Tối ba mươi Tết, bà Tư ngồi bên bếp lò sáng lửa được đặt trước sân nhà, tay đảo thật nhanh mứt dừa trong chảo gang, hai đứa con của bà ngồi kề bên háo hức nhìn những miếng dừa trắng phau áo một lớp đường mỏng tỏa lên mùi thơm ngào ngạt.
Ảnh minh họa (internet)
Bỗng bà Tư nói với bé Hiền: “Con đảo mứt cho má chút, má lại tiệm mua nhang đèn nghen!”. Bé Hiền đưa tay cầm lấy đôi đũa trộn qua trộn lại, thỉnh thoảng chụm thêm cây củi vào lò. Một lúc sau, bà Tư về, nhìn vô chảo thấy mứt dừa đã chuyển sang màu vàng sậm, bà la toáng lên: “Chèn ơi! mứt bị khét hết rồi sao cúng!”. Bé Hiền mếu máo: “Dạ! nãy con bỏ thêm củi chụm lửa cho mau chín, hổng ngờ bị khét vậy đó!”.
Bà Tư vừa giận lại vừa thương con, bèn dịu giọng: “Thôi, lỡ rồi! Tết nhứt không được khóc, vô trong lấy bó lá dứa, củ dền, củ nghệ đem ra cho má!”.
Bà Tư đâm nhuyễn lá dứa, củ dền, củ nghệ theo từng loại để riêng rồi lấy vải the lược bỏ xác lấy nước, rồi lần lượt sên ba mẻ mứt với ba màu xanh, đỏ, vàng trông thật bắt mắt. Bé Nhân và Hiền - lúc này đã hết khóc - nhìn chăm chăm vào chảo mứt, đôi mắt ánh lên niềm vui khó tả.
Chợt bé Nhân buột miệng: “Má ơi, gần mười hai giờ rồi kìa!”. Bà Tư nhìn lên đồng hồ treo tường rồi giật mình: “Chết mồ! Mấy đứa mau mau phụ má lấy dĩa ra đây!”. Bà Tư lụi hụi sắp mâm cúng, xong, đốt đèn cầy trên bàn thờ, cầm ba nén nhang đưa ngang trán, lâm râm khấn nguyện. Mùi khói nhang tỏa ra trong ánh sáng lung linh của đèn cầy rọi vào khung ảnh làm bà chạnh lòng nhớ đến ông Tư …
“… Năm nào cũng vậy, cứ tối ba mươi Tết là ông Tư ngồi canh nồi bánh tét còn bà thì làm mứt dừa, bánh bông lan sắp sẵn trong hộp để mùng một Tết hai vợ chồng về quê làm quà biếu. Rồi sau khi cúng giao thừa, ông Tư ngồi uống trà, nhâm nhi mứt dừa rồi nói: “Bà làm mứt dừa khéo không ai bằng, cọng mứt trắng phau, không quá cứng, cũng không quá mềm, ăn vào miệng nghe ngọt lịm vậy mà không gắt cổ, còn mùi thơm thì y chang mùi dầu dừa trên tóc của bà vậy!”. Bà Tư cười lỏn lẻn: “Ông này! Hồi đó ông bán dừa, miệng mồm dẻo quẹo, ngọt xớt!”.
- Bận đó, ở quê có mấy công dừa mà thương lái ép giá mua rẻ, tía má kêu tui đem ra chợ Cái Răng bán, còn nguyên buồng dừa mười hai trái, tôi năn nỉ bà mua mão hết tính nửa giá tiền, rồi chở tới nhà bà luôn!
- Tại ông năn nỉ tui mua hết để ông kịp về quê ăn Tết, tui mới mua dùm!
- Tui gạt bà thôi, tui lấy cớ để làm quen bà đó!
- Thì bị ông gạt nên giờ mới có hai đứa nhỏ nè!
- Tui còn gạt bà tới khi đủ một buồng dừa mười hai trái mới thôi! …
- Má! Sao má khóc vậy? Tiếng của bé Hiền làm bà Tư giật mình trở về thực tại, bà quệt nước mắt: “Ơ… Không có! Tại khói bay vô mắt của má!”, rồi bà cắm ba cây nhang lên bàn thờ, thầm thì “Vậy mà ông đã bỏ tui đi sáu cái giao thừa rồi đó!!!”.
Khi nhang đã cháy hết gần hai phần ba, bà Tư bưng dĩa mứt dừa xuống chia cho hai đứa con, cùng ngồi nhấm nháp.
- Má ơi, má! Sao nhà người ta cúng heo quay, cúng gà vịt, còn nhà mình chỉ cúng mứt dừa không vậy má?
- Ờ, tại … tại …!
- Tại mình không có tiền phải không má?
Bà Tư ôm bé Hiền vào lòng: - Truyền thống nhà mình nào giờ cúng giao thừa không sát sanh, nếu còn ba con, thì ổng sẽ nấu bánh tét, má thì làm mứt dừa, bánh bông lan đem về quê làm quà. Nhưng từ khi ba con mất, một mình má không đủ sức làm, khi nào con lớn lên phụ má một tay!
- Dạ, nữa má dạy con làm mứt dừa và gói bánh tét nhe má!
- Má sẽ dạy hết, con nên nhớ, cúng giao thừa là tùy theo điều kiện, hoàn cảnh của mỗi nhà, không nhất thiết mâm cao cổ đầy, mà cần tấm lòng chân thành, ăn ở hiền lành thì ông trời sẽ phò hộ, sẽ ban phúc cho mình!
Nghe bà Tư nói, Hiền thấy thương má, lúc nào má cũng nghĩ đến những điều lạc quan vui vẻ, không bao giờ than vãn, buồn phiền.
***
Sáng mùng một Tết, bà Tư đang ở trong nhà sửa soạn đồ đạc chuẩn bị về quê, bỗng nghe tiếng lao xao trước cửa, bà vội vàng bước ra thì thấy ba người, một nam, một nữ và một đứa nhỏ. Cô gái trông thấy bà liền hỏi: “Dạ! Cô ơi, cho cháu hỏi thăm, đây có phải là nhà của chú Tư Phước không cô?”.
Bà Tư gật đầu: “Phải, nhưng cô là ai? Còn ông nhà tôi đã …”. Cô gái chợt reo lên một cách mừng rỡ: “Vậy là đúng rồi! Dạ, cô ơi! con tên là Mai Trâm, đây là ông xã và con trai con. Cô biết sao hôn? Cách đây sáu năm, cũng vào ngày mùng một Tết, con đi đò về quê, tới Vàm Nước Vận thì đò bị chìm, chú Tư là người đã cứu con trong lúc thập tử nhất sinh đó cô!”. Sau một thoáng ngỡ ngàng, bà Tư mời cả ba vào nhà.
Mai Trâm giới thiệu ông xã tên Hải cùng đứa con trai nhỏ tên là Bi, rồi kể lại cô đã dò hỏi nhiều người, đến hôm nay mới tìm được đúng nhà, mà lại đúng vào ngày mùng một Tết, có lẽ ông Tư đã phù hộ dẫn đường. Rồi Mai Trâm thắp hương lên bàn thờ ông Tư mà hai hàng nước mắt rưng rưng, cô nhìn vào di ảnh ông một lúc lâu rồi hỏi vì sao ông Tư mất. Bà Tư nói, lần đó về ông Tư bị cảm sốt, người cứ nóng lạnh hoài, đến khi vô bệnh viện bác sĩ mới cho biết ổng bị ung thư phổi giai đoạn cuối, rồi sáu tháng sau qua đời.
Mai Trâm cảm động, kể tiếp, sau khi được ông Tư cứu và được mọi người chở vào bệnh viện, bác sĩ cho biết cô đã mang thai hơn một tháng, rất may mắn cả hai mẹ con đều khỏe mạnh. Sau đó cô theo gia đình về Mỹ, rồi sinh được một bé trai. Mai Trâm chỉ đứa bé: “Nó đây nè cô!”.
Bà Tư nửa vui nửa buồn, không ngờ ông Tư đã cứu được hai mẹ con, nhưng lại không cứu được mình.
Mai Trâm thành khẩn:
- Cô ơi! Con biết không có gì trả được cái ơn mà chú Tư đã cứu hai mẹ con của con, con chỉ biết nói lời cảm ơn chân thành từ đáy lòng thôi!
- Ở xứ mình, giúp người bị nạn là chuyện bình thường cô ơi, cô đừng nói đến chuyện ơn nghĩa, tôi ngại lắm!
- Dạ, con có chuyện như vầy: Vợ chồng con có một sạp bánh kẹo nhỏ ở trong chợ trung tâm, mấy năm con ở bên Mỹ có nhờ cô em họ bán dùm, nhưng bây giờ nó lại sắp sửa lấy chồng ở thành phố rồi, nay gặp cô cũng là có duyên, con mạo muội nhờ cô giúp con giữ lại cái sạp này khoảng vài năm được không cô?
- Chuyện bất ngờ quá, tôi không biết có giúp cô được không nữa?
- Dạ, dễ lắm cô, hiện giờ hàng hóa đã có sẵn rồi, cô chỉ việc đứng bán và bỏ sỉ theo danh sách khách hàng con gửi cô, kinh doanh có lời thì cô tự cân đối bổ hàng thêm, con sẽ hướng dẫn cho cô làm.
Bà Tư còn đang phân vân khó xử, thì bé Hiền nhanh miệng nói:
- Má giúp cho chị đi, bán bánh kẹo cũng dễ mà, bán hàng rong hoài cũng không khá nổi, nếu làm được thì mình sang lại luôn, nếu không được thì mình trả lại cho chị, chị cũng chịu mà.
- Dạ phải đó cô! Tới lúc đó cô muốn sang lại con sẵn sàng - Mai Trâm tiếp lời.
Bà Tư nhìn đồng hồ: - Thôi chết! Lo nói chuyện mà trễ đò về quê rồi!
Hải, nảy giờ yên lặng, chợt cất tiếng năn nỉ:
- Cô ơi, vợ chồng con hiện giờ đang ở nước ngoài, mà lại không còn bà con họ hàng gì ở đây, cô ráng giúp tụi con đi cô!
- Chậc! Thôi được, tui … tui chịu là để giúp cô cậu thôi, chớ bất ngờ quá tui chưa biết làm sao nữa!
Mai Trâm mừng rỡ:
- Dạ, cô đồng ý là con yên tâm rồi!
Hải nói:
- Con cảm ơn cô, mà hình như cô về quê ở Vàm Xẻo Lá phải hôn?
- Phải, sao cậu biết!
- Dạ! Khi dò hỏi tìm nhà cô, người ta nói cho con biết, quê con cũng ở gần đó, sẵn xe con chở cô và mấy đứa em về chung cho vui!
Bà Tư quá đổi bất ngờ, rồi kêu Hiền và Nhân vào trong soạn đồ đạc chuẩn bị về quê.
Trong lúc bà Tư ra nhà sau. Hải nói nhỏ với vợ:
- Sao em không nói thẳng là mình sang sạp bánh kẹo đó là để đền ơn ông Tư, nói vòng vo chi vậy!
- Em sợ nói thẳng quá cô sẽ từ chối, nói vậy để cô đồng ý trước, khi cô đã quen việc buôn bán rồi, em sẽ từ từ nói với cô!
- Ờ, em nói cũng phải! Thấy cô Tư là người chất phác thật thà, anh cũng quý cô!
- Mình qua bển ổn định rồi, sẽ tìm cách giúp cô nhiều hơn anh nhe! - Mai Trâm vồn vã.
Trước khi đi, mọi người đến thắp nhang bàn thờ ông Tư. Trong làn khói hương nghi ngút, di ảnh của ông Tư trên bàn thờ dường như đang mỉm cười …
Huyền Văn