến việc cất nhắc, giao cho phụ nữ phụ trách những công việc quan trọng, trong đó có công việc lãnh đạo, quản lý là bởi họ có thể trực tiếp tham gia vào quá trình bàn bạc, ra quyết định, hoạch định chính sách và định hướng cho sự phát triển của đất nước hoặc của địa phương trên tất cả các lĩnh vực của đời sống chính trị, kinh tế, văn hóa, xã hội liên quan trực tiếp đến bản thân mình. Đây là điều kiện đặc biệt quan trọng để người phụ nữ được bảo đảm quyền làm chủ bản thân, làm chủ xã hội và thể hiện quyền bình đẳng với nam giới.

Với cương vị của một Chủ tịch nước, trong những lo lắng quan tâm chung cho đồng bào cả nước, Bác luôn quan tâm tới sự bình đẳng của phụ nữ Việt Nam. Nhiều lần Người phê phán những thái độ đối xử không tốt đối với phụ nữ như coi thường không tin tưởng chị em, tệ đánh vợ... Mỗi hội nghị, nếu có đại biểu nữ, Bác thường mời lên trên, ân cần hỏi han đến chuyện gia đình con cái, đến cuộc sống và những khó khăn riêng của chị em. Bác không cho đoàn đại biểu của một tỉnh chụp chung ảnh với Bác vì trong đoàn không cử phụ nữ... Quyền lợi chính trị của chị em luôn được Bác chú ý. Bác nói Đảng và Chính phủ sẵn sàng tạo điều kiện cân nhắc và giao cho phụ nữ những chức trách quan trọng.

Không chỉ quan tâm đến quyền bình đẳng của nữ giới trong quan hệ xã hội, Bác Hồ còn lo cho hạnh phúc của nữ giới trong quan hệ vợ chồng. Bác khuyên chị em ý thức được quyền lợi và trách nhiệm của mình để tự đấu tranh giải phóng mình khỏi những ràng buộc phi lý kiểu “chồng chúa vợ tôi”. Bác dặn, trong gia đình, quan hệ vợ - chồng phải được xây dựng trên nguyên tắc bình đẳng, trẻ em gái và phụ nữ được tôn trọng, chống bạo hành gia đình, chống coi thường và phân biệt đối xử với phụ nữ.

Như vậy, công cuộc giải phóng phụ nữ phải được tiến hành một cách toàn diện, không chỉ giải quyết cho phụ nữ những quyền lợi về mặt vật chất trước mắt, mà còn tạo cho họ một tương lai phát triển lâu dài, bền vững. Tương lai phát triển của phụ nữ gắn liền với mục tiêu xây dựng đất nước văn minh, tiến bộ, nhân dân ấm no, hạnh phúc và mọi người được đối xử công bằng. Việc bảo đảm quyền bình đẳng giữa nam giới và phụ nữ liên quan tới các chính sách cụ thể về chính trị, kinh tế, văn hóa – xã hội. Muốn thực hiện quyền bình đẳng nam nữ thì cả nam giới và phụ nữ đều cần ý thức đầy đủ về quyền lợi và nghĩa vụ của cá nhân, khả năng đóng góp của mình đối với gia đình và xã hội.

Có thể nói rằng tư tưởng giải phóng phụ nữ, đem lại quyền bình đẳng cho phụ nữ của Bác có ý nghĩa hết sức lớn lao: tư tưởng ấy đã chỉ dẫn cho người phụ nữ Việt Nam, cổ vũ chị em trên con đường đấu tranh đi tới bình đẳng tự do cùng nhân loại tiến bộ. Tư tưởng ấy cũng cho mỗi chúng ta một bài học nhân văn: coi trọng con người, tất cả vì sự phát triển con người.

Quán triệt sâu sắc lời dạy của Chủ tịch Hồ Chí Minh, Đảng, Nhà nước ta đã vận dụng và phát triển một cách toàn diện tư tưởng của Bác về bình đẳng giới trong công cuộc đổi mới và sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước. Trong hệ thống chính trị, ngày càng nhiều nữ giới tham gia, giữ những chức vụ, vị trí quan trọng cơ quan Đảng, chính quyền, đoàn thể ở trung ương và địa phương. Trong các lĩnh vực khác nhau của đời sống xã hội như kinh doanh, nghiên cứu khoa học, thể dục thể thao, y tế, giáo dục,… cũng có vai trò to lớn và sự khẳng định của phụ nữ.

Như vậy, phụ nữ ngày càng khẳng định, thể hiện năng lực, trách nhiệm trên tất cả lĩnh vực và được xã hội ghi nhận, động viên, khuyến khích. Nhưng để thực sự giải phóng phụ nữ, cần có sự chuyển biến sâu sắc về nhận thức trong xã hội để thay đổi tư tưởng thành kiến đối với phụ nữ. Cuộc cách mạng giải phóng phụ nữ trước hết là cuộc cách mạng về tư tưởng, nhận thức, đấu tranh chống lại các thói quen lâu đời. Cần phải có sự thay đổi về nhận thức của toàn xã hội để có sự nhìn nhận, đánh giá khách quan, đúng đắn đối với vai trò, vị trí, sự khác biệt của phụ nữ và nam giới.

Ngày nay, phụ nữ đã khẳng định vị trí của mình trong gia đình, cộng đồng, xã hội. Tuy nhiên, ở đâu đó, vẫn còn phụ nữ bị phân biệt đối xử, nạn bạo hành gia đình vẫn xảy ra, nạn xâm phạm tình dục phụ nữ và trẻ em vẫn còn là một vấn đề nhức nhối. Phụ nữ vẫn chịu nhiều thiệt thòi trong gia đình, trong cộng đồng, trong xã hội, chưa nhiều phụ nữ đảm nhiệm các vị trí lãnh đạo, quản lý ở tất cả các cấp. Người phụ nữ vẫn gánh trên vai nhiều trọng trách, nghĩa vụ, đôi khi vượt quá khả năng về sức khỏe, không có nhiều thời gian chăm sóc, hoàn thiện bản thân,...

Có thể nói, cùng với giải phóng con người thì giải phóng phụ nữ là mục tiêu, nhiệm vụ quan trọng trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội, được Đảng, Nhà nước hết sức quan tâm. Trong thời gian tới, để phát huy hơn nữa vai trò của phụ nữ, giải phóng phụ nữ thật sự, cần tiếp tục thực hiện đồng bộ nhiều giải pháp: Các cấp ủy đảng, chính quyền, các ngành, các cấp cần quán triệt sâu sắc quan điểm, mục tiêu công tác phụ nữ trong tình hình mới; quy hoạch, đào tạo nguồn cán bộ nữ; quan tâm hỗ trợ vật chất và tinh thần cho phụ nữ có hoàn cảnh khó khăn, yếu thế; mỗi người phụ nữ cần phát huy vai trò, không ngừng phấn đấu hoàn thiện bản thân,, khẳng định năng lực, phẩm chất trong mọi hoàn cảnh.

  1. Hồ Chí Minh, toàn tập, Nxb CTQG, H, 2009, t.2.

 

* Để xem thêm chi tiết, tải về tại đây
1. BÀI VIẾT WEB 28.10.doc_20211030210358.doc

Đang online: 4
Hôm nay: 2170
Đã truy cập: 1653038
Bạn chưa có đủ quyền truy nhập portlet này.