Ngày 24/11, Hội nghị Văn hóa toàn quốc triển khai thực hiện Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng đã diễn ra tại phòng họp Diên Hồng, Tòa nhà Quốc hội (Hà Nội). Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng dự và phát biểu chỉ đạo Hội nghị. Đại hội có sự tham dự của 600 đại biểu tại hội trường Diên Hồng (Nhà Quốc Hội). Hội nghị được kết nối trực tuyến đến 63 tỉnh, thành trong cả nước.
Các đại biểu dự Hội nghị tại điểm cầu Tỉnh ủy Hậu Giang
Hội nghị đã đánh giá việc triển khai đường lối, chủ trương, các nghị quyết, chỉ thị, kết luận của Đảng về công tác văn hóa, văn nghệ thời gian qua; kết quả xây dựng văn hóa, con người Việt Nam sau 35 năm thực hiện công cuộc đổi mới đất nước và đề ra phương hướng, nhiệm vụ trọng tâm công tác văn hóa, văn nghệ trong giai đoạn 2021-2026, tầm nhìn đến năm 2045.
Theo đó, Văn hóa Việt Nam là thành quả hàng nghìn năm lao động sáng tạo, đấu tranh kiên cường dựng nước và giữ nước của cộng đồng các dân tộc Việt Nam, là kết quả giao lưu và tiếp thu tinh hoa của nhiều nền văn minh thế giới để không ngừng hoàn thiện mình. Văn hóa Việt Nam đã hun đúc nên tâm hồn, khí phách, bản lĩnh Việt Nam, làm rạng rỡ lịch sử vẻ vang của dân tộc; hình thành nên những giá trị văn hóa Việt Nam cao đẹp, bền vững: Yêu nước, đoàn kết, cần cù, dũng cảm, tài trí, lạc quan, hiếu học, nghĩa tình, hòa hiếu, khoan dung… Kế thừa, phát huy truyền thống văn hóa dân tộc, ngay từ khi ra đời và lãnh đạo cách mạng Việt Nam, Đảng Cộng sản Việt Nam và Chủ tịch Hồ Chí Minh đã xác định ba mặt trận quan trọng của cách mạng nước ta là chính trị, kinh tế và văn hóa.
Tại Đại hội Đại biểu toàn quốc lần thứ XIII, Đảng ta tiếp tục xác định quan điểm chỉ đạo “Tiếp tục phát triển nhanh và bền vững đất nước; gắn kết chặt chẽ và triển khai đồng bộ các nhiệm vụ, trong đó phát triển kinh tế - xã hội là trung tâm; xây dựng Đảng là then chốt; phát triển văn hóa là nền tảng tinh thần xã hội; bảo đảm quốc phòng, an ninh là trọng yếu, thường xuyên…”. Với quan điểm Xây dựng văn hóa và con người Việt Nam phát triển toàn diện, hướng đến chân - thiện - mỹ, thấm nhuần tinh thần dân tộc, dân chủ, khoa học và nhân văn. Xây dựng văn hóa thực sự trở thành nền tảng tinh thần vững chắc của xã hội, là sức mạnh nội sinh quan trọng bảo đảm sự phát triển bền vững đất nước và bảo vệ vững chắc Tổ quốc vì mục tiêu dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh. Hệ giá trị quốc gia lần đầu tiên được xác định trong văn kiện Đại hội XIII của Đảng, giữ vai trò chi phối, bao trùm hệ giá trị văn hóa con người Việt Nam, chuẩn mực văn hóa cụ thể của con người Việt Nam và hệ giá trị gia đình Việt Nam.
Đại hội XIII của Đảng tiếp tục đề ra một số nhiệm vụ trọng tâm trong xây dựng văn hóa Việt Nam đó là: Tập trung hoàn thiện thể chế văn hóa, thực hiện vai trò kiến tạo của Nhà nước bảo đảm xây dựng và phát triển văn hóa, con người trong bối cảnh nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, hội nhập quốc tế và cách mạng công nghiệp lần thứ tư. Hoàn thiện các chuẩn mực giá trị văn hóa và con người Việt Nam, tạo môi trường và điều kiện để phát triển nhân cách, đạo đức, trí tuệ, tâm hồn, thể chất; nâng cao tinh thần yêu nước, tự hào dân tộc, trách nhiệm của mỗi người với bản thân, gia đình, cộng đồng và đất nước…
Các đại biểu dự Hội nghị tại điểm cầu Tòa nhà Quốc hội (Hà Nội)
Phát biểu chỉ đạo tại Hội nghị, đồng chí Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng nhấn mạnh: Để triển khai những chủ trương, quan điểm của Đảng về phát triển và xây dựng văn hóa, con người Việt Nam. Các bộ, ban, ngành Trung ương và địa phương cần tập trung vào một số giải pháp trọng tâm như: Xây dựng đội ngũ cán bộ trực tiếp làm công tác văn hóa tương xứng với yêu cầu nhiệm vụ phát triển văn hóa Việt Nam; nâng cao trình độ chuyên môn, đội ngũ văn nghệ sỹ, chú trọng đào tạo đội ngũ văn nghệ sỹ làm công tác văn hóa nói riêng và trong sự nghiệp văn hóa nói chung. Cấp ủy chính quyền các cấp tăng cường công tác tuyên truyền về xây dựng văn hóa Việt Nam; đổi mới chính sách đãi ngộ đối với văn nghệ sỹ, phấn đấu có nhiều tài năng lớn, có ý nghĩa tích cực xây dựng văn hóa và con người Việt Nam hiện nay. Quan tâm hơn nữa đến việc bảo tồn, tôn tạo các giá trị văn hóa vật thể, phi vật thể của các vùng miền, các dân tộc, phát huy sức mạnh mềm của văn hóa Việt Nam. Chú trọng xây dựng văn hóa ứng xử lành mạnh trong xã hội, nêu cao tinh thần nhân nghĩa, nhân ái, “thương người như thể thương thân”…
An Nhiên