Với tính sáng tạo và chịu khó học hỏi kinh nghiệm cùng với biết áp dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất Ông Huỳnh Văn Mười - tại ấp Long Lợi A, xã Đông Phước A, huyện Châu Thành, tỉnh Hậu Giang đã thành công và đem lại thu nhập trên 100 triệu/năm nhờ Mô hình nuôi trùn quế từ việc tận dụng chất thải chăn nuôi dê, làm thức ăn chăn nuôi gà vịt, tận dụng phân trùn làm phân bón cây trồng.
Mô hình nuôi trùn quế hộ Ông Huỳnh Văn Mười
Nhiều năm qua diện tích mít tại huyện Châu Thành, tỉnh Hậu Giang tăng nhanh do mít dễ trồng và bán được giá cao. Bên cạnh việc gia tăng diện tích mít thì lượng phụ phẩm từ cây mít ngày một nhiều, nhiều hộ nông dân tại huyện đã tiến hành chăn nuôi dê để tận dụng phụ phẩm từ cây mít. Từ đó lượng chất thải chăn nuôi dê ngày càng nhiều, nếu không có giải pháp và tận dụng dễ gây ô nhiễm môi trường, vài hộ đã tận dụng chất thải từ chăn nuôi dê để nuôi trùn quế cho hiệu quả kinh tế cao, điển hình là hộ Ông Huỳnh Văn Mười tại ấp Long Lợi A, xã Đông Phước A, huyện Châu Thành, tỉnh Hậu Giang.
Ông Mười cho biết: Đầu năm 2022 chỉ bắt đầu với hơn 20kg trùn sinh khối với giá 10.000đồng/kg sinh khối (cả phân và trùn giống) hết 200.000 đồng ông nuôi thử nghiệm trong thùng xốp, do ngại trùn không phát triển được khi tận dụng phụ phẩm từ đàn dê. Sau gần tháng nuôi thấy trùn phát triển mạnh, lớn nhanh nên ông đã mạnh dạn đầu tư để nuôi trùn với quy mô lớn.
Theo kinh nghiệm của ông Mười, để nuôi trùn quế cần lưu ý là trùn rất sợ ánh sáng nên phải che chắn thật kỹ. Chuồng cần được che phủ bằng bạt, lá dừa để tạo được bóng mát, vừa giữ được độ ẩm. Chuồng trại phải bảo đảm thông thoáng, không khí ra vào lưu thông. Khi tận dụng phân dê làm thức ăn cần tạo độ ẩm cho phân và nên trộn chung với thức ăn thừa của dê (cỏ, mít xay nhỏ…) để tạo độ tơi xốp cho trùn dễ ăn và phát triển nhanh. Chú ý không nên cho trùn ăn khi lượng thức ăn cũ còn quá nhiều, vì lượng thức ăn bị tồn đọng làm cho trùn chỉ lo tập trung ăn và sống phía dưới luống mà không sống trên bề mặt, điều này khiến cho trùn giảm khả năng sinh sản. Để có được độ ẩm và nhiệt độ thích hợp cho trùn, mỗi ngày ta nên tưới phun 1-2 lần nước vào chuồng nuôi.
Hiện tại, Ông Mười sử dụng trùn để làm thức ăn chăn nuôi gà, vịt. Bên cạnh đó ông còn bán giống lại cho nhiều hộ có nhu cầu nuôi với giá 10.000đ/kg trùn sinh khối và 60.000 đến 80.000đồng/kg trùn trưởng thành. Phân trùn ông sử dụng để bón cho vườn cây ăn trái, giảm được chi phí mua phân bón góp phần tăng thêm thu nhập cho gia đình. Mỗi năm ngoài thu nhập từ vườn cây, đàn dê, việc nuôi trùn làm thức ăn chăn nuôi gà vịt, tận dụng phân trùn làm phân bón cây trồng còn giúp gia đình ông tăng thêm thu nhập trên 100 triệu đồng.
Hiệu quả từ mô hình nuôi trùn quế tận dụng phụ phẩm từ chăn nuôi dê của ông Mười mang lại rất cao. Đây là một hướng đi mới trong phát triển kinh tế gia đình huyện Châu Thành nói riêng và tỉnh Hậu Giang nói chung. Qua mô hình này cũng cho thấy, người nông dân trên địa bàn đã tìm cho mình một hướng phát triển kinh tế phù hợp với điều kiện đất đai, thổ nhưỡng tại địa phương, góp phần vào sự phát triển chung của huyện Châu Thành./.
Mỹ Lệ (Phòng KTHT huyện Châu Thành)