
Theo Báo cáo của Sở Công Thương, tỉnh Hậu Giang hiện có 100% các siêu thị, trung tâm mua sắm và cơ sở phân phối hiện đại có thiết bị chấp nhận thẻ thanh toán (POS) và cho phép người tiêu dùng thanh toán không dùng tiền mặt khi mua hàng. 70% các đơn vị cung cấp dịch vụ điện, nước, viễn thông và truyền thông chấp nhận thanh toán hóa đơn của các cá nhân, hộ gia đình qua các hình thức thanh toán không dùng tiền mặt. 40% doanh nghiệp tham gia sàn giao dịch thương mại điện tử (TMĐT), 30% doanh nghiệp có website riêng để quảng bá thương hiệu, sản phẩm; 30% người dân thường xuyên mua sắm trực tuyến thông qua các trang TMĐT như Lazada, Shopee, Sendo,… doanh số trong giao dịch TMĐT của các doanh nghiệp tỉnh Hậu Giang đạt khoảng 20% hàng năm. Theo kế hoạch phát triển TMĐT của tỉnh giai đoạn 2021 - 2025, Hậu Giang sẽ phấn đấu có khoảng 60% người tiêu dùng tham gia mua sắm trực tuyến, 50% thanh toán không dùng tiền mặt trong TMĐT, 70% các giao dịch mua hàng trên website/ứng dụng TMĐT có hóa đơn điện tử, 80% website TMĐT có tích hợp chức năng đặt hàng trực tuyến, 50% doanh nghiệp vừa và nhỏ tiến hành hoạt động kinh doanh trên sàn giao dịch TMĐT, 40% doanh nghiệp tham gia hoạt động TMĐT trên các ứng dụng di động, cập nhật thường xuyên thông tin giới thiệu và quảng bá sản phẩm của doanh nghiệp,… Dự kiến, năm 2021, Sở Công Thương sẽ xin chủ trương UBND tỉnh đầu tư xây dựng phần mềm Sàn giao dịch điện tử Hậu Giang chung cho tất cả các doanh nghiệp trong tỉnh có nhu cầu đưa các sản phẩm, dịch vụ để quảng bá, thực hiện các giao dịch TMĐT.
Tại buổi làm việc, đại diện doanh nghiệp tham dự đã trình bày giải pháp xây dựng hệ thống Sàn giao dịch điện tử Hậu Giang. Các đơn vị cùng trao đổi, thảo luận và đưa ra phương hướng, thống nhất giải pháp chung để sớm hoàn thành, đưa vào vận hành chính thức.
Các đại biểu trao đổi, thảo luận về giải pháp xây dựng Sàn giao dịch điện tử
Phát biểu tại buổi làm việc đồng chí Lã Hoàng Trung - Giám đốc Sở Thông tin và Truyền thông chia sẻ: Chuyển đổi số, kinh tế số hiện nay đang là xu thế của toàn cầu, là quá trình không thể đảo ngược. Với sự xuất hiện của của cách mạng công nghiệp 4.0 và sự bùng phát của đại dịch, thế giới đang ở điểm đột phá của quá trình chuyển đổi số, thúc đẩy nhanh chuyển đổi số. Thương mại điện tử là một trong các lĩnh vực tiên phong của nền kinh tế số, nơi các công nghệ tiên tiến của cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư được ứng dụng rộng rãi để tăng hiệu quả của chu trình kinh doanh, góp phần hiện đại hóa hệ thống phân phối, nâng cao năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp, đẩy mạnh công tác quảng bá phát triển thị trường.
Đề nghị Sở Công Thương phối hợp các đơn vị liên quan xây dựng Sàn giao dịch điện tử chung cho các doanh nghiệp và địa phương trên địa bàn tỉnh Hậu Giang để giới thiệu, quảng bá các sản phẩm chủ lực của Tỉnh ra toàn quốc và ra thế giới.
Để đảm bảo hiệu quả của Sàn giao dịch điện tử, cần đảm bảo chất lượng của các sản phẩm cung cấp trên Sàn, hỗ trợ việc thanh toán thuận tiện và quá trình vận chuyển sản phẩm, hàng hóa đến tay người tiêu dùng nhanh chóng. Sở Thông tin và Truyền thông sẽ phối hợp, hỗ trợ về đào tạo, tập huấn nhằm nâng cao trình độ chuyên môn, nghiệp vụ về công nghệ thông tin, thương mại điện tử, chuyển đổi số, tiếp tục phối hợp với Sở Công Thương hỗ trợ các doanh nghiệp đưa các sản phẩm lên các Sàn giao dịch thương mại điện tử./.
HG-STTTT